Hoàn thiện chính sách thuế đối với thị trường chứng khoán Việt Nam

NCS. Cao Minh Tiến – Học viện Tài chính

Song hành cùng với quá trình hình thành và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, chính sách thuế đối với thị trường này cũng từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, các chính sách thuế áp dụng đối với thị trường chứng khoán vẫn còn tồn tại một số tồn tại và vướng mắc. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu thực tiễn trong nước cũng như kinh nghiệm quốc tế để hoàn chỉnh hơn nữa chính sách thuế đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đáp ứng ngày càng cao quá trình phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quát về chính sách thuế đối với thị trường chứng khoán Việt Nam

Song hành cùng quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, các chính sách thuế áp dụng đối với thị trường này cũng từng bước được hoàn thiện.

Việc tạo lập khuôn khổ pháp lý, các sắc thuế áp dụng với nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp (DN) hiện nay đã khá đồng bộ, thống nhất, từng bước khắc phục được những mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản pháp luật khác có liên quan; tạo cơ sở cho TTCK Việt Nam phát triển và hội nhập với thị trường tài chính quốc tế; đồng thời, nâng cao khả năng quản lý, giám sát thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)… Nhờ đó, quy mô TTCK tăng lên hàng năm. Đến cuối năm 2017, TTCK Việt Nam đã có trên 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết; Quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam đến cuối năm 2017 đạt mức gần 70% GDP.

Riêng thị trường trái phiếu Việt Nam, quy mô trái phiếu chính phủ đã tăng từ mức 19% GDP năm 2011 lên gần 40% GDP, được đánh giá là có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Nam Á và ngày càng khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng của Chính phủ. Các tổ chức tham gia thị trường tăng nhanh về số lượng, đặc biệt là các Công ty chứng khoán (CTCK), chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động từng bước được cải thiện.

Trong mỗi giai đoạn phát triển của thị trường, Bộ Tài chính, UBCKNN, các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK)… đã nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy TTCK phát triển. Tuy nhiên, đánh giá toàn diện thì các chính sách thuế áp dụng đối với thị trường này hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Thực tế này phần nào gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của các chủ thể tham gia trên TTCK. Có thể kể đến một số hạn chế gồm:

Thứ nhất, NĐT thua lỗ vẫn phải nộp thuế. Theo quy định hiện hành, cách tính thuế chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra hoặc 20% trên lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thực tế, 99% NĐT chọn cách tính thuế 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra, bởi cách tính thuế 20% trên lợi nhuận gây nhiều khó khăn cho NĐT (khó khăn trong việc xác định giá mua, khó khăn trong việc tự quyết toán với cơ quan thuế, chênh lệch tỷ giá, chi phí thuê tư vấn…).

Tuy nhiên, cách tính thuế 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra cũng còn có những bất cập như tình trạng NĐT mặc dù thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế. Điều này làm hạn chế động lực đầu tư vào TTCK và về lâu dài có thể gây trở ngại cho quá trình tái cấu trúc thị trường.

Thứ hai, quy định đánh thuế đối với NĐT qua quỹ cao hơn so với hình thức đầu tư trực tiếp. Theo quy định hiện hành, công ty quản lý quỹ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với thuế suất 25%; 22% (từ ngày 01/01/2014) và 20% (từ ngày 01/01/2016); đồng thời, tiếp tục khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trước khi chi trả lợi tức cho NĐT cá nhân đầu tư vào Quỹ Đầu tư chứng khoán.

Trong khi đó, Luật Thuế TNCN cho phép NĐT được chọn một trong hai mức thuế suất là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận. Như vậy, cùng một hình thức đầu tư vào chứng khoán nhưng nếu NĐT trực tiếp đầu tư thì mức thuế suất cao nhất là 20%, còn đầu tư thông qua quỹ, thì mức thuế suất hiện hành lại lên tới 30%.

Điều này khiến cho các quỹ khó huy động vốn, trong khi cơ quan quản lý lại muốn khuyến khích mô hình đầu tư qua quỹ phát triển nhằm gia tăng số lượng NĐT là các tổ chức có tính chuyên nghiệp cho thị trường và là yếu tố thành công của quá trình tái cấu trúc TTCK.

Bên cạnh đó, mức thuế đánh trên lãi vốn đến ngày 01/01/2016 là 20% đối với NĐT tổ chức và 20% đối với NĐT cá nhân là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tỷ lệ hoàn vốn cho NĐT nước ngoài tại Việt Nam. Trong thực tế, nhiều NĐT đã rất ngại khi chọn đầu tư vào TTCK các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bởi tỷ lệ hoàn vốn tại các nước này thấp hơn rất nhiều so với đầu tư tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Với quan điểm phát triển, mở rộng TTCK có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do, ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 252/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020”.

Trong đó, đặc biệt coi trọng vấn đề chất lượng và sự an toàn của thị trường; Từng bước tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; Phát triển TTCK ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; Tăng quy mô và chất lượng hoạt động; Đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế; Phấn đấu đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu vào năm 2020 đạt khoảng 70% GDP.

