Hướng đến khách hàng đại chúng

Theo Saigondautu.vn

Thời gian gần đây, một loạt công ty quản lý quỹ (CTQLQ) trong nước đã đẩy mạnh việc tiếp cận với phân khúc khách hàng đại chúng, thay vì chỉ tập trung vào các NĐT chuyên nghiệp hay NĐT tổ chức như trước kia. Đây là xu hướng tất yếu của ngành QLQ, đã diễn ra tại nhiều quốc gia và giờ đang được hình thành một cách rõ nét hơn tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhu cầu đầu tư tăng

“Khoảng 20 năm trước, TTCK Hàn Quốc cũng có đông đảo NĐT cá nhân tham gia như TTCK Việt Nam hiện nay. Nhưng khi thị trường có những đợt điều chỉnh sâu cũng như xu hướng phân hóa mạnh đã buộc các NĐT cá nhân đứng trước 2 lựa chọn: Tiếp tục nâng cao trình độ, kinh nghiệm để có thể tồn tại, hoặc lựa chọn các CTQLQ chuyên nghiệp để gửi gắm đồng vốn của mình.

Mặc dù cũng phải mất một vài năm để tạo được niềm tin với NĐT, nhưng ngành QLQ Hàn Quốc sau đó đã phát triển mạnh và số lượng quỹ nội địa tại Hàn Quốc hiện còn đông đảo hơn cả quỹ ngoại” - ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi Tập đoàn KIS (Hàn Quốc), kể lại.

“Có không ít NĐT cá nhân tham gia TTCK làm trong một ngành nghề khác và tôi nghĩ điều này sẽ thay đổi nhiều trong thời gian tới. Nguyên nhân không chỉ đến từ chuyện TTCK ngày một phân hóa và khó lường, mà ngay chính áp lực từ công việc như thăng tiến, hoặc chuyên môn hóa cũng khiến NĐT mất nhiều thời gian hơn. Nếu bạn đang làm một công việc gì đó hãy tập trung theo đuổi, còn nếu có nhu cầu đầu tư, hãy để CTQLQ giúp bạn” - ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VietFund Management (VFM), bổ sung.

Khi mới thành lập cách đây 3 năm, Quỹ mở trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) huy động được 53,8 tỷ đồng và 158 NĐT, mức độ góp vốn tính trung bình 340 triệu đồng/người. Tính đến cuối tháng 2 năm nay, số vốn VFF huy động đạt 120,9 tỷ đồng, còn số lượng NĐT tham gia lên đến 603 người, mức độ góp vốn trung bình lúc này giảm xuống 200 triệu đồng/người. Số lượng NĐT tăng lên và giá trị góp vốn trung bình giảm xuống cho thấy VFF đã thu hút được nhiều NĐT công chúng hơn.

Không chỉ những người có tài sản lớn mới có nhu cầu tích lũy, đầu tư mà trải rộng ra nhiều người khác, nhu cầu tìm kiếm các kênh sinh lãi ngoài vàng, ngoại tệ, bất động sản và cả CK (chuyên nghiệp) vẫn đang hiện hữu. Tư duy về quản lý tài sản của người dân nói chung đang có sự thay đổi.

Nếu như trước đây nhiều người có xu hướng giữ tiền và giữ thật chặt bằng những hình thức như gửi tiết kiệm, mua vàng, bất động sản, thì hiện nay thế hệ trẻ lại muốn tìm hiểu những kênh đầu tư mới thay vì “chôn” tất cả vào các kênh truyền thống.

Hướng đến NĐT “bình dân”

Tuần rồi, VFM đã tổ chức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới của mình cùng với việc tái định hướng hoạt động theo hướng tập trung nhiều hơn vào nhóm khách hàng cá nhân.

Trong phần giải thích ý nghĩa logo mới của VFM với hình đồng tiền nhân đôi màu đỏ, ông Trần Thanh Tân chia sẻ: Yếu tố nhân đôi là kỳ vọng của nhiều NĐT cá nhân khi tham gia TTCK, tức kỳ vọng lãi lớn. Vị tổng giám đốc kỳ vọng logo mới của VFM sẽ giúp NĐT dễ nhớ hơn và từ đó quan tâm cũng như đặt niềm tin nhiều hơn. Chi tiết này ít nhiều đã thể hiện sự sâu sát của VFM, CTQLQ nội địa đầu tiên.

Ông Trần Thanh Tân cũng nói thêm rằng, là người sáng lập VFM, bản thân ông cũng rất trăn trở, thậm chí đau đớn khi thay đổi logo của công ty: “Nhiều thành công, nhưng cũng có những bài học đắt giá. Thị trường luôn thay đổi, nhu cầu của NĐT cũng thay đổi, vì vậy việc đổi mới bộ nhận diện thương hiệu cũng là chỉ báo khẳng định VFM sẽ phải thay đổi, làm mới mình để đáp ứng sự kỳ vọng của NĐT, thị trường”. Về mặt cảm tính mà nói, logo mới của VFM không sang trọng, hiện đại như logo cũ, nhưng lại đơn giản, dễ nhớ hơn.

Tính từ tháng 4-2013 đến tháng 2-2016, tỷ lệ sinh lời của VFF đạt 23%, tức trung bình 8%/năm. Nếu hỏi mức sinh lời này cao hay thấp, một NĐT CK chuyên nghiệp sẽ lập tức “chê” ngay vì trên TTCK có khi chỉ cần một vài phiên đã đạt được mức này. Nhưng cũng cần lưu ý, một trong những ngăn trở khiến NĐT khó tham gia CK chính là sự e ngại về mặt thua lỗ và thực tế đúng như vậy.

Những năm qua, mặc dù thị trường vẫn có sóng nhưng không phải ai cũng có lời. Nhiều người vẫn hỏi vui với nhau rằng “Có cái gì đầu tư rủi ro thấp mà lợi nhuận cao không?” và trong một chừng mực nào đó, mục tiêu an toàn luôn được đề cao đối với những người chưa có kinh nghiệm, kiến thức về đầu tư.

Điều này cũng buộc các CTQLQ một mặt phải đảm bảo hoạt động (performance) có suất sinh lời ổn định, đầu tư nhất quán và có hiệu quả. Mặt khác, CTQLQ sẽ phải tiếp cận với NĐT nhiều hơn để lắng nghe, nắm bắt nhu cầu và dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ kỹ lưỡng, giới thiệu về những lợi ích khi bỏ tiền vào quỹ.

Ngày 12/4 tới đây, Baoviet Fund sẽ kết thúc đợt chào bán chứng chỉ quỹ (CCQ) của Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF). Điểm đáng chú ý là trong hoạt động huy động vốn của BVBF, có chương trình Đầu tư định kỳ (SIP). Theo điều lệ của BVBF, số tiền tối thiểu khi mua CCQ BVBF (mệnh giá 10.000 đồng/CCQ) là 1.000.000 đồng (tương đương 1.000 CCQ).

Tuy nhiên, với SIP, những nhà quản lý BVBF đã “chẻ nhỏ” hoạt động thanh toán xuống chỉ còn 100.000 đồng/tháng hoặc 300.000 đồng/quý với các kỳ hạn từ 1 năm trở lên.

Giá trị giao dịch, thanh toán càng thấp thì phạm vi tham gia của NĐT công chúng sẽ càng rộng hơn, không chỉ những người có thu nhập cao, mà ngay cả những ai có thu nhập trung bình, thậm chí thấp, nhưng có nhu cầu tích lũy và đầu tư an toàn đều có thể được đáp ứng.