Hạn chế rủi ro trong các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

ThS. Trần Thị Thúy

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mở ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức về sự an toàn của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cho ngành Ngân hàng. Do vậy, đảm bảo an toàn, chính xác và hiệu quả trong giao dịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với hệ thống ngân hàng. Điều này không chỉ hạn chế rủi ro cho bản thân ngân hàng, bảo toàn tài sản khách hàng mà còn đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thực trạng rủi ro trong các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam có 9 hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) chính gồm: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS); hệ thống thanh toán bù trừ; hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại (NHTM); các hệ thống thanh toán song phương; hệ thống thanh toán ngoại tệ VCB – Money; hệ thống thanh toán chứng khoán do BIDV quản lý, vận hành; hệ thống thanh toán thẻ; hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động và hệ thống SWIFT.

Tính đến cuối tháng 6/2016, hệ thống có 96 tổ chức tín dụng tham gia thành viên, với 252 đơn vị thành viên, trong đó có 62 thành viên (với 185 đơn vị) tham gia dịch vụ thanh toán giá trị thấp. Bình quân hàng ngày, hệ thống xử lý khoảng 320.000 giao dịch với tổng doanh số gần 180.000 tỷ đồng.

Với công suất thiết kế kết nối 2.000 đơn vị thành viên và xử lý 2 triệu giao dịch một ngày, hệ thống IBPS trở thành trục thanh toán quốc gia hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chu chuyển vốn của nền kinh tế và là tiền đề quan trọng cho việc phát triển và đẩy mạnh TTKDTM.

Đối với các hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống thanh toán song phương, hệ thống thanh toán thẻ, hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động được các NHTM tiếp tục được quan tâm, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, quản lý tập trung, cho phép các NHTM cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc.

Một số NHTM cũng đã chủ động trong việc đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thanh toán mới, hiện đại, như xác thực vân tay, sử dụng mã QR Code, mang lại tiện lợi và an toàn hơn trong giao dịch thanh toán điện tử; Hoàn chỉnh những quy trình nghiệp vụ thanh toán trong điều kiện mới.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2016, tổng giá trị giao dịch của các ngân hàng thực hiện qua hệ thống NAPAS tăng gần 50% so với năm 2015, đạt 320.000 tỷ đồng, trong khi tỷ trọng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống NAPAS giảm 12,5% so với năm 2015.

Tuy nhiên, trong năm qua, một số ngân hàng vẫn còn xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán như một số tiền lớn trong tài khoản của khách hàng tự dưng “biến mất” đã và đang tác động lớn đến an toàn hệ thống thông tin cũng như ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng.

Đối với hệ thống SWIFT, thanh toán, chuyển tiền liên ngân hàng toàn cầu. SWIFT Việt Nam được thành lập vào năm 1996, sau khi 6 ngân hàng đầu tiên của Việt Nam bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, VCB, BIDV, Agribank, Vietinbank, Eximbank trở thành thành viên của SWIFT.

Đến nay, hầu hết các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam đã sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử của SWIFT để chuyển ngoại tệ và các giao dịch thanh toán quốc tế.

Vì vậy, việc đặt ra các yêu cầu với SWIFT để nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn các giao dịch thanh toán cũng như đảm bảo lợi ích kinh tế của các thành viên là một trong những trọng trách hàng đầu của VIETSWIFT.

Theo thống kê của SWIFT, năm 2015, Việt Nam đứng thứ 58 trong số 210 nước trên thế giới sử dụng SWIFT, đạt mức tăng trưởng bình quân 14%/năm. Hoạt động của hệ thống này đang đảm bảo tính an toàn, bảo mật cao và luôn được nâng cấp theo sự phát triển của công nghệ thông tin.

Công nghệ ngân hàng phát triển tạo ra nhiều đột phá mới về mọi mặt, trong đó, có TTKDTM đã mang lại những tiện ích cho các bên tham gia, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số rủi ro trong hệ thống TTKDTM thường gặp hiện nay có thể ghi nhận như:

Thứ nhất, về tín tín dụng: Xảy ra trong các trường hợp khi người bán chuyển giao tài sản tài chính nhưng không nhận được tiền thanh toán; Người mua thanh toán nhưng không nhận được tài sản.

Thứ hai, về thanh khoản: Là rủi ro mà một bên đối tác sẽ không thanh toán toàn bộ giá trị của một nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn. Nguyên nhân là do không có nguồn tiền hoặc tài sản cần thiết mà họ được tùy ý sử dụng khi nghĩa vụ đến hạn; Tạm thời không có khả năng chuyển tài sản thành vốn thanh khoản.

Thứ ba, trong hoạt động: Đó là do sự yếu kém trong hệ thống thông tin hoặc quy trình nội bộ, do hạn chế trong quản lý của con người, hay do các biến cố bên ngoài.

Thứ tư, về pháp lý: Việc thanh toán một nghĩa vụ thanh toán không được hoàn tất do: (i) Thiếu luật, quy định pháp lý để giải quyết; (ii)Việc áp dụng không được dự kiến trước trong luật hoặc quy định liên quan; (iii) Luật hoặc quy định bị lạc hậu; (iv) Khác biệt trong luật hoặc hướng dẫn luật liên quan đến các hệ thống thanh toán đa biên.

Thứ năm, rủi ro về hệ thống: Trường hợp này do một bên tham gia không có khả năng đáp ứng nghĩa vụ thanh toán của một ngân hàng, gây ra các bên tham gia khác trong hệ thống không thể thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn.

Những giải pháp quản lý rủi ro

Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu đến cuối năm 2030, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng tối thiểu đạt 70%.

Ngoài ra, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận TTKDTM; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ, viễn thông sẽ TTKDTM; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện TTKDTM. Để thực hiện được các mục tiêu này, các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cần có những giải pháp phù hợp sau:

Một là, đối với cơ quan quản lý. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1490/QĐ-NHNN ngày 29/7/2014.

Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động quản lư rủi ro thanh toán; Thực hiện giám sát toàn diện các hệ thống thanh toán tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, phù hợp với các điều kiện của Việt Nam nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia.

Hai là, đối với đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán. Cần xây dựng quy trình quản lý rủi ro cho hệ thống thanh toán tích hợp và hiệu quả để phát hiện, phân loại, xử lý và phòng tránh rủi ro có hiệu quả ở tất cả các khâu trong quá trình giao dịch thanh toán.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng công nghệ, trang thiết bị thanh toán để phòng tránh các rủi ro về lỗi kỹ thuật hay hạn chế năng lực quản lý của con người trong quá trình vận hành và thực hiện các giao dịch thanh toán.

Mặt khác, khuyến cáo khách hàng tăng tính bảo mật thông tin trong thanh toán, để hạn chế rủi ro phát sinh liên quan đến dịch vụ thẻ hay thanh toán điện tử.

Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước (2015), Báo cáo đánh giá tổng thể về các hệ thống TTKDTM tại Việt Nam hiện nay, đề xuất giải pháp phát triển đến 2020;
2. Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 1490/QĐ-NHNN ngày 29/7/2014;
3.http://dainam.edu.vn/qua-trinh-doi-moi-cua-he-thong-thanh-toan-viet-nam.htm?go=gop-y