Tiếp đó, ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm, trong đó nhấn mạnh 4 trụ cột tái cấu trúc TTCK một cách đồng bộ toàn diện, bao gồm: (i) Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ; (ii) Tái cấu trúc cơ sở NĐT; (iii) Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán; (iv) Tái cấu trúc tổ chức thị trường.

Đề án cũng đề ra các giải pháp cụ thể để xây dựng một hướng đi lâu dài trong việc quản lý và tạo điều kiện phát triển thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng. Cụ thể như:

Về cơ sở hàng hóa trên TTCK: Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường; Nâng cao điều kiện niêm yết, phát hành, chú trọng các tiêu chí về vốn, lợi nhuận, thời gian hoạt động; Đơn giản hóa thủ tục chào bán, phát hành, đăng ký, lưu ký và niêm yết, đăng ký giao dịch; Nghiên cứu, phát triển, từng bước triển khai các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, đa dạng hóa các loại hình trái phiếu và quỹ đầu tư theo lộ trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường; Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác cổ phần hóa DN nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK; Tăng cường tính minh bạch trên TTCK; Nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành; Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm dối với các hoạt động liên quan đến phát hành, niêm yết, công bố thông tin, quản trị công ty trên TTCK; Thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ, từng bước phát triển thị trường trái phiếu DN.

Về cơ sở NĐT: Đa dạng hóa cơ sở NĐT, tập trung phát triển NĐT tổ chức, chuyên nghiệp, nhằm tạo sức cầu ổn định, giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững; Củng cố lòng tin và khuyến khích NĐT cá nhân tích cực tham gia thị trường, tăng thanh khoản cho thị trường; Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, góp phần phát triển TTCK, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Về tổ chức kinh doanh chứng khoán: Phân loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo các nhóm trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường do có biện pháp xử lý thích hợp; Đổi mới hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế và khả năng cạnh tranh; Hoàn thiện mô hình tổ chức và củng cố hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Về tổ chức thị trường: Nghiên cứu thành lập SGDCK Việt Nam theo nguyên tắc thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành; Thống nhất về nền tảng công nghệ; Củng cố mô hình hoạt động độc lập của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo hướng: Bổ sung các dịch vụ gia tăng khác liên quan lới hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản là chứng khoán lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Về cơ sở NĐT: Đề án tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm cũng nêu rõ nhiệm vụ phải nghiên cứu cơ chế, chính sách thuế nhằm khuyến khích hoạt động của các loại hình quỹ đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm quỹ mới; Nghiên cứu chính sách về thuế thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán căn cứ trên thời hạn đầu tư, hình thức đầu tư, sản phẩm đầu tư…

Tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế đối với thị trường chứng khoán Việt Nam

Chính sách thuế là vấn đề rất quan trọng tác động đến NĐT và DN. Số liệu khảo sát 2 nghìn DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam hàng năm cho thấy, ưu đãi thuế chính là 1 trong 4 lợi thế của Việt Nam cùng với những lợi thế khác như lực lượng lao động, chính sách, thu hút đầu tư… ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư của DN trong và ngoài nước.

Nhằm tạo điều kiện để nền kinh tế nói chung, TTCK nói riêng tiếp tục phát triển một cách lành mạnh và bền vững, ngày 17/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 732/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020”, với mục tiêu “xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước”.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN. Đối với thuế TNCN, yêu cầu đặt ra là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; Sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác chịu thuế; Điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; Cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thế nhân và pháp nhân (DN); Điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.

Bên cạnh những quy định chung, chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán cũng cần thiết xác định những hướng đi cụ thể sau:

Thứ nhất, bám sát quan điểm phát triển chính sách thuế chứng khoán một cách khoa học, bảo đảm kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định pháp luật thuế phù hợp với thực tế; đồng thời, xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Định hướng cải cách thuế nhằm mục đích phát triển TTCK nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

Cùng với việc tập trung vào tăng tốc độ tăng trưởng thì TTCK cũng cần chú trọng tới việc phát triển bền vững; Tập trung vào phát triển quy mô nhưng cấu trúc của thị trường cũng cần được quan tâm đúng mức; Nâng cao vai trò của hệ thống thuế trong việc tăng nguồn thu từ thuế chứng khoán, cải thiện quan hệ kinh tế và điều chỉnh phân phối nguồn thu nhập trên TTCK. Ngoài ra, chính sách thuế cần phát huy vai trò trong việc phát triển, mở rộng thị trường có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do, từng bước tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, cân bằng mối quan hệ giữa cơ chế quản lý và cơ chế thị trường trên TTCK, kết hợp hài hòa các biện pháp về thuế và các biện pháp quản lý vĩ mô, phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của chính sách thuế trên TTCK.

Thứ ba, chính sách thuế cần bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước và các thành viên trên thị trường; Tạo động lực kinh tế; Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp các chủ thể tham gia TTCK… 

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định 1826/NQ-TTg ngày 6/12/2012;

2. Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 13/2/2014;

3. Thông tư 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010;

4. Quyết định 617/QĐ-UBCKNN ngày 9/10/2013;

5. Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012;

6. TS. Lê Xuân Trường (Chủ biên), Giáo trình Quản lý thuế - NXB Tài chính.