Huy động vàng trong dân không thể vội

Theo daibieunhandan.vn

Khi hoạt động tín dụng vàng chấm dứt, điều mà dư luận và Ngân hàng Nhà nước quan tâm là làm sao huy động được vàng trong dân. Bởi nguồn lực này sẽ chuyển thành vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, giúp cải thiện đầu tư xã hội. Vậy làm thế nào để thu hút vàng trong dân và liệu có rủi ro gì với Nhà nước sau khi huy động được lượng vàng lớn? Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh TS. Lê Thẩm Dương đã trao đổi về vấn đề này.

Huy động vàng trong dân không thể vội
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phóng viên: Thưa ông, có nhiều dự đoán về lượng vàng trong dân với các con số khác nhau, con số lớn nhất là khoảng 1.000 tấn vàng, còn Ngân hàng Nhà nước có thời điểm ước tính con số này là 400 tấn, tương đương với số tiền rất lớn là khoảng 22 tỷ  USD. Theo ông thì con số nào là con số xác thực nhất?

TS. Lê Thẩm Dương: Thực tế các cơ sở dữ liệu cũng nằm ở trạng thái ước. Bên cạnh đó có nhiều cách tính. Ví dụ như lượng vàng nằm trong dân rồi lại thêm lượng vàng mà một số nhà đầu cơ nắm giữ. Vì thế theo cách tính của tôi cũng như cơ sở của cơ quan nhà nước đưa ra thì con số đó chỉ nằm trong khoảng 300 đến 400 tấn. Nhưng quan trọng hơn chuyện ta có bao nhiêu tấn vàng thì vấn đề đặt ra là cần có cơ chế để đưa số lượng vàng này vào nền kinh tế.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta cứ ổn định kinh tế vĩ mô và giữ lạm phát thấp thì tự người dân sẽ chuyển vàng thành tiền, đưa vào sản xuất kinh doanh?

Nhà nước không cần huy động vàng thì đây vẫn là quan điểm cần bàn luận thêm, nhưng ý kiến này cũng có điểm đúng. Tâm lý giữ vàng không chỉ người Việt Nam có mà người dân ở nhiều nước cũng như vậy. Và cũng không chỉ người dân mà cả các quốc gia họ cũng dự trữ vàng bởi những lợi thế như là vàng giữ được giá. Thêm vào đó, cầu về vàng luôn lớn hơn cung, nên tính thanh khoản của vàng rất cao.

Tuy nhiên, khi có những loại tài sản giúp sinh lời tốt hơn, dài hạn hơn, thì tâm lý người dân sẽ giảm giữ vàng, thậm chí không còn giữ vàng. Hay nói cách khác khi ổn định vĩ mô, lạm phát thấp, tính sinh lời cao của tài sản thì giữ vàng lại là động tác vô duyên. 

Do vậy, nếu cải thiện vĩ mô, cộng thêm một bàn tay hữu hình của Nhà nước, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, thì quá trình chuyển hóa vàng thành tiền đưa vào sản xuất nhanh hơn.

Thưa ông, để huy động vàng trong dân, có ý kiến cho rằng nên phát hành chứng chỉ vàng. Theo ông, khi Ngân hàng Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng thì người dân được lợi gì? 

Chứng chỉ là giấy nợ. Thường thì chứng chỉ do Ngân hàng Nhà nước phát hành có đủ các mệnh giá từ 1 chỉ đến 10 cây vàng. Chứng chỉ có nhiều loại phong phú, ghi danh hay không ghi danh, trả lãi hay là không trả lãi. Chứng chỉ thì người dân giữ, còn vàng vật chất thì Ngân hàng Nhà nước giữ. Người dân có thể mang chứng chỉ đi cầm cố, mua bán, trao đổi và rút ra bằng vàng hoặc là bằng ngoại tệ hoặc đồng nội tệ, bất cứ lúc nào tùy loại chứng chỉ. Cái lợi ở đây là vàng không nằm chết. Với tư cách là đồng vốn, thanh khoản của vàng sẽ cao hơn và đứng ở vĩ mô thì Nhà nước sẽ tăng được dự trữ ngoại hối và Nhà nước giảm được ngoại tệ nhập vàng.

Nhưng tại thời điểm hiện tại, nếu nhà nước làm như vậy thì chi phí bỏ ra là rất lớn, do phải trả cho phần lãi của giấy nợ. Bên cạnh đó sau khi thu hút được vàng rồi thì Nhà nước sử dụng vào mục đích gì. Nếu gửi vàng ra nước ngoài thì sinh lời rất thấp, chi phí lại cao. Đặc biệt là chi phí chuyển đổi. Cuối cùng là khả năng chịu đựng rửi ro về giá thanh khoản của phí nhận vàng rất cao. Cho nên hiện tại nên cân nhắc biện pháp này và chưa ứng dụng ngay được. 

