HNX ra mắt bộ sản phẩm repos mới trên thị trường trái phiếu

Theo Tạp chí Chứng khoán

Hiện nay, HNX đang tích cực hỗ trợ, đào tạo thành viên thị trường để có thể sẵn sàng đưa các sản phẩm mới vào giao dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Với xuất phát điểm chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%, đến nay, giao dịch mua, bán lại (Repos) trái phiếu có kỳ hạn trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ngang bằng và có phần vượt trội so với giao dịch thông thường (Outright). Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm đầu phát triển thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) (2009 - 2013) giao dịch Repos chỉ chiếm từ 7% đến 24% tổng giá trị giao dịch (GTGD). 5 năm sau (2014 - 2018), giao dịch Repos đã vươn lên mạnh mẽ với tỷ trọng giao dịch chiếm từ 27% - 54%. Năm 2017, giao dịch Repos chiếm tỷ trọng xấp xỉ 50% so với tổng GTGD và trong 10 tháng đầu năm 2018 đã vượt lên chiếm tỷ trọng bình quân 54%. Riêng năm 2018, có đến 9/10 tháng giao dịch Repos đã vượt giao dịch Outright, khẳng định xu thế tăng trưởng mạnh của giao dịch Repos. GTGD Repos đạt cao nhất tại các tháng 7 và 10, lần lượt chiếm 59,7% và 61,5% so với tổng GTGD toàn thị trường. Điều này cũng cho thấy thị trường TPCP đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, tiệm cận hơn với xu hướng phát triển của thế giới.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Repos luôn là một sản phẩm giao dịch chủ đạo. Các sản phẩm Repos có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư vào TPCP, tạo ra cơ hội đầu tư và thúc đẩy thanh khoản đối với các TPCP. Giao dịch Repos sôi động không chỉ thúc đẩy thanh khoản mà còn tác động tới giá cả trái phiếu trên thị trường giao ngay. Tại các thị trường trái phiếu phát triển, giao dịch Repos thường chiếm 60 - 80% tỷ trọng trong khi các giao dịch Outright chỉ chiếm 20 - 40% tỷ trọng. Tại Mỹ, GTGD Repos chiếm tới 80 - 90% GTGD của toàn thị trường.

Năm 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2017/TT-BTC, tạo hành lang pháp lý để đưa thêm các sản phẩm Repos mới vào giao dịch. Nắm bắt cơ hội này, HNX đã phát triển bộ sản phẩm Repos mới nhằm bổ sung thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường. Bộ sản phẩm Repos mới gồm 3 sản phẩm: vay trái phiếu, bán kết hợp mua lại, vay để bán (dành riêng cho nhà tạo lập thị trường) dự kiến sẽ được đưa ra thị trường trong thời gian tới.

Bộ 3 sản phẩm mới này được kỳ vọng sẽ tạo thêm lựa chọn mới trong hoạt động đầu tư trái phiếu, cho phép nhà đầu tư linh hoạt hơn trong việc luân chuyển vốn đầu tư cũng như tối ưu hóa lợi nhuận. Bên cạnh đó, bộ 3 sản phẩm này cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện thanh khoản của thị trường, thu hút thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tạo nên thị trường giao dịch thứ cấp sôi nổi, giúp nhà đầu tư có thêm nhiều sản phẩm cũng như gia tăng cơ hội đầu tư.

Để chuẩn bị cho việc ra mắt 3 sản phẩm này, HNX cũng đã tiến hành nâng cấp hệ thống giao dịch trái phiếu, bổ sung tính năng phù hợp cho việc giao dịch sản phẩm Repos mới, tăng cường chức năng giám sát, cung cấp thông tin đa dạng và giảm thiểu rủi ro thanh toán cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Hiện HNX đang trong quá trình chạy thử hệ thống, kiểm nghiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, HNX cũng đang tích cực hỗ trợ, đào tạo thành viên thị trường để có thể sẵn sàng đưa các sản phẩm mới vào giao dịch sau khi Thông tư sửa đổi Thông tư về giá dịch vụ được ban hành. 

Ba sản phẩm Repos mới của HNX gồm:

Giao dịch Vay trái phiếu (Securities borrowing and lending – SBL)

Giao dịch vay trái phiếu là giao dịch trong đó một bên thực hiện vay trái phiếu và cam kết hoàn trả lại cho đối tác sau một khoảng thời gian xác định.

Mỗi giao dịch vay trái phiếu chỉ được thực hiện trên 1 mã trái phiếu. Kỳ hạn giao dịch là từ 01 ngày đến 180 ngày. Tài sản đảm bảo trong giao dịch vay trái phiếu là tiền. Tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị vay là tỷ lệ giữa số tiền được dùng làm tài sản đảm bảo và giá trị trái phiếu vay do các bên trong giao dịch tự thỏa thuận.

Giao dịch vay trái phiếu có thể sử dụng trái phiếu tương đương khi hoàn trả trái phiếu. Tức là nhà đầu tư có thể vay một mã trái phiếu và dùng một mã trái phiếu khác tương đương để hoàn trả lại. Trái phiếu tương đương là trái phiếu được đánh giá có cùng mức độ rủi ro với trái phiếu ban đầu, có cùng tổ chức phát hành và cùng khoảng kỳ hạn còn lại. Nhà đầu tư được sử dụng một mã trái phiếu trong danh mục trái phiếu tương đương để hoàn trả cho một phần hoặc toàn bộ mã trái phiếu ban đầu.

Giao dịch Vay để bán trái phiếu (Short sale)

Giao dịch Vay để bán trái phiếu là giao dịch trong đó một bên thực hiện vay trái phiếu đồng thời với việc bán trái phiếu vừa vay cho một bên thứ ba. Giao dịch Vay để bán trái phiếu chỉ dành riêng cho nhà tạo lập thị trường.

Giao dịch Vay để bán gồm 2 giao dịch: giao dịch vay trái phiếu và giao dịch bán lại số trái phiếu vừa vay. Ngày thanh toán của giao dịch bán trái phiếu tối thiểu phải sau giao dịch vay 01 ngày làm việc.

Giao dịch Bán kết hợp mua lại trái phiếu (Sell-buyback – SBB)

Giao dịch Bán kết hợp mua lại trái phiếu bao gồm một giao dịch bán TPCP (giao dịch thông thường thứ nhất) kết hợp với một giao dịch mua lại cùng TPCP đó hoặc trái phiếu tương đương có thể chuyển giao theo thỏa thuận giữa các bên (giao dịch thông thường thứ hai) tại một thời điểm xác định trong tương lai. Các thông tin về giá, khối lượng, thời điểm thực hiện của giao dịch thông thường thứ hai phải được xác định trước tại thời điểm giao kết hai giao dịch.

Giao dịch bán kết hợp mua lại được tổ chức thông qua 2 giao dịch Outright. Mỗi giao dịch chỉ sử dụng 1 mã trái phiếu. Cho phép áp dụng trái phiếu tương đương. Kỳ hạn giao dịch từ 01 ngày đến 180 ngày.