Hàng mới hút tiền "tươi"

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế, do điều kiện vĩ mô ổn định và dự thảo nới room cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

 Hàng mới hút tiền "tươi"
Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế. Nguồn: internet
Nhiều hàng mới chất lượng

Trên cơ sở đánh giá tình hình vĩ mô hiện nay, như sự ổn định của lạm phát, tỷ giá, cũng như sự phục hồi nhẹ của nền kinh tế, đa số NĐT thể hiện quan điểm khá lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK). Sóng tăng điểm trong các tháng đầu năm cho thấy sự hưng phấn của đại bộ phận các NĐT, dòng tiền liên tục được luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu với thanh khoản tăng vọt.

Ngoài ra, theo giới chuyên gia, việc cổ phần hóa (CPH) các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sắp tới sẽ thu hút thêm dòng tiền cho thị trường do cung cấp được nhiều hàng mới, chất lượng. Bởi, mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra cho lộ trình CPH là trong năm 2014-2015 sẽ cổ phần hóa khoảng 432 DNNN và sớm nhất đến năm 2020 chỉ còn giữ lại 300 DN có 100% vốn Nhà nước.

Trong năm 2013 và đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, thông tư nhằm phục vụ cho quá trình tái cơ cấu DNNN. Đối với quy định liên quan đến phần đại diện vốn Nhà nước, Nghị quyết 15/2014/NQ-CP đã định hướng thoái vốn dưới mệnh giá, cho thấy sự thay đổi về mặt tư duy quản lý nhằm đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu DNNN. Vì vậy, rất nhiều kỳ vọng quá trình CPH sẽ tạo được bước đột phá trong năm nay với quyết tâm đến từ cấp cao nhất

Việc CPH ồ ạt đáng được xem là động lực hỗ trợ giúp tăng quy mô và thanh khoản của TTCK. Sự manh nha CPH các tập đoàn lớn gần đây (Vinatex, MobiFone, Vietnam Airlines, các Cienco, TCT Xây dựng thủy lợi 4…) đang thu hút sự chú ý của nhiều NĐT và các tổ chức chiến lược nước ngoài.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2014-2015, TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi 376 doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhận định, lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ mang sự tích cực hơn là áp lực đối với TTCK, một mặt tiếp sức cho quá trình tái cấu trúc DNNN, mặt khác tăng thêm nguồn hàng cho thị trường. Đặc biệt là những cổ phiếu đầu ngành, chất lượng được nhiều đối tác chiến lược trong và ngoài nước quan tâm.

Dòng tiền tích cực hơn

Năm 2013, thanh khoản thị trường và giá trị vốn đầu tư nước ngoài ròng đều có sự cải thiện đáng kể. Đây là hai yếu tố được dự đoán sẽ tích cực hơn nữa trong thời gian tới, do có khá nhiều yếu tố hỗ trợ. Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), yếu tố trước tiên là dòng vốn ngoại sẽ giải ngân mạnh hơn.

Kể từ sau khi Fed tuyên bố sẽ cắt giảm dần gói nới lỏng định lượng QE3, một rủi ro luôn thường trực đối với thị trường cận biên và mới nổi là quan ngại rút vốn từ các NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế, do điều kiện vĩ mô ổn định và dự thảo nới room cho NĐT nước ngoài.

Ngoài ra, trong xu hướng rót vốn ròng của khối ngoại, hai quỹ ETF đã cho thấy vai trò quan trọng và ảnh hưởng đáng kể đối với các cổ phiếu blue chips.

Kịch bản đầu năm 2013 lặp lại lần nữa trong năm nay, cho thấy chu kỳ rót vốn mới của quỹ ETF đã bắt đầu và đây sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm 2014. Kế đến, tính đến thời điểm hiện tại, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản… Theo nhiều dự báo, trong năm 2014; bất động sản phục hồi chậm.

Ngoài ra, việc cơ quan quản lý tái cấu trúc TTCK cũng được xem là yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự tham gia của những dòng tiền mới. Bên cạnh đề án nới room cho NĐT nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng hai đề án gồm đề án phát triển TTCK phái sinh và đề án sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán. Những bước đi ban đầu khá thuận lợi như bộ chỉ số HoSE được triển khai từ 27/1/2014; thử nghiệm giao dịch sản phẩm ETF nội địa từ quý III/2014… dù đều là những chính sách mang tính dài hạn nhưng sẽ góp phần tạo nên nền tảng phát triển mới cho TTCK Việt Nam.

Thêm nữa, một số yếu tố khác mang tính cộng hưởng tích cực đến tâm lý NĐT và dòng tiền gồm: cơ hội đàm phán thành công TPP, sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước với cơ quan liên quan trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng và một số giải pháp tích cực của các ngân hàng để cải thiện tăng trưởng tín dụng…