Ì ạch tái cấu trúc công ty chứng khoán

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Sau 2 năm triển khai, việc tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK) vẫn rất chậm chạp, số doanh nghiệp yếu kém trong lĩnh vực này còn nhiều, là rào cản kìm hãm sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Ì ạch tái cấu trúc công ty chứng khoán
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Xử lý như “muối bỏ bể”

Tính đến tháng 8/2013, tổng vốn điều lệ của 105 CTCK là gần 37.000 tỷ đồng (tương đương vốn chủ sở hữu); tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp (DN) này ước đạt 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 700 tỷ đồng với khoảng 40% số CTCK có lãi, các công ty còn lại lỗ lũy kế gần 3.000 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) cho biết, dựa trên tình hình hoạt động của CTCK từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã đặt 5 CTCK vào diện kiểm soát; 9 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt. Cơ quan này đã triển khai các biện pháp mạnh trong việc tái cơ cấu như: Đình chỉ hoạt động 4 CTCK do hết thời hạn kiểm soát đặc biệt mà không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và đạt mức lỗ gộp trên 50% vốn điều lệ.

Với số lượng ban đầu là 105 công ty, sau 2 năm thực hiện tái cấu trúc, đến nay số lượng công ty được giải thể, sáp nhập hay chấm dứt hoạt động kinh doanh mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong đó, UBCKNN đang xem xét thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của 3 CTCK do hết thời hạn đình chỉ hoạt động nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng bị đình chỉ; rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 4 CTCK; rút nghiệp vụ tự doanh, rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 5 công ty; rút giấy chứng nhận hoạt động lưu ký của 1 CTCK... Ngay trong tháng 7/2013, một số CTCK bị chấm dứt hoạt động để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập như: CTCK Delta, CTCK Hà Nội, và CTCK Trường Sơn. Dù vậy, số CTCK bị “xóa sổ” vẫn còn ít so với tình hình thực tế.

Nhiều biện pháp “làm sạch” thị trường

Với mục tiêu thúc đẩy nhanh tái cấu trúc CTCK một cách hiệu quả, bảo đảm thị trường vận hành ổn định, lành mạnh, thời gian tới, UBCKNN đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các CTCK. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật; thực hiện kiểm tra, giám sát CTCK nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường. Cơ quan này cũng sẽ sớm thực hiện lấy ý kiến thị trường quy chế xếp loại CTCK theo tiêu chuẩn CAMEL (đánh giá qua các chỉ tiêu vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, kết quả kinh doanh và khả năng thanh khoản), để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát hoạt động.

UBCKNN cũng phối hợp với Vụ Chế độ kế toán (Bộ Tài chính) xây dựng dự thảo chế độ kế toán mới áp dụng cho CTCK, tổ chức lấy ý kiến các thành viên thị trường tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hy vọng, trong thời gian tới, khi chế độ kế toán mới được ban hành, tình hình tài sản các CTCK sẽ minh bạch hơn, phục vụ tốt hơn công tác quản trị của DN cũng như giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Ông Johan Nyvene - Tổng Giám đốc CTCK HSC - cho rằng, tái cấu trúc CTCK nên đưa ra quy định về việc tăng vốn. Mức vốn này phải đảm bảo để công ty có thể cung cấp các dịch vụ tài chính. Nếu làm được thì cũng sẽ giúp cơ quan chức năng dễ thực hiện rút ngắn quá trình thanh toán. Thêm nữa, các quy định nên đi sát với nhu cầu thị trường. Ở các nước, việc đưa ra các sản phẩm phục vụ cho thị trường là cách mà CTCK “bán hàng” cho nhà đầu tư. Chính họ phải chịu trách nhiệm về việc này. Vì vậy “không thể cho rằng cơ quan chức năng sẽ cho ra đời các sản phẩm phục vụ nhà đầu tư. Điều này trái với thông lệ quốc tế” - ông Johan Nyvene nói.