Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và một số hàm ý giám sát thị trường

Theo Tạp chí Chứng khoán 05/2018

Các bên tham gia thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) nói riêng thường xuyên phải đối mặt với rủi ro biến động lãi suất với tần suất ngày càng nhiều. Hợp đồng tương lai (HĐTL) TPCP cho phép các bên giao dịch tiếp cận với tài sản cơ sở là các TPCP, cung cấp cho các bên tham gia thị trường khả năng năng phòng vệ đối với rủi ro lãi suất. Đồng thời, HĐTL TPCP cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chức năng định giá của thị trường trái phiếu cơ sở, thúc đẩy tính thanh khoản và làm phong phú thêm phương tiện quản lý rủi ro cho các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự hiện diện của HĐTL TPCP thúc đẩy thanh khoản thị trường cơ sở, giúp nhà đầu nước ngoài (ĐTNN) tăng cường khả năng phòng vệ, chống lại rủi ro thông qua chuyển nhượng và phân bổ, tăng khả năng nắm giữ tỷ lệ TPCP.

Song hành cùng với những lợi ích kể trên, giao dịch HĐTL TPCP cũng có thể bị lạm dụng nhằm thao túng thị trường, gây tổn thất không chỉ đối với các bên tham gia mà thậm chí còn dẫn đến khủng hoảng thị trường nếu không có biện pháp giám sát hữu hiệu để đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch của thị trường. 

Các vấn đề về HĐTL TPCP

Trên thế giới, HĐTL TPCP đầu tiên được giao dịch tại Sở Giao dịch (SGD) Chicago Mỹ (Chicago Mercantile Exchange - CME) vào năm 1976 với TPCP thời hạn 91 ngày. Sáu năm sau, Anh mới cho phép giao dịch sản phẩm HĐTL với loại TPCP dài hạn (20 năm).

HĐTL TPCP là hợp đồng phái sinh được giao dịch, chuẩn hóa để mua hoặc bán TPCP đáo hạn cụ thể vào một ngày trong tương lai với mức giá đã được thỏa thuận ở hiện tại. Sử dụng HĐTL TPCP cho phép nhà đầu tư muốn làm giảm rủi ro của mình chuyển giao rủi ro cho những người sẵn sàng chấp nhận nó.

Bên cạnh đó, HĐTL TPCP cũng là một công cụ hiệu quả cho hoạt động đầu cơ, bởi người muốn phòng ngừa rủi ro phải tìm được một người khác có nhu cầu đối lập hoàn toàn với mình, tức là rủi ro của người muốn phòng ngừa rủi ro phải được hấp thụ bởi các nhà đầu cơ.

Mỗi nhà đầu tư có một “khẩu vị rủi ro” khác nhau, khả năng chấp nhận rủi ro cũng khác nhau. Tuy nhiên, ai cũng có mong muốn là giữ cho các khoản đầu tư của mình ở một mức rủi ro có thể chấp nhận được. Và thế là họ gặp nhau và tiến hành việc chuyển giao một phần rủi ro của mình cho đối tác.

Một đặc điểm ưu việt của giao dịch HĐTL TPCP so với giao dịch kỳ hạn là các HĐTL TPCP được chuẩn hóa để giao dịch trên thị trường. Cụ thể, một HĐTL TPCP cần xác định rõ các đặc tính của tài sản cơ sở, quy mô hợp đồng, việc yết giá, thời gian và địa điểm giao hàng, và phương thức thanh toán.

HĐTL TPCP cũng có rủi ro hai chiều, rủi ro tín dụng, tức người sở hữu hợp đồng hoặc là người được nhận hoặc là người phải chi trả.

Thứ nhất, thay vì giao nhận giá trị hợp đồng vào một ngày thông qua mua bán đơn thuần vào ngày đáo hạn trong hợp đồng kỳ hạn, HĐTL TPCP đã giải quyết được vấn đề này bằng cách thực hiện thanh toán vào cuối mỗi ngày giao dịch. Điều này có nghĩa HĐTL TPCP có tính chất thanh toán tiền mặt hay điều chỉnh theo ngày, tức thời hạn tương lai được rút ngắn lại. Nhờ thế mà rủi ro trong thanh toán được giảm đi.

Thứ hai, HĐTL TPCP yêu cầu tất cả các thành viên tham gia thị trường, người bán và người mua đều như nhau, phải thực hiện một khoản ký gửi gọi là ký quỹ. Nếu HĐTL TPCP của bạn tăng giá trị trong ngày giao dịch, mức tăng này sẽ được cộng vào tài khoản ký quỹ của bạn vào cuối ngày.

Ngược lại, nếu hợp đồng của bạn giảm giá trị, thua lỗ sẽ được trừ ra. Và nếu số dư tài khoản ký quỹ của bạn giảm xuống mức tối thiểu đã thỏa thuận trước đó, bạn sẽ bị yêu cầu nộp một khoản ký gửi bổ sung, tài khoản ký quỹ của bạn phải được bổ sung như cũ hoặc là vị thế của bạn sẽ bị đóng.

