Hạn chế các khoảng trống giám sát trên thị trường tài chính Việt Nam

PV.

Thị trường tài chính Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính thế giới, công tác giám sát đã bộc lộ một số hạn chế chưa tương thích với sự phát triển của thị trường cần được khắc phục trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Hội thảo “Hoàn thiện thể chế thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại và hội nhập” vừa tổ chức vào ngày 16/12/2016 vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính nhận định việc xuất hiện các sản phẩm tài chính phức tạp và hoạt động của các định chế tài chính đan xen giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm khiến các cơ quan giám sát gặp khó khăn trong xác định đối tượng, phạm vi quản lý giám sát dẫn đến chồng chéo và tồn tại các khoảng trống trong giám sát.

Trong xu thế hội nhập thị trường tài chính quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện công tác giám sát thị trường tài chính.

Theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cần xây dựng chính sách vĩ mô ổn định và bền vững, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Đây là một trong những điểu kiện cơ bản để tạo lập nền tảng cho sự ổn định và lành mạnh thị trường tài chính. Với môi trường kinh tế lành mạnh và ổn định, các chính sách giám sát khu vực tài chính sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.

Chiến lược phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cần được xây dựng cân bằng hơn, trong đó chú trọng phát triển thị trường chứng khoán nhằm giảm áp lực cho khu vực ngân hàng cũng như cân bằng cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn của thị trường tài chính.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong mạng lưới giám sát, quản lý thị trường tài chính sẽ giúp hạn chế các khoảng trống giám sát, phát hiện sớm quá trình hình thành và ngăn ngừa rủi ro hệ thống, giảm thiểu tác động bất lợi của các chính sách mới.

“Có thể xem xét việc thành lập Hội đồng Ổn định tài chính với sự tham gia của các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan quản lý giám sát. Hội đồng này có một số nhiệm vụ chính như: Nhận dạng rủi ro phát sinh từ các định chế tài chính, từ thị trường tài chính; lựa chọn công cụ chính sách phù hợp xử lý rủi ro hệ thống, ứng phó với những đe dọa ảnh hưởng đến ổn định thị trường tài chính”, ông Hà Huy Tuấn nhận định.

Bên cạnh đó, ông Hà Huy Tuấn cũng cho rằng, cần tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thanh tra giám sát đối với việc tiếp cận thông tin, điều tra và khởi tố đối với một số tội danh trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán để phát huy vai trò trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giám sát thị trường tài chính nhằm đối phó có hiệu quả với các rủi ro tài chính xuyên biên giới và tác động tiêu cực gây ra bởi sự dịch chuyển các dòng vốn quốc tế.