Hàng loạt doanh nghiệp trả cổ tức, cổ phiếu thưởng tỷ lệ rất cao

Theo Thạch Lâm/Nhịp sống kinh tế

Hồi đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, việc các doanh nghiệp chia cổ tức tỷ lệ cao cho cổ đông được xem là những chiếc "phao cứu sinh" ném vào thị trường.

Hàng loạt doanh nghiệp trả cổ tức, cổ phiếu thưởng tỷ lệ rất cao.
Hàng loạt doanh nghiệp trả cổ tức, cổ phiếu thưởng tỷ lệ rất cao.

Những tháng đầu năm 2020 tình hình trong nước và cả thế giới biến động mạnh do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Hàng loạt doanh nghiệp, nhóm ngành kinh doanh trong nước đều gặp khó.

Tuy vậy, cũng trong thời điểm này lại có rất nhiều doanh nghiệp quyết định chia cổ tức, cổ phiếu thưởng với tỷ lệ rất cao. Dù phần lớn số cổ tức này đều là chi trả cho khoản kinh doanh có lãi từ năm 2019, nhưng đây vẫn là cố gắng lớn của doanh nghiệp trước những khó khăn hiện tại.

Từ "điểm nhấn" một doanh nghiệp ngành bia trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ gần 350% mới đây, cùng điểm qua những doanh nghiệp gây dấu ấn về việc trả cổ tức, cổ phiếu thưởng dịp này.

"Bé hạt tiêu" ngành bia trả cổ tức gần 350% bằng tiền

Gặp khó khăn kép do ảnh hưởng của Nghị định 100 của Chính Phủ về việc uống rượu bia khi lái xe, cùng với đó là giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập nơi đông người do diễn biến phức tạp từ dịch bệnh, ít ai nghĩ rằng một doanh nghiệp ngành bia lại quyết định chi trả cổ tức tỷ lệ rất cao – 347,6% bằng tiền mặt vào dịp này. Tuy vậy chính Bia Sài Gòn Sông Tiền (SST) vừa làm điều đó. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 28/8 và tiền được chi trả vào ngày 15/9/2020 tới đây.

Nhìn lại những năm trước, đây không phải là lần đầu Bia Sài Gòn Sông Tiền để lại dấu ấn về cổ tức. Trước đó năm 2017 công ty trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 207% và năm 2018 trả cổ tức cũng bằng tiền tổng tỷ lệ 239%.

Bia Sài Gòn Sông Tiền cũng được xếp vào TOP những doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao trong mấy năm gần đây. Năm 2019 công ty đạt 5.082 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt gần 147 tỷ đồng, tang trưởng 60,7% so với năm trước đó. EPS thuộc hàng "khủng" với 34.937 đồng. Năm 2018 tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của công ty cũng rất cao với 20.805 đồng.

Không chỉ Bia Sài Gòn Sông Tiền, mà một doanh nghiệp ngành bia khác cũng thường gây chú ý cho nhà đầu tư về quyết định chia cổ tức là Bia Sài Gòn Miền Tây (WSB). Năm 2019 công ty quyết định chia cổ tức tỷ lệ 50% thay cho mức 40% như kế hoạch, và đã quyết toán xong phần cổ tức năm 2019 vào tháng 4. Gần đây nhất ngày 21/8 tới đây công ty cũng sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 cũng bằng tiền tỷ lệ 10%.

Còn có 1 doanh nghiệp trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 516%

Tuy nhiên tỷ lệ cổ tức 350% của Bia Sài Gòn Sông Tiền chưa thấm vào đâu so với Bến xe Miền Tây (WCS). Năm 2019 công ty đạt 157 tỷ đồng doanh thu và 86 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế chưa đến 69 tỷ đồng – chỉ vượt nhẹ chỉ tiêu đặt ra cho cả năm.

Với kết quả kinh doanh không có gì vượt trội, cổ đông Bến xe Miền Tây rất bất ngờ khi xem kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2019 của công ty. Theo đó, Bến xe Miền Tây sẽ dành 129 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế để chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông với tỷ lệ 516%. Ngày 17/7/2020 vừa qua công ty đã chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền tỷ lệ 258%.

Bến xe Miền Tây cũng là doanh nghiệp "bé hạt tiêu" với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Cổ đông công ty thường xuyên "lợi đơn lợi kép" khi nhận cổ tức "khủng" và giá cổ phiếu duy trì giao dịch ở mức cao. Từ đầu năm 2020 đến nay dù ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, giá WCS cũng chỉ xuống thấp nhất chưa đến 145.000 đồng/cổ phiếu trong khi cao nhất là sau giai đoạn có thông tin trả cổ tức tỷ lệ "khủng", lên mức 235.000 đồng/cổ phiếu. Hiện WCS đang giao dịch quanh mức 194.000 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu WCS trong 1 năm gần đây.
Diễn biến giá cổ phiếu WCS trong 1 năm gần đây.