Vậy có thể người dân gửi vàng cho các ngân hàng thương mại giữ hộ vàng, và các ngân hàng bảo đảm trả đủ cho người dân khi người dân lấy vàng ra. Sau đó Ngân hàng Nhà nước gom vàng từ ngân hàng thương mại và đưa vào sản xuất kinh doanh? 

Thực tế hiện tại Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cũng đã có nghiệp vụ giữ hộ vàng. Nhưng khi ngân hàng giữ hộ thì người dân phải trả cho ngân hàng một lượng phí chứ không phải nhận được một khoản lãi. Nếu nhận được khoản lãi thì việc kiểm soát vàng hóa lại không đạt được. Còn nếu phải trả phí thì có thể biện pháp này không hiệu quả. 

Vậy có thể không tính phí gửi vàng được không thưa ông? 

Nếu không tính phí thì việc gửi vàng lại mang tính chất vàng hóa. 

- Thưa ông, cũng có ý kiến lại cho rằng là nên xem xét quy định không cho các ngân hàng thương mại  được huy động. ông có bình luận thế nào về đề xuất này?

Thứ nhất, mục tiêu của chúng ta là chống vàng hóa. Khi còn cho gửi vàng thì tính vàng hóa vẫn tồn tại, gây nguy hại cho nền kinh tế. Cho nên cần chuyển sang cơ chế mua bán chứ. Thứ hai, vừa qua chúng ta phải làm việc nỗ lực mới quyết toán được vàng vào thời hạn chót là 30.6 này. Thực tế thì hoạt động huy động và cho vay bằng vàng đã gây những hệ lụy không mong muốn. Nữa là vấn đề rất cần quan tâm là số liệu và tình huống không quan trọng, mà bối cảnh của tình huống mới quan trọng.

Giả sử chúng ta có biện pháp nào đó để huy động vàng thành công thì khả năng rủi ro sẽ xảy ra như thế nào đối với Ngân hàng Nhà nước, vì có thể lúc huy động vàng vào thì giá rất rẻ, nhưng đến khi trả nợ cho người dân, người dân rút ra đồng loạt chẳng hạn, thì giá vàng rất cao?

Đây là câu hỏi cần thiết nhất. Vì bao nhiêu giải pháp hay nhưng đặt trong điều kiện cần và đủ là phải ổn định vĩ mô. Còn hiện tại nếu huy động vàng thành công, được 300 - 400 tấn, thì tỷ lệ rủi ro rất cao. Một là phải trả lãi cho người dân, tính ra có thể lên tới vài trăm tỷ đồng. Thứ hai là khi huy động được thì sử dụng vào đâu. Đơn giản nhất là gửi nước ngoài thì sinh lời rất thấp. Thứ ba là rủi ro về giá và thanh khoản rất cao. Cho nên hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn mua vàng và quan trọng nhất là mua để tăng dự trữ quốc gia. Đó cũng là một cái cách để huy động được 300 - 400 tấn vàng. 

Vậy thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã nên huy động vàng để đưa vào sản xuất kinh doanh chưa khi mà nguồn tiền trong các ngân hàng đang khá dôi dư?

Hiện tại cơ chế mua bán của chúng ta là có. Vừa rồi chúng ta mua được cả trăm tấn vàng, giúp dự trữ ngoại hối tăng. Hiện chúng ta cũng đang tiến tới ổín định giá vàng, tránh đầu cơ. Trong bối cảnh chúng ta đã ổn định được tỷ giá, thì đến một lúc nào đó tự bàn tay vô hình sẽ điều tiết và lượng vàng trong dân sẽ chảy dần vào nền kinh tế.

Ở đây đòi hỏi sự kiên nhẫn và lộ trình rõ ràng và lộ trình đang đi của Ngân hàng Nhà nước là hướng tốt. Sau đó khi ổn định rồi thì có thể lập sàn vàng, thậm chí cấm vàng miếng.

- Có ý kiến cho rằng, có thể tiến tới bỏ hẳn kênh vàng miếng để kinh tế ổn định hơn? 

- Đây là biện pháp cần thiết. Đến một lúc nào đó biện pháp này là rất trúng, nghĩa là phải cấm vàng miếng. Còn lúc này tính chất hàng hóa của vàng nổi lên, cho nên các bước đi tiếp theo còn phải rất kiên nhẫn. Có thể phải mất tới vài chục năm để xóa bỏ tâm lý giữ vàng. Khi đó, chỉ nên giữ lại vàng trang sức với tư cách là hàng hóa.

- Xin cám ơn ông.