Nhà đầu cơ đóng vai trò quan trọng trong thị trường HĐTL TPCP, cho phép tái phân bổ rủi ro, đồng thời cho phép thông tin trên thị trường được minh bạch với chi phí thấp hơn. Điều lưu ý là khi quá trình phòng vệ rủi ro kết thúc thì tiến trình đầu cơ được tiến hành.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) mới đi vào hoạt động được khoảng 9 tháng nhưng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, thanh khoản ở mức cao mà thị trường Thái Lan phải mất 5 năm mới đạt được.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý thị trường sẽ tập trung phát triển TTCKPS cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Theo đó,  sẽ xây dựng HĐTL TPCP 5 năm, lãi suất 5%, dự kiến sản phẩm này có thể được đưa vào giao dịch trên thị trường vào quý III/2018.

Đi cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm, cần phải chú trọng đến các quy định giám sát đảm bảo công bằng, minh bạch, không chỉ cho các sản phẩm HĐTL TPCP nói riêng mà đối với tổng thể thị trường các sản phẩm tương lai tài chính nói chung.

Giám sát thị trường hợp đồng tương lai

Mục đích hoạt động giám sát trên thị trường HĐTL TPCP cũng giống như các thị trường tài chính khác là đều hướng đến bảo vệ thị trường và các bên tham gia. Điều này được thực hiện bằng cách thiết lập: (1) Các biện pháp phát hiện và ngăn chặn hoạt động thao túng và bóp méo giá; (2) Các biện pháp đảm bảo tính toàn vẹn tài chính của thị trường; (3) Các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư chống lại việc lạm dụng giao dịch và gian lận.

Việc giám sát hiệu quả thị trường HĐTL TPCP là rất quan trọng, đảm bảo rằng thị trường hoạt động đúng hướng, mang lại lợi ích cho việc thực hiện các chức năng kinh tế, đó là cung cấp phương tiện bù đắp rủi ro về giá (phòng vệ rủi ro) và tạo cơ chế cho việc phát hiện giá hoặc định giá cho thị trường cơ sở.

Phòng vệ rủi ro liên quan đến hoạt động chuyển giao các rủi ro về giá ngẫu nhiên sang các đối tượng chấp nhận rủi ro hay nhà đầu cơ với hy vọng tạo ra lợi nhuận.

Phát hiện giá là quá trình thiết lập mức giá để người mua sẽ chấp thuận mua và nhà đầu tư khác sẽ bán tại ngày đáo hạn cụ thể trong tương lai. Thị trường HĐTL TPCP rất dễ bị lạm dụng do các HĐTL là các công cụ có đòn bẩy cao, khả năng thao túng thị trường và các thành viên tương đối phức tạp, rất khó để nhận diện.

Ngăn chặn hành vi thao túng và bóp méo giá

Phương tiện chính mà cơ quan quản lý, tổ chức tự quản và SGD có thể áp dụng đối với các HĐTL TPCP được giao dịch bằng cách đảm bảo nội dung mẫu hợp đồng phù hợp và hệ thống thực thi giám sát tích cực.

Biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn một số hành vi cố ý hoặc cố gắng gây ra mức giá ảo, cố ý tạo thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về mặt thông tin. Những hành vi này có thể dẫn đến giảm độ tin cậy trên thị trường, giảm hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường HĐTL, điều này sẽ làm suy yếu lợi ích kinh tế của các giao dịch HĐTL.

Bên cạnh đó, giám sát hiệu quả đòi hỏi một hệ thống giám sát tích cực (cả nhân lực và vật lực) để giải quyết các hành vi lạm dụng, phản ứng nhanh trước các sự kiện không lường trước được trên thị trường có thể ảnh hướng đến hệ thống giao dịch, quy trình thanh toán. Một số hành vi lạm dụng có thể được phát hiện ngay khi hình thành, cơ quan giám sát cần phải có các hành động thích hợp để ngăn chặn hành vi lạm dụng có thể xảy ra.

Các hành vi lạm dụng được ngăn chặn tốt nhất bằng cách ngăn chặn hiệu quả hoặc hạn chế về cấu trúc giao dịch, chẳng hạn như giới hạn vị thế, áp đặt ký quỹ khác biệt… Thị trường được đảm bảo tính toàn vẹn chỉ khi người tham gia thị trường tin rằng các hành vi lạm dụng sẽ nhanh chóng được phát hiện, bị điều tra, bị phạt ở mức phạt đủ mức răn đe, khi đó nhà đầu tư sẽ ít có khả năng mạo hiểm để thực hiện hành vi lạm dụng.

Về thiết kế hợp đồng, hiện nay nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế hoặc thực tiễn tốt nhất để hướng dẫn trong việc phát triển các điều khoản và điều kiện hợp đồng. Về vấn đề này, Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) đã khuyến nghị các thực tiễn tốt nhất đại diện cho các tiêu chuẩn được quốc tế chấp thuận cho thiết kế hợp đồng giao nhận và thanh toán các HĐTL TPCP.

