Hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về thị trường chứng khoán
Qua đánh giá thực tiễn 10 năm thi hành, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã tạo lập khung pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).
Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Sau 4 năm thực hiện, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán năm 2006 (Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011).
Qua đánh giá thực tiễn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán cho thấy, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khung pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK). Trên cơ sở đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thực hiện các giải pháp nhằm phát triển TTCK bền vững, tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển kinh tế của đất nước.
Nếu như năm 2006, TTCK chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết (CTNY) với giá trị vốn hóa khoảng 221.156 tỷ đồng (chiếm khoảng 22,7% GDP), thì đến cuối năm 2017 đã có 1.427 CTNY và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 3.515 nghìn tỷ đồng (tương đương 70,2% GDP). Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tính đến cuối tháng 12/2017 đạt 32,9 tỷ USD.
Kho bạc Nhà nước, các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu huy động vốn trên thị trường. Tính cuối năm 2017, dư nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) niêm yết đạt 997,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 20% GDP). TTCK đã hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại DNNN.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của TTCK Việt Nam vẫn còn có những hạn chế, bất cập như: chất lượng các CTNY, chất lượng các công ty chứng khoán (CTCK) còn thấp, tham gia TTCK chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư có tổ chức (các quỹ đầu tư) còn chưa nhiều; việc thực hiện công bố thông tin (CBTT), quản trị công ty (QTCT) theo thông lệ tốt qua 10 năm thực thi Luật Chứng khoán đã có sự tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một TTCK phát triển.
TTCK đã hình thành các khu vực thị trường bao gồm: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS). Tuy nhiên, khu vực thị trường cổ phiếu còn phân tán ở 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), thị trường các công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết (UPCoM) chưa được quy định trong Luật; TTCKPS mới đi vào hoạt động cần tiếp tục củng cố và phát triển. Trong thời gian qua, các SGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK) đã có nhiều cải tiến về phương thức giao dịch, giảm thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2, đã thực hiện chuyển đổi hệ thống thanh toán trái phiếu từ ngân hàng thương mại (BIDV) sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, với quy mô thị trường ngày càng lớn, số lượng CTNY, các nhà đầu tư ngày càng nhiều thì việc hoàn thiện hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán là cần thiết, tạo khả năng liên thông với các TTCK trong khu vực và quốc tế để thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong thời gian vừa qua, UBCKNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc quản lý giám sát, xử lý vi phạm trên TTCK; góp phần cho hoạt động của TTCK phát triển lành mạnh, tương đối ổn định. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn.
Những tồn tại, hạn chế kể trên có nguyên nhân khách quan, chủ quan và một trong những nguyên nhân chủ yếu là do khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, một số quy định có vướng mắc trong triển khai thực hiện, không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cụ thể là:
- Điều kiện chào bán chứng khoán còn mang tính định tính, chưa rõ ràng; định nghĩa về CTĐC chưa chặt chẽ; tiêu chí vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên đối với CTĐC là tương đối thấp so với quy mô vốn của các doanh nghiệp hiện nay.
- Chưa quy định cụ thể các khu vực TTCK cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu) và TTCKPS. Thẩm quyền của SGDCK trong việc giám sát đối với thành viên thị trường, giám sát giao dịch chưa được quy định rõ. Mô hình quản trị đối với SGDCK chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp.
- Chưa quy định về bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, cơ chế quản trị rủi ro, cung cấp dịch vụ cho các giao dịch xuyên biên giới...; mô hình quản trị của TTLKCK chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp.
- Việc thực hiện cơ chế một giấy phép đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán (vừa là giấy phép thành lập và hoạt động, vừa là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) tạo điều kiện giảm bớt thủ tục hành chính, tuy nhiên thực tế đã phát sinh bất cập trong việc tái cấu trúc công ty, đặc biệt là việc giải thể doanh nghiệp. Ngoài ra, vai trò giám sát của tổ chức kinh doanh chứng khoán đối với khách hàng bảo đảm tuân thủ pháp luật chưa được đề cập trong Luật Chứng khoán hiện hành.
- Quy định về CBTT chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, Luật Chứng khoán chưa quy định nghĩa vụ CBTT của một số đối tượng có lợi thế về thông tin như người nội bộ của công ty và người có liên quan của họ.
- Chính sách thu hút nhà ĐTNN trên TTCK còn một số hạn chế liên quan đến việc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại CTĐC. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK đối với CTĐC thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chưa được quy định cụ thể.
- Luật Chứng khoán hiện hành chưa quy định đầy đủ quyền hạn của UBCKNN trong việc thanh tra, kiểm tra, xác minh các vi phạm về hoạt động chứng khoán và TTCK; trong đó có vấn đề thẩm quyền trong việc yêu cầu đối tượng vi phạm đến làm việc để đối chất, hoặc yêu cầu các cơ quan liên quan như ngân hàng liên quan cung cấp các thông tin về dòng tiền giữa các tài khoản nghi vấn hoặc trao đổi thông tin giữa các đối tượng nghi vấn. Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của UBCKNN gặp nhiều trở ngại và hạn chế.
Trong thời gian gần đây, một số Bộ luật, Luật mới như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra… đã được ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi. Các Luật này có một số điểm liên quan đến việc thực thi Luật Chứng khoán như vấn đề sở hữu của nhà ĐTNN, quy định về QTCT, thẩm quyền thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính… vì vậy việc thực thi Luật Chứng khoán có khó khăn, thậm chí là có sự hiểu khác nhau giữa các quy định pháp luật.
Những đánh giá, phân tích trên đây cho thấy việc ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2010 nhằm phát triển bền vững TTCK, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan.
