HOSE: Áp dụng chuẩn phân ngành quốc tế GICS

Minh Hà

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện áp dụng chuẩn phân ngành VSIC 2007 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), đến nay, việc phân ngành các công ty niêm yết theo chuẩn phân ngành này đã đạt một số thành công nhất định, xây dựng được một cơ sở dữ liệu thống nhất theo ngành nghề, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cơ cấu ngành nghề của các công ty niêm yết trên Sở.

VSIC 2007 là chuẩn phân ngành quốc gia do Việt Nam phát triển dựa trên chuẩn phân ngành ISIC (International Standard Industrial Classification) của Liên Hợp Quốc được sử dụng để phân loại doanh nghiệp theo hoạt động kinh tế, đăng ký kinh doanh, nhằm tính toán giá trị sản xuất, việc làm, thu nhập quốc nội và các lĩnh vực khác. Không thể phủ nhận những đóng góp mang tính định hình ban đầu đối với việc phân ngành các công ty theo chuẩn VSIC2007. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng VSIC 2007 phù hợp với công tác thống kê kinh tế hơn là phân ngành cho thị trường chứng khoán (TTCK).

Trong bối cảnh hội nhập hướng đến chuẩn mực chung của khu vực và thế giới, TTCK Việt Nam cần áp dụng một chuẩn phân ngành quốc tế chuyên biệt cho môi trường đầu tư. GICS là chuẩn phân ngành quốc tế do MSCI và S&P phát triển và được hầu hết các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới cũng như tổ chức nghiên cứu tính toán chỉ số sử dụng.

Hiện nay có hơn 43.000 công ty và hơn 51.000 chứng khoán thuộc hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới được phân loại theo phương pháp GICS, chiếm khoảng 95% giá trị vốn hóa thị trường quốc tế, đại diện cho khoảng 90% nhà đầu tư toàn cầu. 9,6 nghìn tỷ USD được mô phỏng theo chỉ số MSCI và tất cả đều sử dụng chuẩn phân ngành GICS.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuẩn phân ngành GICS được sử dụng rất rộng rãi chủ yếu trong khối tổ chức đầu tư, ngân hàng và các công ty quản lý quỹ với tổng tài sản quản lý dựa trên chỉ số MSCI đạt gần 400 tỷ USD.

Chuẩn phân ngành GICS có 4 cấp độ tiêu chuẩn được áp dụng tương đồng trên các thị trường chứng khoán trên thế giới.

Bảng: So sánh tương quan về GICS và VSIC 2007.

Cấp ngành

GICS

VSIC 2007

Tên cấp ngành

Số lượng phân ngành

Tên cấp ngành

Số lượng phân ngành

1

Lĩnh vực

(Sector)

10

Ngành cấp 1

21

2

Nhóm ngành

(Industry Group)

24

Ngành cấp 2

88

3

Ngành

(Industry)

67

Ngành cấp 3

242

4

Tiểu ngành

(Sub-industry)

156

Ngành cấp 4

437

Ngành cấp 5

642

Nguồn: HOSE

Tháng 11/2015, HOSE đã hoàn tất ký kết hợp đồng với MSCI cung cấp chuẩn phân ngành GICS cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên Sở. Theo thỏa thuận với MSCI, HOSE sẽ cung cấp miễn phí thông tin phân ngành doanh nghiệp đến Cấp 2 – Nhóm ngành cho toàn thị trường. Tùy điều kiện phát triển thị trường, HOSE sẽ xem xét thỏa thuận với MSCI để cung cấp thông tin phân ngành đến mức chi tiết hơn để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng đầu tư.

Một số thay đổi về phân ngành của công ty khi chuyển đổi chuẩn phân ngành từ VSIC 2007 sang GICS có thể kể đến là phân ngành của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Mã chứng khoán: MSN). Theo VSIC 2007, MSN được xếp vào mã ngành K – Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Tuy nhiên, theo chuẩn phân ngành GICS, MSN được xếp vào ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác thuộc mã ngành C- Chế biến chế tạo (theo chuẩn phân ngành VSIC 2007) cũng có sự thay đổi phân ngành theo hướng chi tiết hơn, chuyển sang các ngành nguyên vật liệu, chăm sóc sức khỏe y tế, hàng tiêu dùng… theo chuẩn phân loại GICS.

Ngoài phân loại ngành các công ty niêm yết, MSCI cũng cấp quyền cho HOSE xây dựng các chỉ số ngành dựa trên chuẩn GICS và phát triển các sản phẩm dựa trên chỉ số ngành. HOSE dự kiến sẽ chính thức cung cấp thông tin phân ngành theo GICS cho thị trường và triển khai tính toán các chỉ số ngành vào đầu năm 2016.

HOSE kỳ vọng việc sử dụng mô hình phân ngành theo thông lệ quốc tế sẽ giúp nhà đầu tư tăng hiệu quả trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, việc nghiên cứu dữ liệu ngành không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý, giúp nâng cao mức độ tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam cũng như nâng cao tính minh bạch của thị trường, hướng đến hội nhập quốc tế về TTCK./.