Hải quan điện tử: Tiện ích cần phát huy

Trần Thị Lan Anh

TCTC Online - Thủ tục hải quan điện tử (HQĐT) được chính thức triển khai thực hiện thí điểm tại Cục Hải quan TP.HCM và Hải Phòng từ năm 2005. Đến nay sau gần 5 năm thực hiện, HQĐT đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đặt ra và mang lại lợi ích thiết thực cho cả DN và cơ quan hải quan. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thí điểm thời gian qua cho thấy, không phải DN nào cũng hiểu rõ được tính ưu việt của hải quan điện tử và trong quá trình thực hiện không phải lúc nào cũng "thuận buồm, xuôi gió"...

 

Lợi ích cho cả hai phía

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng lớn, loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng đa dạng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và đầu tư phát triển, đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan  chặt chẽ đúng pháp luật, ngành hải quan  đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), áp dụng các kỹ thuật nghiệp vụ hải quan  hiện đại, các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý.

Thủ tục hải quan điện tử (HQĐT) tại Việt Nam được thực hiện thí điểm từ năm 2005 theo Quyết định 149/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện thí điểm tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh, thủ tục HQĐT đã thể hiện tính ưu việt so với thủ tục hải quan thông thường và mang lại nhiều lợi ích cho cả DN và cơ quan hải quan.

Những lợi ích mang lại cho DN có thể dễ dàng nhận rõ là HQĐT giúp DN giảm thời gian làm thủ tục, giảm chi phí. Luồng xanh (những DN được ưu tiên, không vi phạm pháp luật, chấp hành đầy đủ thủ tục và chính sách của Nhà nước) giảm 5-10 phút so với trước, giảm số lượng chứng từ phải nộp xuống còn 50% vì chỉ phải khai tờ khai hải quan  mà không phải xuất trình, nộp hồ sơ hải quan  (lưu tại DN). Luồng vàng (Những DN có ghi vấn, phải in hồ sơ và đem đến cơ quan hải quan  để đối chiếu, nếu không có vi phạm sẽ được thông quan) giảm 20-30 phút so với trước, chỉ xuất trình các chứng từ hải quan  yêu cầu. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan  hỗ trợ số liệu, hướng dẫn thủ tục hải quan  nhanh trên mạng. Ngoài ra, DN còn được cơ quan hải quan  hỗ trợ, đào tạo, cung cấp phần mềm và tư vấn miễn phí. Đặc biệt, HQĐT giúp nâng cao tính minh bạch, công bằng trong giải quyết thủ tục hải quan, giảm thiểu các tiêu cực phát sinh do việc tiếp xúc trực tiếp giữa hải quan và DN. DN có thể thực hiện việc khai báo hợp đồng, phụ kiện hợp đồng (bao gồm cả danh mục kèm theo) và định mức mà không cần phải xuất trình các giấy tờ có liên quan nêu trên để cơ quan hải quan  kiểm tra. Đối với cơ quan hải quan, thủ tục HQĐT giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hải quan...

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Tổng cục Hải quan đã và đang tập trung triển khai thí điểm thủ tục HQĐT mở rộng theo Quyết định 103/2009/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 149/2005/QĐ-TTg. Theo đó, thủ tục HQĐT sẽ được thực hiện thí điểm đến hết 2011 tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi và cục Hải quan các tỉnh, thành phố khác nếu có đủ điều kiện. Với việc triển khai mở rộng trong thời gian tới, thủ tục HQĐT sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 

Hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những ưu điểm, việc thực hiện HQĐT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi có giải pháp khắc phục kịp thời như giải quyết các bước trong quy trình nghiệp vụ vẫn liên quan nhiều đơn vị hải quan, DN vẫn còn phải đi lại, chờ đợi; hệ thống mạng đôi lúc vẫn trục trặc, phần mềm ứng dụng triển khai vẫn còn phải hiệu chỉnh nhiều, hệ thống mạng HQÐT hiện chưa kết nối với các tổ chức thương mại, cơ quan quản lý nhà nước như thuế, kho bạc, ngân hàng... nên nhiều khâu vẫn phải thực hiện theo phương pháp thủ công, gây chậm trễ. Nhiều DN vốn quen làm thủ công, khai thủ tục hải quan trên giấy, khi chuyển sang khai báo điện tử cũng gặp khó khăn. Mức độ tự động hóa của hệ thống phụ thuộc nhiều vào chuẩn hóa, mã hóa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải quản lý, tuy nhiên, thông tin về chính sách mặt hàng do các bộ, ngành quản lý còn chậm. Hầu hết thông tin, số liệu do các Bộ, ngành cung cấp đều bằng công văn giấy, quyết định về HQÐT được ban hành, đã có hiệu lực áp dụng, nhưng phải đợi chương trình phần mềm hoàn thành mới thực hiện được. Lượng hàng hóa, doanh nghiệp tham gia thủ tục HQÐT còn hạn chế, điều kiện triển khai quản lý rủi ro còn nhiều bất cập, thời điểm triển khai loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu khi nhiều DN đang làm dở các hợp đồng lớn, gây tâm lý không yên tâm khi xem xét, quyết định tham gia thủ tục HQÐT. Nhiều cơ quan liên quan vẫn yêu cầu xuất trình tờ khai in làm chứng từ để giải quyết công việc, nên DN vẫn phải tới chi cục HQÐT xác nhận đã thông quan tờ khai in, chưa thực hiện được chuẩn hóa, mã hóa danh mục hàng hóa trên hệ thống khai điện tử nên tính tự động xử lý của hệ thống chưa cao. Một số DN chưa thật sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ về công nghệ thông tin, nên thực hiện thủ tục HQÐT còn nhiều sai sót và chưa chính xác.

Bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thống nhất từ Lãnh đạo tới các cấp thừa hành về nội dung, mức độ tự động hóa trong giai đoạn đầu thí điểm thủ tục HQĐT trong hoàn cảnh và điều kiện thực tế và trong và ngoài ngành Hải quan; Một số nội dung trong thủ tục HQĐT vẫn còn chậm triển khai hoặc chưa thể triển khai, các nội dung đã triển khai mới chỉ áp dụng trong những địa bàn hạn chế, với số lượng hạn chế doanh nghiệp tham gia; Mô hình thông quan phù hợp với giai đoạn đầu nhưng khó mở rộng cho giai đoạn sau; Xuất hiện một số điểm chưa đồng bộ giữa hai hình thức làm thủ tục hải quan khiến doanh nghiệp có thể lợi dụng khi áp dụng song song cả thủ tục HQĐT và thủ tục hải quan truyền thống; Phần mềm ứng dụng triển khai chưa đạt tiến độ, vẫn còn phải hiệu chỉnh nhiều trong quá trình triển khai. Hạ tầng mạng và thiết bị tuy đã được nâng cấp nhưng chưa hoàn thiện; HQĐT mới chỉ được áp dụng với 3 loại hình: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán, hàng hóa gia công, hàng hóa nhập sản xuất xuất khẩu; Chưa điện tử hóa được nhiều chứng từ quan trọng của các Bộ, ngành. Mức độ tự động của hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan vẫn còn hạn chế.

 

Định hướng giải pháp

Để thực hiện thành công thí điểm thủ tục HQĐT theo Quyết định số 103/2009/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng triển khai thí điểm thủ tục HQĐT của Tổng cục Hải quan sẽ tập trung vào một số nội dung chính như sau:

Về địa bàn triển khai:  Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện thủ tục HQĐT tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng và TP.HCM, trong thời gian tới, thủ tục HQĐT sẽ được thực hiện tại 8 cục hải quan  tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, trong quá trình mở rộng thí điểm thủ tục HQĐT, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính sẽ xem xét khả năng của một số Cục hải quan  các tỉnh, thành phố khác có đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai. Như vậy so với giai đoạn 2005-2009 thì địa bàn thực hiện thí điểm thủ tục HQĐT trong giai đoạn mở rộng tăng lên rất nhiều.

Về thời gian triển khai: Thí điểm thủ tục HQĐT mở rộng được thực hiện đến hết năm 2011. Đây là mốc thời gian được xác định rất quan trọng, làm cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tiễn để Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.

Về đối tượng thực hiện thí điểm: Qua kết quả đạt được từ việc triển khai thủ tục HQĐT cho một số DN được lựa chọn (giai đoạn 2005- 2009), trong thời gian tới đối tượng DN thực hiện thủ tục HQĐT sẽ không còn hạn chế mà được mở rộng cho tất cả mọi DN có nhu cầu tham gia thủ tục HQĐT.

Về nội dung thủ tục hải quan  triển khai thí điểm: Thủ tục HQĐT trong giai đoạn thí điểm mở rộng được thực hiện trên cơ sở: Luật Hải quan; các Luật về thuế, các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các Luật về thuế; Luật Giao dịch điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; Các điều ước quốc tế có liên quan đến hải quan mà Việt Nam là thành viên.

Về loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu:  trong giai đoạn mở rộng thực hiện thí điểm, loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh sẽ gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các loại hình có liên quan đến 4 loại hình, chế độ sau: Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, kho bảo thuế; hàng hóa kinh doanh tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu; hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư; hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu và thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt.

