Hướng giải quyết cho cổ phiếu hủy niêm yết

Theo vtv.vn

(Tài chính) Mỗi khi doanh nghiệp (DN) hủy niêm yết, các cổ đông nhỏ lẻ thường là người lo lắng nhất, bởi không biết sẽ phải giao dịch cổ phiếu ở đâu.

 Hướng giải quyết cho cổ phiếu hủy niêm yết
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
8 tháng đầu năm, số DN hủy niêm yết đã lên đến gần 30 DN, gấp rưỡi con số hủy niêm yết của năm 2012. Giá trị tính theo mệnh giá của số cổ phiếu này lên đến gần 5.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những con số trên được dự đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa vì ngày càng nhiều DN không đáp ứng nổi các chuẩn niêm yết. Tại sao cổ phiếu hủy niêm yết lại bị kẹt thanh khoản và hướng giải quyết nào cho vấn đề này?

Vừa mua 30.000 cổ phiếu HPB của Công ty cổ phần bao bì Hipack thì công ty này hủy niêm yết, anh Tuyến không có cách gì thu hồi lại khoản tiền đầu tư của mình khi cổ phiếu không còn trên bảng điện tử. Chỉ trong vòng nửa tháng, anh đã mất hơn 300 trăm triệu đồng.

Anh Hoàng Văn Tuyến, nhà đầu tư cho biết: “Khi chúng tôi tìm người mua thì không tìm được vì không có bảng điện tử để tìm bên mua bên bán. Thứ hai, khi chúng tôi hỏi thủ tục thì Công ty chứng khoán lại phải qua Trung tâm lưu ký nên thủ tục rất khó khăn và mất thời gian. Tôi cũng không biết khi nào sẽ bán được cổ phiếu cũng như khi nào sẽ thu hồi được khoản tiền đầu tư vào đó”.

Theo quy định hiện hành, những cổ phiếu này muốn giao dịch thì phải thông qua Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, thêm vào đó phải có sẵn bên mua bên bán. Tuy nhiên, thị trường thì mênh mông, bảng điện tử lại không có, làm sao các nhà đầu tư có thể tìm được người mua cho mớ cổ phiếu hủy niêm yết của họ. Không chỉ vậy, theo mô tả của chính đại diện Trung tâm lưu ký thì quy trình này rườm rà và làm mất khá nhiều thời gian.

Một cách khác tạo thanh khoản cho cổ phiếu hủy niêm yết là chuyển qua sàn UPCOM, sàn dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết. Ưu điểm của sàn này là vừa có bảng điện tử giúp người mua kẻ bán dễ dàng tìm thấy nhau mà giao dịch lại diễn ra nhanh chóng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng bộ phận phát triển khách hàng, Công ty chứng khoán MBS cho biết: “Các cổ phiếu hủy niêm yết giao dịch trên UPCOM sẽ tạo sự tin tưởng hơn cho nhà đầu tư bởi cơ chế giao dịch rõ ràng. Khi DN niêm yết trên sàn UPCOM thì bắt buộc phải công bố thông tin theo quy định và cổ phiếu sẽ có tính thanh khoản cao hơn”.

Tuy nhiên, hầu như không mấy DN hủy niêm yết lựa chọn cách này. Trong số gần 30 DN hủy niêm yết 8 tháng qua, chỉ có 2 DN chuyển xuống giao dịch tại UPCOM. Số còn lại rút lui hoàn toàn vào bóng tối và gần như không ai có thể biết thêm bất cứ thông tin nào của những DN này.

Nhóm phóng viên đã đem vấn đề này hỏi Ủy ban chứng khoán (UBCK) Nhà nước thì được biết cơ quan này đã có phương án giải quyết tình trạng trên.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCK Nhà nước cho biết: “UBCK Nhà nước đã xây dựng một thông tư hướng dẫn về quản lý niêm yết, đăng ký giao dịch của các DN không đủ điều kiện niêm yết thay thế cho quyết định 108 trước đây. Sau khi hủy DN phải đưa vào UPCOM là quy định mang tính chất bắt buộc”.

UBCK cũng cho biết, hiện thông tư này đã hoàn tất và đang trình Bộ Tài chính để xem xét có thể ban hành trong thời gian tới. Hi vọng, quy định mới có thể giải quyết triệt để tình trạng kẹt giao dịch của các cổ phiếu hủy niêm yết.