Hướng tới một thị trường chứng khoán minh bạch và ổn định

Theo Tạp chí Chứng khoán 7/2017

Thị trường chứng khoán (TTCK) có vai trò then chốt đối với sự phát triển thị trường tài chính nói riêng và với nền kinh tế nói chung. Vai trò này chỉ có thể được thực hiện khi các giao dịch trên thị trường được diễn ra một cách hợp pháp, công bằng và minh bạch, tạo điều kiện tăng tính hiệu quả và giảm thiểu rủi ro của thị trường. Để đạt được mục tiêu đó, giám sát giao dịch chứng khoán mặc dù là một trong những nhiệm vụ “nặng nề” nhưng luôn phải hoàn thành tốt để thị trường hoạt động ổn định và phát triển, đảm bảo công bằng đối với các bên tham gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với tư cách là cơ quan quản lý TTCK, trong những năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chú trọng hơn cho công tác giám sát thị trường nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho tất cả các thành viên tham gia thị trường, hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững.

Cùng với việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật (các quy định liên quan tới hoạt động của công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán (CTCK) như quản trị công ty, phát hành chứng khoán...) nhằm hoàn chỉnh các quy định quản lý làm căn cứ cho hoạt động giám sát tuân thủ, để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán (GDCK) và giám sát tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK của SGDCK và TTLKCK, ngày 31/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 127/2008/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế giám sát GDCK trên TTCK (Quyết định 127).

Quyết định 127 đã tạo khung pháp lý tương đối rõ ràng cho hoạt động giám sát GDCK do trước đó các quy định về lĩnh vực này cũng đã có nhưng nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau.

Quyết định 127 bước đầu đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu của công tác giám sát giao dịch là ngăn chặn, phát hiện và xử lý những dấu hiệu, hành vi vi phạm các quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK liên quan đến hoạt động GDCK. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của TTCK, các hành vi vi phạm ngày càng có biểu hiện tinh vi, phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Quy chế Giám sát ban hành kèm theo Quyết định 127 sau 4 năm áp dụng đã dần bộc lộ một số bất cập đòi hỏi UBCKNN – Cơ quan quản lý nhà nước về TTCK cần tăng cường, củng cố năng lực giám sát GDCK trên các mặt như: hoàn thiện thể chế, mở rộng thành phần của các chủ thể giám sát, hoàn thiện nội dung, trách nhiệm giám sát, cơ sở dữ liệu GDCK...

Ngày 25/1/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 13/2013/TT-BTC về Giám sát GDCK trên TTCK (Thông tư 13) nhằm khắc phục những hạn chế của Quyết định 127, đồng thời hướng tới việc hoàn thiện khung pháp lý về giám sát GDCK để công tác giám sát GDCK trên TTCK triển khai ngày càng hiệu quả, kịp thời.

Thực tiễn cho thấy, sau hơn 04 năm thi hành, về cơ bản, Thông tư 13 đã đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác giám sát hoạt động giao dịch, góp phần quan trọng trong việc duy trì TTCK hoạt động công khai, công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.

Kể từ thời điểm Thông tư 13 có hiệu lực, TTCK đã có sự phát triển mạnh về cả quy mô và chiều sâu. Tuy nhiên, trên thị trường UPCoM, số lượng các công ty đại chúng đăng ký giao dịch cổ phiếu tăng mạnh, nhưng chất lượng của các công ty trên thị trường này có sự chênh lệch lớn.

Còn trên thị trường niêm yết, vẫn còn tình trạng kinh doanh không hiệu quả ở một số tổ chức niêm yết; giá cổ phiếu chưa thể hiện đúng bản chất kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty có cổ phiếu niêm yết... Thực trạng này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát của cơ quan quản lý thị trường nhằm đảm bảo duy trì một TTCK phát triển bền vững, ổn định.

Thực thi vai trò của mình, thời gian qua, cơ quan quản lý có thẩm quyền (Bộ Tài chính) cũng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý về chứng khoán và TTCK cho phù hợp với sự phát triển của thị trường như: Thông tư số 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên TTCK (thay thế Thông tư số 74/2011/TT-BTC); Thông tư số 05/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán GDCK (thay thế Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC và Thông tư số 43/2010/TT-BTC); Thông tư số 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK (thay thế Thông tư số 52/2012/TT-BTC)...

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý TTCK đã có kế hoạch đưa một số sản phẩm mới vào giao dịch như chứng khoán phái sinh – CKPS (trên cơ sở Nghị định số 42/2015/NĐ-CP và Thông tư số 11/2016/TT-BTC); quỹ hoán đổi danh mục - ETF (trên cơ sở Thông tư số 229/2012/TT-BTC); chứng quyền có bảo đảm - covered warrant (trên cơ sở Thông tư số 107/2016/TT-BTC)...

Do có sự gia tăng về số lượng hàng hóa, mở rộng về quy mô hoạt động giao dịch như đưa thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) vào hoạt động, tăng cường phát triển thị trường theo chiều sâu đòi hỏi cần có sự thay đổi trong công tác quản lý, giám sát giao dịch để có thể bao quát các hoạt động giao dịch diễn ra trên TTCK có tổ chức.

