Hàng loạt cổ phiếu bất thường trên sàn chứng khoán

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Tăng trần hàng chục phiên liên tiếp rồi lại xuống sàn suốt nhiều ngày sau đó, thị trường chứng khoán cuối năm đang ghi nhận nhiều cổ phiếu có giao dịch bất thường. Phần lớn các mã này đều có thị giá thấp.

Hàng loạt cổ phiếu bất thường trên sàn chứng khoán
Cổ phiếu VNH từng có chuỗi tăng kịch trần liên tiếp gần 30 phiên trong tháng 11. Nguồn: internet
Trong vòng 3 tháng qua, nhiều cổ phiếu tại hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có hiện tượng hiện tượng tăng trần nhiều phiên, rồi lại xuống sàn ngay sau đó. Chu kỳ này lặp lại trong nhiều tuần đối với không ít cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng (mệnh giá), thậm chí nằm trong diện cảnh báo của các Sở giao dịch.

Gây chú ý nhất là cổ phiếu VNH của Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật với gần 30 phiên kịch trần liên tiếp trong giai đoạn từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Tổng cộng hơn 4 triệu cổ phiếu VNH được khớp lệnh trong khoảng thời gian này (trung bình 143.000 đơn vị mỗi phiên), cao hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm. Ngay sau chuỗi tăng trần, VNH lập tức giảm sàn liền mạch 5 phiên và liên tục dư bán sàn.

Giải trình về hiện tượng này, doanh nghiệp (DN) niêm yết phủ nhận liên quan và cho rằng giá cổ phiếu tăng trần hoàn toàn do nhu cầu, không thuộc quyền kiểm soát của DN. Tính đến hết phiên 16/12, VNH có giá 5.900 đồng một cổ phiếu và lại tiếp tục kịch trần, không xuất hiện dư bán trong khi dư mua vẫn tăng đều đặn.

Về phía nhà đầu tư, diễn biến này được giải thích là do công ty đang đón tin tốt: ký hợp đồng với đối tác Nhật hay lợi nhuận quý III tăng đột biến (trên 6,6 tỷ đồng). Dù vậy, khoản lời nêu trên lại không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính mà lại do thanh lý tài sản thu về. Tính chung 9 tháng đầu năm, Thủy hải sản Việt Nhật vẫn lỗ sau thuế gần 1,3 tỷ đồng và đến 30/9 còn tồn đọng lỗ chưa phân phối trên 6,6 tỷ đồng.

Một cổ phiếu khác là VPC của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam cũng xuất hiện 15 phiên kịch trần liên tiếp trong suốt tháng 11 và sau đó là chuỗi giảm sàn trong tuần đầu tháng 12. Hiện VPC niêm yết hơn 5,6 triệu cổ phiếu trên sàn Hà Nội, với giá 3.300 đồng (16/12) một đơn vị.

Cũng giống VNH, kết quả kinh doanh của đơn vị niêm yết VPC không mấy khả quan khi lỗ 9 tháng lên tới 3,3 tỷ đồng còn lỗ sau thuế chưa phân phối từ các quý trước để lại gần 10 tỷ đồng. Như vậy, khả năng nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu này để tích lũy lâu dài vì chất lượng cơ bản tốt là hầu như không nhiều.

Khác với hai mã trên, cổ phiếu KMR lại có diễn biến dao động lên xuống theo chu kỳ ngắn hơn. Tính riêng tháng 11, mã này có 4 chuỗi tăng trần, mỗi đợt chỉ khoảng 3-5 phiên, đan xen là những ngày giảm sàn hoặc đứng giá tham chiếu.

Khối lượng giao dịch giao dịch mỗi phiên của KMR thông thường đạt trên 1 triệu cổ phiếu và được giới đầu tư đánh giá là một trong những mã thanh khoản cao trên sàn TP. Hồ Chí Minh.  Một số nhà đầu tư cho rằng diễn biến giá của KMR là do kết quả kinh doanh khả quan vượt bậc so với cùng kỳ năm trước. Sau 9 tháng, đơn vị niêm yết của KMR là Công ty cổ phần Mirae đạt lợi nhuận sau thuế trên 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 30 tỷ.

Ngoài các mã trên, hai sàn chứng khoán vẫn còn nhiều cổ phiếu khác có hiện tượng lên trần – xuống sàn liên tiếp trong suốt 3 tháng qua như SHN, PXM, DRH hay SGT. Giải thích từ các DN niêm yết những mã này tại Sở Giao dịch Chứng khoán đa phần đều nhận định do cung cầu, không liên quan đến công ty.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc khối môi giới niêm yết, Công ty Chứng khoán FPT cho rằng giao dịch của các cổ phiếu trên trong thời gian qua là rất bất thường. “Rất khó để tin chuyện giao dịch tăng, giảm đột biến không liên quan đến DN vì trước nay cũng đã có nhiều tiền lệ”, ông Dũng chia sẻ.

Theo chuyên gia này, nhóm người muốn đẩy giá cổ phiếu lên chắc chắn phải có lượng tiền tương đối nhiều và nắm khối lượng cổ phiếu khá lớn. Thậm chí nhiều trường hợp còn kết hợp trực tiếp với DN, cam kết với người giám sát thông tin, ông Dũng nhận xét.

Dù vậy, chuyên gia này đánh giá nếu nhìn nhận ở khía cạnh khác, cũng chưa thể chắc chắn những cổ phiếu này có thực sự bị làm giá hay không. “Có thể số lượng nhà đầu tư giao dịch mã này khá nhiều. Giá cổ phiếu thấp, thanh khoản lại cao, nhiều người thấy rẻ thì tham gia vào. Đợt vừa rồi có lẽ cũng nhiều nhà đầu tư tiếc nuối với VNH, chưa cần biết DN hoạt động thế nào nhưng giá cổ phiếu cứ tăng mạnh là thích rồi”, ông chia sẻ.

Trong thời gian tới, thanh khoản của những cổ phiếu này có thể vẫn duy trì ở mức cao nhưng ông Dũng cho rằng rất khó để phán đoán xu thế giá. Nguyên nhân là giá những cổ phiếu này không đến từ tiềm năng cơ bản của DN nên rất khó xác định và so sánh với những đơn vị cùng ngành. Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị nên thận trọng với những cổ phiếu dạng này, ông Dũng kết luận.

Trước đó, ông Vũ Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết trong 10 tháng đầu năm, cơ quan này đã tiến hành phân tích 70 mã chứng khoán có giao dịch bất thường và chuyển sang bộ phận thanh tra để xử lý một số trường hợp. Riêng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt 3 trường hợp nhà đầu tư giao dịch thao túng giá cổ phiếu trong khi các năm trước con số này chỉ là 1-2 trường hợp.

Vụ trưởng Vụ Giám sát cũng cho biết, việc theo dõi sâu giao dịch chứng khoán là bài toán khó với Ủy ban Chứng khoán bởi chức năng của cơ quan này còn hạn chế. Chẳng hạn muốn giám sát về dòng tiền, Ủy ban phải tìm kiếm sự hợp tác của các ngân hàng hoặc cơ quan chức năng khác.