Hiệu quả hoạt động tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Lê Anh Tuấn

Một trong những hiện tượng khá phổ biến trên thị trường chứng khoán thời gian qua là sau niêm yết, chỉ vài phiên giao dịch chào sàn sôi động, nhiều cổ phiếu đã bị rơi vào tình trạng kém thanh khoản; các công ty niêm yết cũng rơi vào tình thế “khó xử” sau rất nhiều nỗ lực để đáp ứng đủ điều kiện và hoàn tất các thủ tục niêm yết. Để giải quyết vấn đề này, từ ngày 01/07/2017, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho phép hoạt động tạo lập thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có tạo được thanh khoản cho những cổ phiếu thanh khoản kém trên thị trường chứng khoán hay không?

Tính đến ngày 18/6/2017, HOSE có 375 cổ phiếu, HNX có 377 cổ phiếu và UpCOM có 560 phiếu.
Tính đến ngày 18/6/2017, HOSE có 375 cổ phiếu, HNX có 377 cổ phiếu và UpCOM có 560 phiếu.

Nguyên nhân cổ phiếu thanh khoản kém

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang đánh dấu tròn 20 năm hình thành và phát triển. Với nỗ lực của cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và cộng đồng doanh nghiệp (DN), đến nay số lượng công ty niêm yết (CTNY) tuy chưa như kỳ vọng nhưng cũng bước đầu đạt được kết quả nhất định ở 2 Sở Giao dịch chứng khoán. Thống kê cho thấy, tính đến ngày 18/6/2017, HOSE có 375 cổ phiếu, HNX có 377 cổ phiếu và UpCOM có 560 phiếu, chưa kể trái phiếu, chứng chỉ quỹ…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, một trong những hiện tượng khá phổ biến là sau niêm yết chỉ vài phiên giao dịch chào sàn sôi động, nhiều cổ phiếu đã bị rơi vào tình trạng kém thanh khoản, thậm chí nhà đầu tư (NĐT) muốn bán cũng không bán được, còn các CTNY thì rơi vào tình thế “khó xử” sau rất nhiều nỗ lực để đáp ứng đủ điều kiện và hoàn tất các thủ tục niêm yết. Qua theo dõi tình hình thực tế trên TTCK Việt Nam có thể nhận thấy, những nguyên nhân điển hình nhất của tình trạng cổ phiếu kém thanh khoản gồm:

Thứ nhất, cổ phiếu của CTNY không có tiếng trên thị trường, kết quả sản xuất kinh doanh kém.

Thứ hai, cổ phiếu của CTNY chủ yếu do các cổ đông lớn nắm giữ, cổ phiếu bị cô đặc, lượng cung ứng ra thị trường hạn chế, mặc dù kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty rất tốt.

Thứ ba, cổ phiếu của công ty mà việc niêm yết chỉ mang tính chất đối phó với yêu cầu cổ phần hóa các DNNN của Chính phủ. Sau khi cổ phần hóa, CTNY hoạt động vẫn trên nền “bình mới, rượu cũ”, chưa có tư duy thay đổi, số lượng cổ phiếu nằm rải rác ở nhiều công nhân và nhân viên với khối lượng rất ít còn lại lượng lớn cổ phiếu lại nằm trong Ban lãnh đạo. Do vậy, mô hình hoạt động về thực chất gần như không thay đổi nhiều giữa trước và sau khi niêm yết.

Thực tế hoạt động tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Thực tế, một trong những giải pháp được mở ra là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng ý cho phép hoạt động tạo lập thị trường từ ngày 01/07/2017. Hệ thống các nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu, thúc đẩy thanh khoản của các chứng khoán trên thị trường. Thông qua các nhà tạo lập thị trường, NĐT có thể dễ dàng bán hoặc mua một loại chứng khoán nào đó, nhất là những chứng khoán không có thanh khoản hoặc thanh khoản thấp…

Tuy nhiên, hiện vẫn đang có không ít khó khăn trong hoạt động tạo lập thị trường trên TTCK Việt Nam, cụ thể:

Về phía nhà đầu tư

Thứ nhất, những công ty có kết quả hoạt động kinh doanh kém, muốn tạo thanh khoản sẽ rất khó khăn vì sẽ ít NĐT quan tâm đến những DN này trong khi NĐT còn nhiều lựa chọn khác (những cổ phiếu của DN tốt). Đầu tư vào những công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh kém thì rủi ro rất lớn.