Về mô hình thủ tục HQĐT:   Trong giai đoạn mở rộng sẽ thực hiện xử lý dữ liệu tập trung theo mô hình 03 khối: Khối 1: tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin tập trung gồm toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị để tiếp nhận, lưu trữ, xử lý và phản hồi thông tin tự động được đặt tại Trung tâm dữ liệu và Công nghệ thông tin; Khối 2: kiểm tra sơ bộ hồ sơ HQĐT, kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan được đặt tại các Chi cục HQ; Khối 3: kiểm tra thực tế hàng hóa được đặt tại các Chi cục hải quan  hoặc các điểm kiểm tra hàng hóa tập trung.

Về mô hình tổ chức thực hiện:  Theo mô hình này, hệ thống công nghệ thông tin sẽ được tập trung hóa. Việc tập trung hóa hệ thống công nghệ thông tin sẽ giúp đảm bảo tập trung hóa thông tin phục vụ cho xử lý thông quan, giảm thiểu yêu cầu đầu tư cho nhiều trung tâm, tập trung được nguồn lực duy trì vận hành, thuận tiện cho việc đảm bảo hệ thống an ninh, an toàn. Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục hải quan  và thông quan hàng hóa sẽ được tiến hành tại Chi cục. Để thực hiện hiệu quả mô hình này, Tổng cục hải quan  cũng sẽ quy hoạch lại hệ thống các Chi cục để đảm bảo vừa thuận tiện cho doanh nghiệp, phù hợp với địa bàn thực tế nhưng cũng vừa phải phù hợp với yêu cầu tập trung nguồn lực chuyên gia và phát huy được tối đa năng xuất hoạt động của hệ thống thông quan.

 

DN lâu nay chỉ quen với loại hình thủ tục hải quan  truyền thống là "khai báo trực tiếp": DN khai và đem hồ sơ hải quan  đến làm thủ tục tại cơ quan hải quan. Bên cạnh đó là loại hình "khai báo từ xa": Khai tại DN, gửi đến cơ quan hải quan  và mang hồ sơ đến làm thủ tục như khai báo trực tiếp. Một loại hình thủ tục hải quan  rất mới đó là "khai hải quan điện tử": Khai tại DN và nhận quyết định phân luồng, thực hiện theo quy trình thủ tục điện tử hay được thực hiện bằng phương tiện điện tử thông qua hệ thống xử lý dữ liệu ĐT của cơ quan hải quan.  

DN cần chuẩn bị gì để tham gia HQĐT?

Hiện nay có 11 loại hình hàng hóa cần phải làm thủ tục hải quan, trong đó có 3 loại hình đã được ứng dụng HQĐT gồm: Hàng hóa xuất nhập khẩu theo hợp đồng mua bán; Hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với nước ngoài; Hàng hóa xuất nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Thủ tục đăng ký tham gia: Lựa chọn cơ quan hải quan  nơi DN dự định thực hiện thủ tục HQĐT; Điền đầy đủ các thông tin vào mẫu "Đăng ký tham gia thủ tục HQĐT" tải tại (www.customs.gov.vn); Gửi bản "Đăng ký tham gia thủ tục HQĐT" tới cơ quan hải quan  đã lựa chọn. Nếu đăng ký không hợp lệ: nhận thông báo từ chối có nêu rõ lý do. Nếu đăng ký hợp lệ: nhận "Giấy công nhận tham gia thủ tục HQĐT" và tài khoản truy nhập.

 

Các yêu cầu về hồ sơ HQĐT

1. Tờ khai HQĐT theo mẫu

2. Bản ĐT vận tải đơn hoặc 1 bản sao chụp từ bản gốc hoặc bản chính của các bản vận tải đơn có ghi chữ copy hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp hàng được người khai hải quan  đề nghị cơ quan hải quan  xác nhận thực xuất

3. Bản chính "Bản kê chi tiết hàng hóa" trong trường hợp hàng hoá có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất

4. Bản ĐT giấy phép xuất khẩu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu

5. Bản ĐT hoặc 1 bản sao các chứng từ khác phải có theo quy định của pháp luật liên quan

Thời hạn phải khai tờ khai HQĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được áp dụng như tờ khai hải quan  truyền thống quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan. Hệ thống xử lý dữ liệu ĐThải quan  tiếp nhận tờ khai ĐT 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Cơ quan hải quan  kiểm tra, đăng ký tờ khai HQĐT trong giờ hành chính. Chi cục trưởng Chi cục HQĐT quyết định việc kiểm tra, đăng ký tờ khai HQĐT ngoài giờ hành chính.