Huy động vàng trong dân: Nên phát hành chứng chỉ, trái phiếu

Theo Báo Công an Nhân dân

“Phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân, vừa tăng thanh khoản của vàng, giúp NSNN có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Trái phiếu Chính phủ bằng vàng cũng được lưu thông trên thị trường tài chính, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tương tự như trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND hay USD hiện nay”, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất.

Huy động vàng trong dân: Nên phát hành chứng chỉ, trái phiếu
Bắt đầu từ 25/11, các ngân hàng phải ngừng triển khai huy động vàng. Riêng đối với các hợp đồng huy động vàng cũ được lùi thời hạn tất toán đến ngày 30/6/2012.

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho “nới” thời hạn huy động vàng, tuy nhiên, việc nới này chỉ dành cho những hợp đồng huy động vàng cũ, chưa đến hạn mới được gia hạn tất toán đến ngày 30/6/2013, còn kể từ ngày 25/11, các ngân hàng chính thức ngừng triển khai các hợp đồng mới về huy động vàng.

Chủ trương này được đưa ra trong bối cảnh hiện vẫn còn 3 ngân hàng thương mại (NHTM) gặp khó khăn trong việc tất toán ở mốc thời hạn ngày 25/11, với quy mô khoảng 8 tấn vàng; còn toàn hệ thống hiện cần khoảng 20 tấn vàng.

Như vậy, từ ngày 25/11, người dân gửi vàng tại các ngân hàng (NH) sẽ không còn được hưởng lãi suất mà chỉ coi như “dịch vụ giữ hộ”. Dữ liệu thống kê của NHNN cho thấy, trong 6 tháng qua, các NHTM đã mua ròng khoảng 60 tấn vàng từ dân cư.

Dù có hiệu lực thi hành, nhưng quyết định chấm dứt huy động vàng của NHNN rơi vào đúng ngày nghỉ, nên thị trường hầu như chưa có nhiều biến động. Trước đó, khi có thông tin được gia hạn, thị trường vàng đã giao dịch khá ảm đạm do phía các ngân hàng tạm dừng mua vào. Hơn nữa, những vấn đề trên thị trường vàng đang được chất vấn tại Quốc hội, nên nhiều người tạm dừng giao dịch để nghe ngóng, chờ đợi...

Tuy nhiên, vấn đề nhiều người đặt ra đó là dừng huy động vàng ở các NHTM, liệu chủ trương huy động vàng trong dân để bổ sung nguồn vốn vào nền kinh tế của NHNN có khả thi? Các chuyên gia kinh tế cho rằng có thể huy động vàng trong dân bằng nhiều phương án nhưng phải theo nguyên tắc đảm bảo quyền sở hữu người dân đối với vàng và dựa trên quyền lựa chọn của người dân chứ không ép buộc.

Theo TS. Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam, trong bối cảnh nhiều NHTM bộc lộ những yếu kém, phương thức huy động vàng trong thời điểm hiện tại thông qua việc phát hành chứng chỉ phải do NHNN phát hành. Với hình thức này, người gửi vàng không được rút trước thời hạn như hình thức tiết kiệm trước đây để NHNN sử dụng vốn vàng làm nguồn lực lâu dài để đầu tư phát triển. Từ đó, bằng các nghiệp vụ, NHNN có thể sử dụng số vàng huy động được đổi lấy ngoại tệ mạnh trong thời gian nhất định.

Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch VGTA góp ý: Sau khi ổn định trạng thái vàng của các NHTM, NHNN cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để NHTM kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN.

Đương nhiên, để thực hiện điều này, Nhà nước sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và NHTM. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng Chính phủ cũng có thể huy động vàng tương tự như huy động VND và ngoại tệ hiện nay thông qua phát hành trái phiếu vàng. NHNN sẽ đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi thành ngoại tệ hay nội tệ tùy theo yêu cầu của chủ thể phát hành trái phiếu vàng.

“Phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân, vừa tăng thanh khoản của vàng, giúp NSNN có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Trái phiếu Chính phủ bằng vàng cũng được lưu thông trên thị trường tài chính, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tương tự như trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND hay USD hiện nay”, ông Ánh đề xuất.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội 2013 Quốc hội tiếp tục yêu cầu khắc phục bất cập trong quản lý và ổn định thị trường vàng, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân. Về nguyên tắc, Nhà nước không ngăn cấm hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của người dân. Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng cung ứng cho thị trường, đồng thời có trách nhiệm ổn định thị trường, đảm bảo giá trong nước bám sát thế giới. Như vậy, thay vì "đảm bảo giá vàng trong nước liên thông giá thế giới", Nghị quyết đã chuyển thành "bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá thế giới".