Thứ hai, những CTNY có lượng cổ phiếu cô đặc ở những cổ đông lớn, kết quả sản xuất kinh doanh tốt thì những cổ đông này lại muốn nắm giữ, không muốn mất quyền lợi từ nguồn cổ tức cao và lợi ích khác từ tỷ lệ sở hữu lớn.

Thứ ba, với những CTNY mang tính chất đối phó thì NĐT càng không muốn quan tâm, vì tính trì trệ của những công ty như vậy rất lâu mới có thể thay đổi, đó là chưa kể việc “cha truyền con nối” ở các công ty đó còn rõ ràng hơn thông qua việc nhượng lại toàn bộ cổ phần hoặc dựa vào cổ phần lớn để dễ dàng bổ nhiệm người nhà vào vị trí tốt trong công ty mà không gặp bất kỳ một cản trở nào.

Về phía nhà tạo lập thị trường (chủ yếu là các công ty chứng khoán)

Thứ nhất, khi tham gia trong vai trò nhà tạo lập, công ty chứng khoán phải lựa chọn những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt để làm tạo lập nhằm giảm rủi ro.

Thứ hai, cổ phiếu của những CTNY cô đặc quá gần như không thể tạo thanh khoản được vì lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng quá ít. Các cổ đông nắm giữ cổ phiếu này thường xác định đầu tư dài hạn để hưởng cổ tức tốt từ DN nên họ cũng không muốn mua bán để hưởng chênh lệch giá.

Thứ ba, công ty chứng khoán hay nhà tạo lập khó tiếp cận được với lãnh đạo DN thuần nhà nước mặc dù đã cổ phần hóa vì các nhà tạo lập muốn hướng đến hiệu quả kinh doanh của CTNY cũng như hướng đến hiệu quả cho chính mình khi tham gia tạo lập. Trong khi đó, CTNY lại không muốn tham gia, vì lâu nay, không có nhà tạo lập, họ vẫn hoạt động sản xuất an toàn.

Thứ tư, những CTNY có thanh khoản tốt và ổn định lại không cần đến sự tham gia của nhà tạo lập thị trường.

Từ những phân tích trên, những hy vọng thanh khoản tăng đột biến sau ngày 01/07/2017 vẫn cần thời gian để kiểm định. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần có thời gian lắng nghe thị trường và khắc phục những bất cập để thị trường hoạt động thực sự hiệu quả.

Giải pháp tạo lập thị trường

Để hoạt động tạo lập thị trường thực sự phát huy tác dụng vốn có cũng như trở thành giải pháp thiết thực cải thiện tính thanh khoản cho các cổ phiếu niêm yết, cần đưa ra một số những giải pháp cần thiết và phù hợp với điều kiện TTCK Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, những công ty đang niêm yết sau 2 năm bắt buộc phải có nhà tạo lập là ngân hàng giám sát hoặc công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư. Nếu không có tổ chức tạo lập thì CTNY phải tự tham gia tạo lập cho chính cổ phiếu của mình trên TTCK.

Thứ hai, mỗi công ty chứng khoán phải tham gia tạo lập cho ít nhất 02 CTNY (02 cổ phiếu/trái phiếu/chứng chỉ quỹ) trên TTCK với thời gian tối đa là 2 năm ngay sau khi thông tư có hiệu lực.

Thứ ba, lợi nhuận thu được từ nhà tạo lập (nếu có) thì được đưa vào khoản thu nhập không chịu thuế trên báo cáo tài chính.

Thứ tư, đối với những công ty nộp hồ sơ niêm yết bắt buộc phải có hợp đồng với nhà tạo lập là công ty chứng khoán hoặc tổ chức tạo lập khác (ngân hàng giám sát, quỹ đầu tư). Nếu không đủ điều kiện này thì không cho phép niêm yết.

Thứ năm, đối với các CTNY đã có thanh khoản tốt, liên tiếp trong 1 năm, khối lượng giao dịch bình quân từ 3% trở lên so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành thì không bắt buộc phải có nhà tạo lập. Nếu có năm thấp hơn 3% thì bắt buộc CTNY phải tìm nhà tạo lập hoặc tự tạo lập.

Thứ sáu, để khuyến khích hoạt động tạo lập thị trường trên TTCK, cần xem xét miễn phí và thuế cho các tài khoản thu nhập từ tạo lập cho các nhà tạo lập thị trường và cũng là giải pháp nên áp dụng trong giai đoạn đầu đối với hoạt động này.      

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Chứng khoán 2006 và Luật Chứng khoán sửa đổi 2010;

2. Chính phủ (2012), Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán;

3. Bộ Tài chính (2015), Thông tư 203/2015/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch chứng khoán.