"Hãy tỉnh táo với vàng"

Theo Trí Thức Trẻ

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, đừng vội thấy giá vàng trong nước cao hơn thế giới mà giữ vàng. Thị trường phức tạp và tinh vi hơn rất nhiều so với những gì nhiều người đã biết. Nếu ai đó không hiểu đúng, hiểu sâu những biện pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 thì sẽ phản ứng và gặp tổn thất trong những quyết định đầu tư liên quan đến vàng.

Thị trường vàng hiện đã ổn định hơn rất nhiều so với những năm trước. Mặc dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn rất rộng song không còn thấy những cơn sốt vàng như trước, không thấy người dân đổ xô đi mua bán mỗi khi giá biến động mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, có được điều này nhờ nỗ lực quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) song cũng không ít các ý kiến e ngại do chênh lệch quá lớn nên những người có vàng đang găm giữ còn những người mua đang muốn chờ đợi thêm đến sau thời điểm ngày 30/6 – hạn chót để các ngân hàng thương mại hoàn thành tất toán trạng thái.

Xoay quanh vấn đề thị trường vàng hiện nay, chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách.

PV: Sau phiên đấu thầu vàng thứ 23, giá vàng trong nước tăng thêm 250.000 – 300.000 đồng/lượng so với giá bán ngày hôm trước. Giá vàng thế giới giảm và giá trong nước lại cao hơn giá vàng thế giới tới gần 6 triệu đồng/lượng. Vậy nên nhìn nhận về thị trường vàng thế nào?

"Hãy tỉnh táo với vàng" - Ảnh 1
TS. Nguyễn Đức Thành,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách
TS. Nguyễn Đức Thành: Hãy tỉnh táo, đừng vội thấy giá vàng trong nước chênh lệch như vậy mà giữ vàng. Vì sao không nhân cơ hội giá vàng cao hơn giá thế giới nhiều như vậy để bán ra vì cơ hội này không kéo dài mãi đâu. Nếu muốn mua vàng để giữ, hãy đợi sau ngày 30/6/2013.

Nếu ai đó không hiểu đúng, hiểu sâu những biện pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 thì sẽ phản ứng và gặp tổn thất trong những quyết định đầu tư liên quan đến vàng.

Tôi xin lưu ý, khi không hiểu rõ thực sự những gì đã và đang diễn ra trên thị trường vàng và khi thiếu tin tưởng về thị trường này trong tương lai, thì người đó dễ có thể có những quyết định không chính xác với những đầu tư liên quan đến vàng và khi đó tổn thất là không thể tránh khỏi.

Từ khi thực hiện Nghị định 24/NĐ-CP và sự cương quyết của NHNN trong việc điều hành và quản lý thị trường vàng, rõ ràng thị trường vàng trong nước đã không còn những cơn sốt. Giá vàng trong nước đã có diễn biến tăng cùng tăng, giảm cùng giảm với giá vàng thế giới. Ấy vậy nhưng, những nỗ lực này vẫn bị  phê phán khá mạnh. Ở một góc nhìn khách quan, theo ông, vì sao?

Trước khi có thể giải thích cặn kẽ, thì tôi có một lời khuyên đơn giản cho người dân: Hãy tỉnh táo và đừng quan tâm tới những cuộc tranh luận vô bổ và không chính xác.

Có một thực tế ít người biết là đa số mọi người hiện nay đều hiểu nhầm. Câu chuyện về thị trường vàng đã từng phức tạp và tinh vi hơn như người ta tưởng rất nhiều khiến chỗ này, chỗ kia vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cuộc chơi không hiểu hết đích hướng đến và việc phải làm của Nghị định 24 nên đã có những phản ứng mạnh mẽ.

Trong khi đó phần lớn dân chúng đã không hiểu thực sự những gì đã diễn ra trên thị trường vàng và nguyên cơ của những cơn sốc giá trước đó. Không ít những phản ứng nảy ra vì họ chỉ nhìn thấy những từ khóa như “không được phép – độc quyền – đấu thầu – chênh lệch giá cao…”. Những từ khóa này đã gây nên sự hiểu nhầm.

Vâng, vậy người dân cần hiểu đúng thế nào về Nghị định 24 và cách điều hành của NHNN về vàng?

Lâu nay, với người dân Việt Nam vàng vừa là tài sản, vàng cũng lại được sử dụng như một loại tiền khi cho vay, khi mua bán, thậm chí gửi ngân hàng lấy lãi, có thời kỳ vàng còn được dùng làm định lượng định giá tài sản.

Nghị định 24 và cách thức thực hiện của NHNN đang hướng đến việc tách chức năng tiền tệ ra khỏi vàng, tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng để vàng chỉ còn là tài sản. Chính vì vàng đã được sử dụng như tiền, vì còn tín dụng bằng vàng nên thị trường đã có lúc bị xáo trộn, bị làm giá, đầu cơ… gây biến động tiếp tới tỷ giá. Vì vậy cần phải triệt tiêu tính tiền tệ của vàng.

 Những thành công về mục tiêu dài hạn thì rất ít người dân hiểu được sâu xa như ông phân tích, nhưng điều dân chúng vẫn nhìn vào để hỏi hiện nay đó là khoảng cách giá vàng trong nước và giá thế giới, và giá đấu thầu cao?

 Hiện tại do nhu cầu cần có vàng để tất toán đúng hạn 30/6/2012 nên lượng vàng mua vào các ngân hàng thương mại lớn, theo quy luật thị trường, cầu nhiều – giá cao.

Lập lại trật tự thị trường vàng, đưa vàng về đúng bản chất là một cuộc chiến âm thầm và quyết liệt. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đây chỉ là một phần trong rất nhiều công việc cần làm, phải bàn để thoát khỏi tình thế khó khăn của đất nước hiện nay vì vậy cũng không nên “tăng kịch tính” cho vấn đề này. Hơn nữa, xử lý vấn đề vàng không đơn giản và có thể nói NHNN đang rất nỗ lực trong cuộc chiến quản lý thị trường vàng.

Ngoảnh lại thì có thể nói, NHNN đã từng thất bại trong cuộc chiến với vàng? Vậy mức độ hữu hiệu của chính sách hiện nay ra sao?

Có thể nói NHNN cũng đã từng bắt đầu cuộc chiến với vàng bằng việc ban hành Thông tư số 11/2011/TT-NHNN vài cuối tháng 4/2011. Thông tư này quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Lúc ban hành Thông tư, chắc NHNN cũng rất kiên quyết nên Thông tư có hiệu lực ngay lập tức (từ 1/5/2011). Tuy nhiên sau đó, các tổ chức tín dụng vẫn huy động vàng, vẫn dùng vàng để cho vay, vẫn nhận vàng gửi từ dân cư.

Như vậy nhìn vào hiệu quả thì đúng là NHNN đã không thành công với Thông tư 11. Điều này cũng có thể giải thích, như đã nói vấn đề vàng phức tạp và tinh vi hơn nhiều so với những gì nhiều người đã biết trong khi với hiệu lực chỉ ở mức Thông tư thì không đủ mạnh.

Với Nghị định 24 và những gì mà NHNN đã làm, với diễn biến thị trường vàng hiện nay đã không còn những đợt “nhảy múa”, có thể nói, NHNN đang làm chủ cuộc chơi.

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.