Đồng thời, việc sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu các DNNN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp.
Trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010, UBCKNN đã tham mưu giúp Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ các nhóm chính sách đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán. Cụ thể như sau:
Một là nhóm chính sách về hàng hóa trên TTCK, nhằm cải thiện chất lượng hàng hóa trên TTCK, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều kiện cụ thể về việc chào bán/phát hành chứng khoán; bổ sung, luật hóa quy định về phát hành chứng khoán đối với một số loại chứng khoán khác ngoài cổ phiếu, trái phiếu; sửa đổi quy định về CTĐC, bao gồm điều kiện để trở thành CTĐC; quyền và nghĩa vụ của CTĐC (trong đó có vấn đề QTCT, kiểm toán, CBTT).
Hai là nhóm chính sách về thị trường giao dịch chứng khoán, nhằm tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả, đề xuất sửa đổi quy định về mô hình tổ chức, hoạt động của SGDCK. Theo đó SGDCK Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hoặc công ty cổ phần (CTCP) với mô hình công ty mẹ - công ty con; SGDCK Việt Nam hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; bộ máy quản lý, điều hành của SGDCK được tổ chức phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các văn bản có liên quan.
Đồng thời, sửa đổi làm rõ nghĩa vụ giám sát của SGDCK; quy định rõ khu vực thị trường cổ phiếu, trái phiếu, TTCKPS. Xác định các giải pháp, nhiệm vụ, quyền hạn của SGDCK, TTLKCK, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc phòng ngừa, xử lý rủi ro, khủng hoảng nhằm bảo đảm an toàn của TTCK.
Ba là nhóm chính sách về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, nhằm củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến quản lý chứng khoán của nhà đầu tư, đề xuất sửa đổi mô hình hoạt động của tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Tổ chức này sẽ hoạt động dưới hình thức CTCP hoặc công ty TNHH với mô hình tổng công ty, có các công ty thành viên thực hiện tách bạch hoạt động bù trừ thanh toán chứng khoán với hoạt động lưu ký chứng khoán; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; bộ máy quản lý, điều hành được tổ chức phù hợp theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, về tổ chức hoạt động của mô hình thanh toán đối tác trung tâm và các quy định về phòng ngừa rủi ro, bảo đảm khả năng thanh toán.
Bốn là nhóm chính sách về thu hút ĐTNN trên TTCK Việt Nam, để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam, đề xuất rà soát, cải cách, sửa đổi điều kiện, trình tự, thủ tục đối với nhà ĐTNN tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam.
Đối với quy định sở hữu nhà nước tại CTĐC, sửa đổi quy định hiện hành theo hướng: (1) Cam kết quốc tế có quy định sở hữu của nước ngoài thì thực hiện theo cam kết; (2) Pháp luật chuyên ngành quy định tỷ lệ sở hữu của nước ngoài thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành; (3) Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần quy định rõ từng ngành nghề về tỷ lệ sở hữu; (4) Các ngành nghề mà pháp luật chuyên ngành không hoặc chưa quy định về tỷ lệ sở hữu thì không hạn chế tỷ lệ tham gia của nhà ĐTNN.
Năm là nhóm chính sách về QTCT, nhằm nâng cao chất lượng các doanh nghiệp trên TTCK, đề xuất chuẩn hóa quy định về quản trị CTĐC, quản trị CTCK, công ty quản lý quỹ (CTQLQ) theo thông lệ quốc tế. Xác định rõ nguyên tắc thực hiện QTCT, theo đó các doanh nghiệp thực hiện QTCT theo Luật Doanh nghiệp và các quy định trong Luật Chứng khoán.
Sáu là nhóm chính sách về tổ chức kinh doanh chứng khoán, để đáp ứng yêu cầu thống nhất, đồng bộ trong quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao vị trí, vai trò của các doanh nghiệp này trên TTCK, đề xuất sửa đổi việc cấp giấy phép theo hướng các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Cơ quan quản lý nhà nước về TTCK cấp giấy phép hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Bổ sung quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các CTCK, CTQLQ trong việc giám sát đảm bảo khách hàng tuân thủ quy định giao dịch chứng khoán; đồng thời, CTCK có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, SGDCK trong việc kiểm tra, giám sát.
Bảy là nhóm chính sách về CBTT, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của TTCK, tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế về CBTT trên TTCK, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và niềm tin của thị trường, đề xuất chuẩn hóa quy định CBTT trên TTCK Việt Nam; bổ sung trách nhiệm CBTT đối với cổ đông lớn/nhà đầu tư sở hữu từ 5% trở lên đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư; nhóm người có liên quan và người nội bộ công ty; và quy định tiêu chuẩn CBTT theo nhóm công ty dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng.
Tám là nhóm chính sách về hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN, nhằm bảo đảm cho UBCKNN có đủ thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và cưỡng chế thực thi, giúp hoạt động TTCK lành mạnh, tuân thủ pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật của thị trường, đề xuất bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm giải trình, đối chất; đồng thời, bổ sung thẩm quyền xử phạt trong xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán.
Ngày 31/8/2017, Chính phủ đã thông qua các chính sách đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) tại Nghị quyết số 83/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017 để trình Quốc hội xem xét.
Việc xây dựng và trình Chính phủ thông qua các chính sách đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) là điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chứng khoán và TTCK trong năm 2017.
Đây là những định hướng cơ bản cho việc hoàn thiện Luật Chứng khoán trong thời gian tới, góp phần hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn của hệ thống tài chính, thị trường vốn mà trọng tâm là TTCK.