Với kỳ vọng đó, nhiệm vụ hoàn thiện quy định về giám sát GDCK là yêu cầu cấp thiết cần triển khai, hướng tới việc duy trì TTCK phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường.

Kế thừa, hoàn thiện những nguyên tắc, quy định đã được áp dụng có hiệu quả tại Thông tư 13, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 13 bổ sung nội dung giám sát GDCK liên quan đến: (i) Sản phẩm mới được đưa vào giao dịch trên thị trường (chứng quyền có bảo đảm, CKPS); (ii) Bổ sung một số nội dung mới để phù hợp với quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán được ban hành từ thời điểm Thông tư 13 có hiệu lực đến nay; (iii) Sửa đổi các tham chiếu về Điều, Khoản của một số văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bổ sung Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) là chủ thể giám sát (cấp 1): VSD thực hiện giám sát hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán trên TTCK cơ sở tại VSD và báo cáo UBCKNN các nội dung: cấp mã chứng khoán, mã định danh (ISIN code), cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), sửa/loại bỏ giao dịch, chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống, danh sách cổ đông lớn của công ty đăng ký chứng khoán tại VSD, thông tin và danh tính tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư mở tại các CTCK.

Để thực thi vai trò của cấp giám sát thứ nhất, VSD phải xây dựng, ban hành các quy chế nghiệp vụ sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN. Qua thực hiện các nghiệp vụ, VSD có trách nhiệm giám sát và báo cáo UBCKNN khi phát hiện có dấu hiệu, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Phối hợp, chia sẻ thông tin với SGDCK để triển khai công tác giám sát giao dịch chứng khoán kịp thời, hiệu quả.

Thứ hai, bổ sung nghĩa vụ báo cáo của thành viên giao dịch.

Qua tìm hiểu một số TTCK của một số nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, có thể nhận thấy hoạt động giám sát tại các thị trường này đều có sự tham gia của CTCK - thành viên giao dịch của SGDCK với vai trò là tuyến giám sát đầu tiên (giám sát tuyến đầu).

Về cơ bản, tại các thị trường này, CTCK thực hiện nghĩa vụ giám sát trên cơ sở hệ thống công nghệ thông tin phát triển. Ngoài việc thực hiện giám sát giao dịch, các CTCK còn cùng với Hiệp hội hành nghề thực hiện giám sát bằng cơ chế tự quản, giám sát chéo giữa các CTCK với nhau nhằm đảm bảo tính tuân thủ của các CTCK trong hoạt động giao dịch chứng khoán.

Tại TTCK Việt Nam, do một số đặc thù riêng, hơn nữa vai trò của tổ chức tự quản như Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) còn chưa rõ nét, do vậy, việc CTCK tham gia vai trò là tuyến giám sát thứ nhất (tuyến giám sát thứ hai sẽ là SGDCK và tuyến giám sát thứ ba là UBCKNN) trong giai đoạn này là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được sự cần thiết phải tham gia hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán của CTCK. Tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 13, CTCK có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý - UBCKNN, SGDCK khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK trong quá trình cung cấp dịch vụ giao dịch cho chính khách hàng của mình.

Việc bổ sung nghĩa vụ báo cáo của CTCK bước đầu hướng tới việc tăng khả năng cảnh báo của hệ thống giám sát, đảm bảo việc thực hiện giám sát các giao dịch toàn diện hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Ngoài nội dung giám sát theo phương thức “bị động”, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 13 có bổ sung nội dung quy định CTCK triển khai công tác giám sát một cách “chủ động”.

Theo đó, ngoài trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của UBCKNN, SGDCK thì CTCK còn có trách nhiệm chủ động giám sát việc tuân thủ các quy định về giao dịch chứng khoán của nhân viên CTCK và khách hàng của chính CTCK đó. Khi phát hiện nhân viên, khách hàng của chính CTCK vi phạm các quy định về giao dịch chứng khoán, CTCK phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý.

Trường hợp nhân viên, khách hàng của công ty vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK mà CTCK không báo cáo UBCKNN kịp thời thì công ty có thể bị xử lý theo quy định.

Thứ ba, để đảm bảo điều chỉnh toàn diện các đối tượng tham gia giao dịch, cung cấp dịch vụ GDCK, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 13 đã bổ sung các đối tượng giám sát của SGDCK, TTLKCK tham gia TTCKPS. Các đối tượng này chịu sự giám sát của SGDCK, TTLKCK trong vai trò là thành viên giao dịch của SGDCK và thành viên bù trừ CKPS.

Thứ tư, bổ sung một số hoạt động nghiệp vụ của SGDCK: tổ chức TTCKPS và các sản phẩm giao dịch trên TTCKPS; phối hợp với TTLKCK trong việc triển khai công tác giám sát giao dịch CKPS, đảm bảo công tác giám sát hiệu quả, kịp thời.

Thứ năm, bỏ nội dung cho phép SGDCK tổ chức kiểm tra GDCK có dấu hiệu bất thường theo ủy quyền của UBCKNN do chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (Điều 12 Thông tư 13).

Với kỳ vọng hướng tới một thị trường minh bạch và ổn định, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ không ngừng nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch và công bằng cho tất cả các bên tham gia trên TTCK Việt Nam.