Mục tiêu thiết kế các hợp đồng chuẩn này là đảm bảo các hợp đồng không dễ bị thao túng, quy định cơ chế giao và thanh toán là đáng tin cậy và công bằng. Giá TPCP trên thị trường cơ sở và HĐTL TPCP hội tụ vào thời điểm đáo hạn, đảm bảo được chức năng phòng vệ rủi ro hợp lệ.

Điều cần lưu ý là trách nhiệm ban đầu trong thiết kế hợp đồng thường dựa trên danh mục HĐTL TPCP được niêm yết trên SGD. Cơ quan quản lý cần nhấn mạnh các vấn đề cụ thể liên quan đến TPCP trên thị trường cơ sở theo tiêu chuẩn quốc tế và bổ sung các tiêu chí đặc thù của thị trường, đảm bảo các hợp đồng niêm yết đáp ứng đúng các tiêu chí đã được thiết lập.

Hoạt động giám sát hiệu quả phải được thực hiện ngay từ khâu phê duyệt hoặc xem xét các hợp đồng mới trước khi đưa vào niêm yết, xác nhận hợp đồng mới đã tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn thiết kế hợp đồng trước khi niêm yết. Trong một số trường hợp, tiếp tục xem xét hoạt động giao dịch, điều kiện, điều khoản hợp đồng sau khi niêm yết nhằm loại trừ hành vi lạm dụng có thể xảy ra.

Đảm bảo toàn vẹn thị trường

Phương pháp chính được áp dụng để đảm bảo thị trường công khai, minh bạch được đưa ra đầu tiên là hệ thống thanh toán bù trừ, mức ký quỹ và yêu cầu về vốn.

Hệ thống thanh toán bù trừ hiệu quả đã được xem là một phần thiết yếu của thị trường HĐTL TPCP. Sau khi thực hiện giao dịch HĐTL TPCP, hoạt động thanh toán bù trừ phải đảm bảo hiệu suất thanh toán nhanh, chính xác cho từng hợp đồng giao dịch.

Ký quỹ - việc thay đổi tỷ lệ ký quỹ nhằm mục đích loại bỏ rủi ro tín dụng, phương pháp sử dụng phổ biến nhất hiện nay để tính toán lợi nhuận là hệ thống phân tích rủi ro danh mục tiêu chuẩn (SPAN).

SPAN là một chương trình máy tính tính toán mức độ ký quỹ trên cơ sở mô hình đánh giá danh mục đầu tư. Mô hình dự đoán rủi ro của các động thái khác nhau về giá cả và mức độ biến động các vị thế của HĐTL TPCP. Việc duy trì hay thay đổi tỷ lệ ký quỹ phải dựa trên rủi ro tổng hợp của các vị trí kết hợp.

Yêu cầu vốn - Cơ quan quản lý nên áp đặt yêu cầu về vốn như quy mô tài chính tối thiểu để tham gia trên thị trường HĐTL TPCP cũng như các công thức để tính toán các yêu cầu đó được đáp ứng như thế nào. Thực hiện cảnh báo trên hệ thống công bố thông tin thay đổi bất lợi gây tổn thất, yêu cầu đưa ra các giải pháp khắc phục tổn thất trong trường hợp cần thiết.

Bảo vệ nhà đầu tư

Ở bất kỳ quốc gia nào, bảo vệ nhà đầu tư luôn được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng và cơ bản nhất nhằm phát triển thị trường chứng khoán ổn định, công bằng và bền vững.

Để đảm bảo công bằng cho các bên tham gia thị trường HĐTL TPCP nói riêng hay TTCKPS nói chung, việc bảo vệ nhà đầu tư thường được thể hiện bằng các yêu cầu đảm bảo thực thi, gồm: hiệu quả lệnh thực hiện HĐTL TPCP khi đảm bảo đúng chức năng chính của nó, điều này thể hiện tốt nhất khi các giao dịch được thực hiện công khai và cạnh tranh; Kiểm toán với mục đích ngăn chặn việc lạm dụng lệnh của khách hàng bằng cách cho phép cán bộ kiểm tra tuân thủ xem xét các giao dịch đã thực hiện để phát hiện các giao dịch đáng ngờ; Xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp và công khai thông tin trong quá trình xử lý nhằm đảm bảo sự đa chiều của thông tin, thúc đẩy tính toàn vẹn và công bằng trong việc ra quyết định và để ngăn chặn các hành vi lạm dụng khác.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần thường xuyên thanh kiểm tra quy trình quản lý rủi ro đối với các tổ chức tham gia thị trường, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định đã được Ủy ban Basel và IOSCO ban hành.

Tại một số quốc gia, việc đánh giá mức độ phát triển thị trường được đánh giá tại báo cáo chương trình đánh giá hệ thống tài chính (FSAP), đồng thời cũng cung cấp thông tin về thiếu sót thu được từ kết quả đánh giá tuân thủ các các khuyến nghị về nguyên tắc giải quyết khắc phục các hạn chế này.