Doanh nghiệp ngành thủy sản trả cổ tức tỷ lệ 120%

Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) cũng mới chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 27,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 120%. Trước đó hồi thánh 11/2019 công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 tỷ lệ 15%. Như vậy tính chung, năm 2019 cổ đông công ty nhận cổ tức tổng tỷ lệ 135%.

Dù trả cổ tức cao, nhưng kết quả kinh doanh năm 2019 của ACL có sự sụt giảm đáng kể, ghi nhận 1.418 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% và lợi nhuận sau thuế 141,7 tỷ đồng, giảm 38,5% so với năm 2018. Tổng LNST chưa phân phối đến hết năm 2019 đạt 408 tỷ đồng.

Thủy lợi Lâm Đồng (LHC): Giá cổ phiếu tăng mạnh, chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100%

Không phải trả cổ tức, nhưng Thủy lợi Lâm Đồng (LHC) cũng vừa chốt danh sách cổ đông phát hành 3,6 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 100%. Sau phát hành công ty tăng vốn gấp đôi lên 72 tỷ đồng.

Không chỉ vậy cổ phiếu LHC của công ty cũng đà tăng mạnh từ đầu năm 2020 đến nay với mức tăng gần gấp rưỡi lên 87.700 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu LHC trong 1 năm gần đây.
Diễn biến giá cổ phiếu LHC trong 1 năm gần đây.

Doanh nghiệp ngành quảng cáo, thương mại: Clever Group và Vinaxad

Nhắc đến những doanh nghiệp trả cổ tức, cổ phiếu thưởng tỷ lệ cao, nhà đầu tư cũng không quên doanh nghiệp ngành quảng cáo Clever Group (ADG). Cách đây khoảng 1 tháng, ngày 17/7 công ty đã chốt danh sách cổ đông phát hành 3,44 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 41,6% và phát hành 6,09 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 73,4%. Tổng cộng công ty phát hành 9,53 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ phát hành 115%.

Doanh nghiệp trả cổ tức tỷ lệ cao, ngoài những ông lớn, thì cũng còn rất nhiều doanh nghiệp "bé hạt tiêu". Gần đây nhất, Vinaxad (VNX) – doanh nghiệp trong ngành hội chợ thương mại và quảng cáo đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 70%. Vinaxad có vốn điều lệ hơn 12,2 tỷ đồng. Mức 70% là quyết định phân phối lợi nhuận năm 2019 thay thế cho chỉ tiêu 30% đặt ra hồi đầu năm.

Nhiều doanh nghiệp vừa trả cổ tức tỷ lệ cao

Những doanh nghiệp vừa trả cổ tức tỷ lệ cao còn phải kể đến Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM – mã chứng khoán VEA), Masan Consumer (MCH), KCN Nam Tân Uyên (NCT), FPT Online (FOC), Saigon Cargo Service (SCS), thương mại thuận Phước (THP), Dược phẩm Trung Ương 3 (DP3), Tổng Công ty May Hưng Yên (HUG), Than Tây Nam Đá Mài (TND) hay Giấy Việt Trì (GVT)...

Hãy nhớ đến "chiếc phao cứu sinh thứ 3"

Những ngày đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thị trường chứng khoán đã lao đao khi tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh, các doanh nghiệp cũng rơi vào giai đoạn khó khăn. Lúc đó, những chiếc "phao cứu sinh" được tung ra là những đề tài nóng hổi nhất. Ngoài "chiếc phao cứu sinh thứ nhất" là dòng tiền lớn các doanh nghiệp đổ trở lại thị trường qua hình thức mua cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá, còn có "chiếc phao cứu sinh thứ 2" việc các lãnh đạo công ty chi những khoản tiền lớn để mua vào hàng triệu cổ phiếu, thì việc doanh nghiệp trả cổ tức được xem là "chiếc phao cứu sinh thứ 3".

Thời điểm đó, song song với việc nhiều doanh nghiệp khó khăn xin lùi thời hạn trả cổ tức đã được ấn đinh trước đó, thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp đi đầu trong việc quyết tâm chia cổ tức, thậm chí cổ tức cao như một chiếc "phao cứu sinh" thứ 3 đối với thị trường chứng khoán.

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay có khoảng 200 doanh nghiệp vẫn chốt quyền trả cổ tức bằng tiền, bằng cổ phiếu cho cổ đông. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tái bùng phát lần này, thì thông tin về những doanh nghiệp tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ cao đang là một điểm tựa giúp trấn an tâm lý nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán ổn định hơn.