Hết cửa “né” UPCoM với các doanh nghiệp rời sàn

Theo Hữu Hòe/tinnhanhchungkhoan.vn

Chưa bao giờ, các giải pháp thúc hàng nghìn công ty đại chúng vào sàn UPCoM lại đồng bộ và chi tiết như thời điểm này.

Sàn UPCoM đang có cơ hội đón nhận hàng loạt DN đưa cổ phiếu vào giao dịch. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Sàn UPCoM đang có cơ hội đón nhận hàng loạt DN đưa cổ phiếu vào giao dịch. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Rời sàn niêm yết là phải vào UPCoM

Sau Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN và Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có những quy định về việc đưa DN đại chúng vào UPCoM, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM).

Thông tư 180 được gấp rút ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, thay thế cho Thông tư 01/2015/TT-BTC, cho thấy nhà quản lý rất nỗ lực trong việc thúc DN vào UPCoM, nhằm tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời công khai, minh bạch hoạt động của DN.

Thông tư 180 đưa ra hướng dẫn chi tiết về đối tượng và thời hạn mà các DN phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, trong đó gồm 4 đối tượng: công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết; công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết, nhưng chưa niêm yết trên sở GDCK; công ty hủy niêm yết nếu vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng; DNNN đã chào bán chứng khoán ra công chúng, nếu chưa niêm yết trên sở GDCK.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có công văn xác nhận việc đăng ký công ty đại chúng và kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng phải hoàn tất đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Đáng chú ý, trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày hủy niêm yết có hiệu lực, Sở GDCK có trách nhiệm phối hợp với VSD đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết là công ty đại chúng.

Quy định này áp dụng cho chứng khoán bị hủy niêm yết bao gồm cả trường hợp hủy niêm yết bắt buộc, hủy niêm yết tự nguyện và chứng khoán bị hủy niêm yết do công ty niêm yết sau khi sáp nhập, hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi không đáp ứng điều kiện niêm yết…

Trong vòng 1 năm kể từ ngày Thông tư 180 có hiệu lực, công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Như vậy, không còn là những quy định khung, hiện đã có các quy định cụ thể để hàng nghìn công ty đại chúng đang ở ngoài sàn phải vào UPCoM.

Những quy định cụ thể nêu trên còn mang lại câu trả lời cho câu hỏi “nóng” hiện nay là nhiều DN hủy niêm yết tự nguyện trong thời gian qua như: CTCP Hóa Dược phẩm Mekophar (MKP), CTCP Vận tải và giao nhận Bia Sài Gòn (SBC), CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC)… có phải vào UPCoM hay không?

Theo quy định tại Thông tư 180, các DN này sẽ phải vào UPCoM nếu vẫn là công ty đại chúng. Giải pháp này nhằm bảo vệ cổ đông, NĐT nhỏ lẻ trước nguy cơ xuất hiện nhiều DN niêm yết tìm cách rời sàn vì những toan tính khác nhau.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 180, các DNNN sau khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), mà đáp ứng điều kiện niêm yết, thì vẫn có cửa bỏ qua “trạm trung chuyển” UPCoM, để lên niêm yết thẳng trên Sở GDCK như trường hợp của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM).

Cần tăng giám sát, chế tài

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN, có hiệu lực từ ngày 1/12/2015, trong đó cho phép thành lập Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc UBCKNN.

Giới đầu tư kỳ vọng, việc giám sát các hoạt động của công ty đại chúng, trong đó có chấp hành các quy định về đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ nếu thiếu chế tài xử lý các DN vi phạm quy định đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều DN “làm ngơ” nghĩa vụ vào sàn UPCoM.

Bởi vậy, cần thiết bổ sung các chế tài xử lý mạnh tay, đủ sức răn đe trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Qua đó, góp phần cải thiện tính minh bạch trong hoạt động của các công ty đại chúng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ, tạo nguồn hàng “dự bị” tốt cho thị trường niêm yết.