Hiệu quả của các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ

Theo Thông tin tài chính số tháng 11/2015

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát dưới 5%, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý 6,2%, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế; duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ

Trong 10 tháng năm 2015, NHNN chủ động điều hành thị trường mở để điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhưng vẫn cân đối đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu. Thực hiện mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, khi cần thiết có thể kịp thời bán để can thiệp giúp ổn định cung - cầu ngoại tệ trên thị trường.

Thông qua các công cụ trên thị trường mở, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp, tạo điều kiện giảm lãi suất.

Đồng thời, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối, NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên; điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân từ 0,75%/năm xuống 0,25%/năm, của tổ chức từ 0,25%/năm xuống 0%/năm nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng khoảng 0,5 - 0,6%/năm, xuống còn khoảng 6,5 - 6,6%/năm để hỗ trợ tốt hơn một số ngành lĩnh vực đặc thù và các đối tượng chính sách.

Đầu tháng 10/2015, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm so với cuối năm trước, góp phần hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và nền kinh tế. Hiện, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 4,5 - 5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, còn kỳ hạn từ trên 6 tháng dao động trong khoảng 5,4 - 7,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9 - 11%/năm đối với kỳ hạn trung, dài hạn.

Các chuyên gia ngân hàng cho biết, các giải pháp tín dụng tiếp tục được điều hành linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực.

Dòng vốn tín dụng được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đến nay, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,09% so với đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ các năm 2011 - 2014. Với diễn biến cải thiện của tổng cầu nền kinh tế, dự kiến đến cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt khoảng 17%.

Bên cạnh đó, NHNN tích cực hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn liền với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Quốc hội, Chính phủ.

Cụ thể là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài việc mở rộng đối tượng được vay vốn, nâng mức vay không có tài sản bảo đảm, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã đưa nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao.

Các tổ chức đầu mối liên kết với nông dân được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm (mức vay lên tới 80% giá trị dự án, phương án vay), được xem xét cơ cấu lại nợ, cho vay mới, khoanh nợ thậm chí xóa nợ trong trường hợp rủi ro phát sinh do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.

Với các chính sách này thì các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ yên tâm với vai trò đầu mối thực hiện các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Kết quả cho vay các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng trên 1.716 tỷ đồng, qua đó khuyến khích ngư dân yên tâm nâng cấp, đóng mới tàu để vươn khơi bám biển.

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở từ cuối năm 2014 có những điểm mới bổ sung theo Nghịquyết số61/NQ-CP và Thông tư số 32/2014/TT-NHNN, đến cuối tháng 8/2015, các tổ chức tín dụng cam kết cho vay đạt 19.735 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 65,7% tổng nguồn vốn dành cho chương trình, tăng 103% so với cuối năm 2014, cho vay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân với tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ đạt hơn 407.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chương trình khác cũng có kết quả tích cực so với đầu năm như dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 9%, cho vay thu mua lúa gạo tăng 21,6%, cho vay đối với lĩnh vực thủy sản toàn quốc tăng 7,38%, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp tăng 41%...

Các giải pháp điều hành tỷ giá đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt và ứng phó kịp thời, trung hòa các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế, bảo đảm lợi ích tổng thể của nền kinh tế.

Đơn cử như, trong 5 tháng đầu năm, trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, đồng USD tăng giá mạnh, giá dầu trên thị trường quốc tế giảm thấp nhất trong vòng 5 năm, nhập siêu trong nước tăng cao, ảnh hưởng bất lợi tới tỷ giá và thị trường ngoại hối, do đó, nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 2 lần với tổng mức điều chỉnh là 2% vào ngày 7/1/2015 và ngày 7/5/2015; đồng thời, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng phù hợp, kết hợp với bán ngoại tệ vào những thời điểm cần thiết.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2015, trên thị trường quốc tế có những biến động bất thường với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ và các thông tin về khả năng Cục Dự trữ liên ban Mỹ tăng lãi suất, các đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD đã tác động lớn đến tâm lý trên thị trường ngoại tệ trong nước.

Để chủ động dẫn dắt thị trường, ứng phó với tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, NHNN đã có những động thái can thiệp phù hợp và kịp thời, như: Điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2% (ngày 12/8/2015) và từ +/-2% lên +/-3% (ngày 19/8/2015); điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (ngày 19/8/2015), giúp tỷ giá VND có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong nước và quốc tế không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.

Có thể nói, việc chủ động điều chỉnh tỷ giá của NHNN thời gian qua là phù hợp và ứng phó kịp thời các tác động bất lợi từ diễn biến thị trường quốc tế, được Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế như IMF, WB, HSBC, ANZ ủng hộ và đánh giá cao, giúp thị trường ngoại hối đã nhanh chóng đi vào ổn định, tâm lý thị trường được giải tỏa, thanh khoản thị trường cải thiện.

Giải pháp điều hành những tháng cuối năm 2015

Trong những tháng cuối năm, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; chỉ đạo thực hiện các công cụ chính sách tiền tệ nhịp nhàng, phù hợp để ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất.

Ngoài ra, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nợ xấu, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3% vào cuối năm 2015 theo mục tiêu đề ra.