Khả năng trả nợ của khách hàng là quan trọng để ngân hàng cho vay

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ngân hàng yêu cầu phải chứng minh thu nhập của gia đình để chứng minh khả năng trả nợ đối với ngân hàng là cần thiết.

Chứng minh thu nhập của gia đình để chứng minh khả năng trả nợ đối với ngân hàng là cần thiết. Nguồn: internet
Chứng minh thu nhập của gia đình để chứng minh khả năng trả nợ đối với ngân hàng là cần thiết. Nguồn: internet

Vợ chồng bà Nguyễn Lan Anh (Phú Xuyên, Hà Nội) có đăng ký mua nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, trị giá căn hộ là 590 triệu đồng. Hiện vợ chồng bà Lan Anh gặp vướng mắc về thủ tục vay vốn và đề nghị cơ quan chức năng giải đáp.

Cụ thể, theo yêu cầu của Ngân hàng VietinBank, vợ chồng bà Lan Anh phải chứng minh thu nhập cá nhân. Nhưng bà làm nghề buôn bán tự do nên không thể chứng minh được thu nhập. Chồng bà có thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, thu nhập của bà khoảng 5 triệu đồng/tháng; tổng thu nhập của 2 vợ chồng là khoảng 14 triệu đồng(có thể hơn). Tài sản thế chấp vay vốn của gia đình bà là mảnh đất có giá trị gần 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Ngân hàng cho biết, thu nhập của vợ chồng bà không đủ điều kiện để vay vốn. Bà Lan Anh muốn được biết, mức thu nhập như thế nào thì được coi là thu nhập thấp? Những người kinh doanh tự do như bà có phải chứng thực thu nhập không? Nếu có thì phải chứng thực như thế nào?

Về vấn đề này, Vụ Tín dụng -Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trả lời bà như sau:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 của Bộ Xây dựng thì để được vay vốn mua nhà ở xã hội, bà phải có hợp đồng mua bán nhà ở xã hội đã ký kết với chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo bà phản ánh, "vợ chồng bà đăng ký mua nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội". Trong trường hợp bà mới chỉ đăng ký mua nhà ở xã hội thì bà không thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Trường hợp bà đã mua được nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội thì gia đình bà thuộc diện có thu nhập thấp và nằm trong đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện “cần” để tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, để được ngân hàng cho vay thì bà phải chứng minh được khả năng trả nợ của mình cho ngân hàng (bao gồm thu nhập thường xuyên của các thành viên trong gia đình, chi phí sinh hoạt và khoản tiền có thể dùng để trả nợ ngân hàng theo định kỳ) do đây là khoản cho vay của ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ về nhà ở, Nhà nước chỉ hỗ trợ về lãi suất và thời hạn cho vay, việc cho vay vẫn phải được thực hiện theo cơ chế tín dụng thông thường.

Do vậy, việc ngân hàng yêu cầu bà phải chứng minh thu nhập của gia đình để chứng minh khả năng trả nợ của bà đối với ngân hàng là cần thiết. Khi ngân hàng xem xét cho vay thì khả năng trả nợ của khách hàng là điều kiện quan trọng nhất, tài sản đảm bảo chỉ là điều kiện thứ yếu.

Nếu bà có thể chứng minh được khả năng trả nợ của mình thì theo quy định tại khoản 5, Điều 13, Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, bà có thể dùng chính căn nhà ở xã hội mà bà đã mua để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng (hướng dẫn chi tiết quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT ngày 25/4/2014 về việc hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai).

Ngân hàng Nhà nước đề nghị bà Lan Anh làm việc lại với Ngân hàng VietinBank về các nội dung trên và nếu còn vướng mắc, đề nghị bà cung cấp chi tiết hơn về các nội dung có liên quan để được xem xét, giải quyết.