Huy động vàng, ngoại tệ để phát triển kinh tế

Theo baocongthuong.com.vn

Đánh thức dòng tiền nhàn rỗi từ vàng, ngoại tệ trong dân để trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế là vấn đề tiếp tục được Chính phủ đề cập. Trong bối cảnh cần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng như hiện nay, nguồn vốn này nếu khai thông được sẽ mang lại giá trị rất lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017 vừa được ban hành đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động nguồn vốn vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc khơi thông nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng tín dụng để bảo đảm mục tiêu vĩ mô tăng 6,7% GDP.

Với diễn biến thị trường tiền tệ hiện nay, việc thu hút ngoại tệ nhàn rỗi trong dân sẽ thuận lợi và phù hợp hơn so với tính toán đưa vàng vào nền kinh tế. Cần xem xét huy động USD và cho vay USD trở lại ở mức độ hợp lý để thu hút ngoại tệ cho nền kinh tế, tránh hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.
5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 6,8% nhưng việc huy động vốn lại không mấy thuận lợi, ước tăng 4,3% so với cuối năm 2016. Nhất là trong quý I, thanh khoản có lúc căng thẳng, không ít ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao để thu hút tiền.

Bước sang quý II, thanh khoản có phần cải thiện. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tỷ lệ cho vay/huy động vốn (LRD) ước tính cả hệ thống tín dụng trong tháng 5 ở mức khoảng 87%, giảm nhẹ so với tháng trước (88%). Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm nay, cần nguồn tiền rất lớn.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường vàng không có biến động mạnh, tình trạng đầu cơ vàng cũng giảm đáng kể. Giá vàng trong nước không chênh lệch cao so với giá thế giới, thậm chí có nhiều thời điểm còn thấp hơn giá thế giới. Nguồn tiền để mua vàng trong dân phần lớn là tích trữ hoặc “lướt sóng” ngắn nên cần tính đến khơi thông nguồn lực vàng nhàn rỗi trong dân.

Đối với ngoại tệ, những biến động nóng như trước đây cũng đã hạ nhiệt, với việc chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, có kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, nên 5 tháng đầu năm nay, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1-1,2%, thị trường ngoại hối trong nước ổn định hơn nhiều so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và khu vực.

NHNN cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, đưa dự trữ ngoại hối chính thức đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Vì thế, việc xem xét, tính toán chính sách phù hợp để đưa nguồn vốn nhàn rỗi từ vàng, ngoại tệ vào nền kinh tế là rất cần thiết.

Để “hút” ngoại tệ và vàng nhàn rỗi trong dân, theo các chuyên gia kinh tế, cần tính đến các khó khăn về chênh lệch giá vàng, chất lượng vàng… phải có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước về huy động vàng.

Dưới góc độ chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, việc huy động vốn vàng, ngoại tệ trong dân cần tính toán và có bước đi cẩn trọng, nếu huy động vốn của dân không đúng cách, sẽ phản tác dụng. Để thu hút ngoại tệ vào sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cần lập kế hoạch, chương trình, dự án… khả thi cung cấp cho các ngân hàng thương mại cổ phần để họ tư vấn cho khách hàng.