Thị trường trái phiếu Việt Nam:

Kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế

PV. (TỔNG HỢP)

Trong những năm qua, thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững cả về quy mô lẫn chiều sâu, phát huy được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và bù đắp sự thiếu hụt cho ngân sách nhà nước. Bởi vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như triển khai các giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển theo thông lệ quốc tế được tập trung triển khai mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tạo lập khung pháp lý toàn diện cho thị trường trái phiếu

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế.

Việc hoàn thiện Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thị trường trái phiếu là một yêu cầu tất yếu của nền tài chính Việt Nam. Chính vì thế, trong những năm qua, cơ chế chính sách cho thị trường trái phiếu phát triển ngày càng hiệu quả, hệ thống pháp luật được hoàn thiện đầy đủ từ cấp Luật đến Thông tư hướng dẫn (gồm Luật Quản lý nợ công, Luật NSNN, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, Quyết định số 261/QĐ-BTC và các Thông tư hướng dẫn).

Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 7/4/2015 về Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành thế hệ 2 của các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để phù hợp với sự phát triển thị trường và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn trên thị trường trái phiếu.

Đối với trái phiếu Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2015/TT-BTC đã quy định các nội dung cải tiến như: Nâng cao một bước về quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên đấu thầu; Cho phép phát hành sản phẩm mới là trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ (zero – coupon bond); Hoàn thiện quy trình bảo lãnh và đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ (thời gian thông báo, thanh toán, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch trái phiếu) để rút ngắn thời gian đưa trái phiếu vào đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch; Cải thiện lịch biểu đấu thầu và ngày đáo hạn trái phiếu Chính phủ để thuận tiện cho nhà đầu tư trong việc tham gia đấu thầu và hỗ trợ công tác quản lý ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước; Quy định chi tiết về phương thức bán lẻ trái phiếu.

Còn đối với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 99/2015/TT-BTC đã có các nội dung cải tiến như: Quy định chi tiết hơn về hồ sơ cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu; Hoàn chỉnh quy định về đăng ký lưu ký niêm yết trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; quy định rõ nội dung công bố thông tin, thời hạn công bố thông tin và cách thức công bố thông tin của các chủ thể phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh nhằm tăng tính công khai minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu...

Đa dạng hóa sản phẩm để thúc đẩy thị trường trái phiếu

Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, bên cạnh sản phẩm truyền thống là trái phiếu thanh toán lãi định kỳ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và triển khai 2 sản phẩm mới trên thị trường là trái phiếu không trả lãi định kỳ và trái phiếu lãi suất thả nổi để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường.

Hiện nay, đối với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương việc đăng ký, lưu ký được thực hiện tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, việc tổ chức đấu thầu, niêm yết và giao dịch trái phiếu được thực hiện qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Đối với trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu phát hành theo hình thức riêng lẻ.

Tại thời điểm 14/8/2015, dư nợ thị trường trái phiếu là 867.876 tỷ đồng, đạt khoảng 22% GDP năm 2014; riêng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 581.497 tỷ đồng, đạt khoảng 14% GDP năm 2014.

Sau 2 năm Bộ Tài chính triển khai phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước, đến nay, hệ thống thành viên đấu thầu của Việt Nam gồm có 24 thành viên với 18 ngân hàng thương mại và 6 Công ty chứng khoán.

Bên cạnh đó, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu bao gồm các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư có tổ chức như các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam chỉ nắm giữ khoảng 1 - 2% khối lượng trái phiếu phát hành. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện để trình Chính phủ ban hành nhằm góp phần phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu, đồng thời nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường trái phiếu.

Đặc biệt là, tính đến 14/8/2015, tổng khối lượng trái phiếu phát hành ra thị trường là 140.938 tỷ đồng; trong đó khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015; khối lượng phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 17.459 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch năm 2015; khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 11.148 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2015 là năm đầu tiên phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm (kỳ hạn dài nhất từ trước tới nay) cho các công ty bảo hiểm nhân thọ với khối lượng phát hành trong tháng 7/2015 là 3.450 tỷ đồng.

Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu trong thời gian tới

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, thanh khoản cao, và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế với mục tiêu cụ thể là tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020, trong đó dư nợ thị trường TPCP đạt 22% GDP, thị trường TP được CPBL đạt 8% GDP, thị trường TPCQĐP đạt 1% GDP và thị trường TPDN đạt 7% GDP.

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất là: phối hợp với NHNN trong việc điều hành thị trường tài khoá và thị trường tiền tệ, đảm bảo lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền tệ được ổn định, ít biến động lớn.

Thứ hai : phát triển hệ thống nhà đầu tư: Khuyến khích phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như Quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm,... giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Tiếp tục xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài với các giải pháp căn bản: Ổn định nền kinh tế vĩ mô; Xây dựng và phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh như hợp đồng, kỳ hạn,... để phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu; Tăng cường tính công khai minh bạch trên thị trường thông qua xây dựng trang thông tin điện tử chuyên biệt cho thị trường trái phiếu gồm đầy đủ dữ liệu thông tin về thị trường.

Thứ ba là: phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cơ sở hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với các giải pháp như: Ban hành khuôn khổ pháp lý về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường, theo đó nâng cao trách nhiệm của các thành viên đấu thầu trên thị trường sơ cấp; Thúc đẩy nhanh quá trình đăng ký, lưu ký, niêm yết giao dịch, nghiệp vụ repo, cung cấp thông tin giá cả nhằm hỗ trợ sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp; Tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách về cơ chế hỗ trợ thanh khoản trên thị trường để tiến tới quy định thêm nghĩa vụ đối với các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp là chào giá cam kết 2 chiều; Tăng cường các cuộc đối thoại định kỳ với thành viên để nắm bắt nhu cầu và vướng mắc trong triển khai hệ thống thành viên đấu thầu.

Thứ tư là: phát triển hệ thống công nghệ thông tin: Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin trên thị trường để đảm bảo hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu diễn ra thông suốt; rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu tạo thanh khoản trên thị trường.

Thứ năm là: xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường tính công khai minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.