Khả năng tiếp cận vốn sẽ cải thiện?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Có thể, lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp nhưng tín dụng vẫn đì đẹt nếu một trong những điều kiện đủ là sự phục hồi của sức cầu, nền kinh tế hay cơ hội kinh doanh chưa xuất hiện. Tuy nhiên, cả ngân hàng và doanh nghiệp (DN) đều nhận định nền kinh tế đang đi lên từ vùng đáy và cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ rộng mở hơn...

Hệ thống ngân hàng đang có những chuyển biến tích cực
Hệ thống ngân hàng đang có những chuyển biến tích cực

Vụ Chính sách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sau nhiều lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt với liều lượng và vào thời điểm hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm hơn 50% so với cuối năm 2011. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay mới đã trở về bằng mức lãi suất cho vay của giai đoạn 2005 - 2006.

Tín dụng chủ yếu đổ vào trái phiếu

Không chỉ mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhiều lãnh đạo ngân hàng còn cho biết có DN chỉ phải vay với lãi suất 5%/năm. Thống kê của NHNN Việt Nam về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 31/3 - 4/4 cũng cho thấy một số ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ở mức 6 - 7%/năm đối với một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Vậy nhưng, tín dụng vẫn đì đẹt.

Theo thống kê từ NHNN, tháng 1/2014, tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm 0,55%, tháng 2 giảm 0,65%, nhưng tháng 3 đã tăng với mức tăng 1,35% so với tháng trước và tăng 11,59% so với cùng kỳ năm 2013.

Con số tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng cũng khả quan, như quý I/2014, LienVietPostBank tăng 4%, BIDV tăng khoảng 2%, Sacombank tăng hơn 4,7% (tính đến ngày 10/4), TPBank tăng khoảng 10%...

Vậy nhưng, thực tế tín dụng không chảy vào nền kinh tế, DN mà vào trái phiếu chính phủ (TPCP). Theo thống kê của NHNN, từ đầu năm đến nay, các TCTD đã mua khoảng 83% lượng TPCP phát hành (số liệu đến 28/3/2014, tổng TPCP phát hành khoảng 81.600 tỷ đồng).

Số dư TPCP do các TCTD nắm giữ tăng thêm trong 3 tháng đầu năm (bằng số mua TPCP trừ đi số TPCP đến hạn thanh toán) là khoảng 43.000 tỷ đồng, tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh TPCP, kỳ phiếu do NHNN phát hành cũng được các ngân hàng săn đón. Chỉ riêng tuần cuối tháng 3, NHNN đã tiếp tục phát hành thành công 33.118 tỷ đồng tín phiếu và số lượng này tương đương với mức tăng tới 9% so với tuần trước.

Cùng với khối lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần đạt 11.146 tỷ đồng, chỉ riêng trong tuần qua, NHNN tiếp tục hút ròng từ các ngân hàng gần 22.000 tỷ đồng sau khi hút ròng tới hơn 15.300 tỷ đồng trong tuần trước đó.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận việc tìm kiếm khách hàng tốt để giải ngân rất khó khăn, trong khi vốn đầu vào vẫn tăng đều khiến họ đau đầu tìm cách xử lý nguồn vốn ế. Còn DN thì cho rằng cơ hội kinh doanh vẫn chưa xuất hiện, nên vẫn "bảo lưu" nhu cầu vốn ở đó, dù được "mời chào" với lãi suất rất thấp.

Kịch bản nào cho tín dụng?

Ông Huỳnh Châu Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền, cho biết hiện Công ty đang vay với lãi suất 7%. "Với nhu cầu vốn khá cao nên vấn đề lãi suất được quan tâm, lãi suất thấp sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào… trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay. Hiện Công ty đang vay vốn của 4 ngân hàng, với mỗi ngân hàng hạn mức 30 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, Công ty vẫn chưa dùng hết và chưa có nhu cầu vay thêm", ông Sang cho biết.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng như vậy. Hiện nhiều DN chưa thực sự thoát khỏi khó khăn vì sức cầu trên thị trường quá yếu. Nhiều DN chỉ cố gắng tồn tại chứ không dám vay vốn, vì sợ nợ lại chồng nợ. Bởi vậy, lãi suất không phải là vấn đề trở ngại đối với DN trong việc tiếp cận ngân hàng hiện nay, mà vấn đề là làm thế nào để kích cầu tiêu dùng, từ đó giải phóng nguồn hàng tồn kho của DN.

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Aprocimex, cho biết nhiều ngân hàng đang chào lãi suất cho vay 6%/năm. Nhưng năm 2014, DN chưa phát sinh nhu cầu vay vốn. "Thực tế thì nền kinh tế đang còn khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn của DN đã giảm. Do vậy, chúng tôi đang chờ đợi tín hiệu thị trường mới quyết định có vay hay không", ông Lý chia sẻ.

Cùng cảnh, ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Cáp và vật liệu viễn thông (Sacom), cho biết chưa có nhu cầu vay vốn nên chưa làm việc với ngân hàng về vấn đề lãi suất. "Hiện việc tiếp cận vốn vay ngân hàng không khó khăn, nhưng với điều kiện kinh doanh hiện tại, Công ty vẫn chưa phát sinh nhu cầu vay vốn", ông Trắc chia sẻ.

Dù vậy, cả ngân hàng lẫn DN đều cùng nhận định tình hình sẽ không tiếp tục u ám trong những tháng tới vì nền kinh tế đã thoát đáy và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng mặc dù mức tăng còn chậm. Những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ hiệu ứng các giải pháp hỗ trợ tổng cầu cũng như hệ quả từ chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã phát huy tác dụng.

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng đang có những chuyển biến tích cực. Thông tin về những cơ chế cho xử lý nợ xấu của VAMC đang được triển khai để ban hành, những cuộc sáp nhập của ngân hàng yếu vào ngân hàng lớn, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất huy động và cho vay thấp… đang là những điều kiện tốt để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay với lãi suất thấp.

Còn các DN cũng bắt đầu nhận thấy những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Cùng với đó, tình hình DN được cải thiện khi các chỉ tiêu về khả năng trả nợ, đòn bẩy tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh đều có chuyển biến…

Do đó, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi các ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn của các khoản vay cũ và giảm lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.