"Khe hở" thị trường vàng

Theo Đầu tư Chứng khoán

Với hàng ngàn điểm kinh doanh, hàng chục chiêu lách luật, không dễ để đưa vàng vào khuôn khổ trong ngày một, ngày hai.

"Khe hở" thị trường vàng
Tình hình giao dịch vàng miếng hiện khá trầm lắng do giá giảm

Với việc phối hợp thanh kiểm tra giữa ngân hàng Nhà nước (NHNN) với lực lượng công an và quản lý thị trường, thị trường vàng miếng không có diễn biến bất thường sau quy định mới. Tuy nhiên, với hàng ngàn điểm kinh doanh, hàng chục chiêu lách luật, không dễ để đưa vào khuôn khổ trong ngày một, ngày hai. 

Cam kết xử lý nghiêm…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau 2 ngày quy định phải mua bán vàng miếng tại các điểm có giấy phép, thị trường vàng ổn định hơn cả kỳ vọng ban đầu.

“NHNN TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng công an và quản lý thị trường để kiểm tra việc kinh doanh vàng miếng. Nếu cửa hàng không được phép kinh doanh mua vàng hoặc khách hàng cố tình mua bán ở những tiệm vàng không được cấp phép, cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử phạt nặng cả tiệm vàng lẫn người mua bán”, ông Minh nói.

Tính đến thời điểm này, cả nước có gần 2.500 điểm được cấp phép kinh doanh vàng miếng trực thuộc 22 ngân hàng và 16 DN. Riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh có 900 điểm so với con số hơn 3.000 điểm trước đây.

Theo ông Minh, không lo ngại có sự hạn chế trong mua bán vàng miếng. Bởi các ngân hàng, DN được cấp phép kinh doanh vàng miếng đã có mạng lưới hoạt động rộng khắp.  Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng và cửa hàng kinh doanh vàng được cấp phép phải treo bảng hiệu bên ngoài cho khách hàng biết là được phép mua bán vàng miếng, giúp khách hàng dễ dàng nhận biết khi có nhu cầu giao dịch. Mặt khác, số lượng cửa hàng được giao dịch vàng miếng sẽ còn gia tăng khi có thêm ngân hàng và DN được cấp phép.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, thị trường vẫn tồn tại tình trạng “lách” mua bán vàng miếng tại một số cửa hàng vàng bạc đá quý nhỏ, lẻ. Khách hàng có nhu cầu bán vàng SJC hay phi SJC đều được các cửa hàng nhỏ lẻ thu mua. Ngược lại, khách hàng có nhu cầu mua, chủ một cửa hàng vàng ở chợ Bàn Cờ, quận 3, TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ sẵn sàng đáp ứng, cho dù họ không đủ điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng.

Ngoài ra, không ít cửa hàng kinh doanh vàng không được cấp phép mua bán vàng miếng lại có xu hướng chuyển sang kinh doanh vàng nhẫn trọng lượng từ 1 đến vài chỉ. Thậm chí, tại một cửa hàng kinh doanh vàng ở chợ An Đông, quận 5, TP. Hồ Chí Minh, còn biến tướng dưới dạng vàng khoen, trọng lượng lên đến cả lượng vàng… Vì hiện tại, NHNN chỉ hạn chế kinh doanh vàng miếng, còn vàng nhẫn được xem là nữ trang.

…nhưng khó loại trừ biến tướng

Chủ một tiệm vàng ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh cho biết, gần đây chủ yếu giao dịch vàng nhẫn. Người dân chọn mua loại vàng này vì vẫn có thể mua bán dễ dàng. Hiện nay, giá vàng nhẫn tại các tiệm vàng tương đương giá vàng thế giới quy đổi, thay vì phải trả thêm một khoản chênh lệch khá cao giữa vàng trong nước và quốc tế khi mua vàng miếng. Cả SJC và PNJ hiện đều niêm yết giá vàng nhẫn bốn số chín thấp hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá bán vàng miếng SJC.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh vàng của PNJ cũng cho biết, vàng nhẫn thời gian qua tương đối hút khách. Tuy nhiên, thị trường nói chung lại khá trầm lắng, bởi giá đang có sự điều chỉnh. Ông Trọng cho rằng, việc hạn chế kinh doanh vàng miếng hiện nay chưa có tác động nhiều đến thị trường. Bởi cầu về vàng trên thị trường đang giảm mạnh nên cung dôi dư. Tại PNJ, lượng vàng miếng bán ra bình quân chỉ còn 1.000 - 1.500 lượng/ngày, giảm hơn 50% so với thời gian trước, trong khi mua vào cũng chỉ bằng 30 - 40%.

Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng, một khi nhu cầu về vàng miếng tăng, đòi hỏi cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt việc kinh doanh vàng miếng trái phép, thì mới có thể hạn chế được việc “lách” luật đang khá phổ biến hiện nay.

Còn chuyên gia vàng Huỳnh Trung Khánh cho rằng, có thể việc hạn chế kinh doanh vàng miếng được NHNN thực hiện là nhằm thiết lập lại trật tự cho thị trường vàng, song về lâu dài, để quản bằng biện pháp hành chính là rất khó. Bởi thực tế hiện nay, Nghị định 24 quy định việc kinh doanh vàng miếng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và chỉ cấp phép cho những DN đáp ứng được yêu cầu, nhưng một số tiệm vàng nhỏ lại chuyển đổi sang đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư là kinh doanh hàng kim loại, sau đó âm thầm buôn bán vàng miếng. Trong khi đó, lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát hết.

Thị trường vàng được kỳ vọng sẽ ổn định khi hạn chế mạng lưới kinh doanh vàng miếng, song trên thực tế, chênh lệch giá vàng nội - ngoại vẫn lên tới 4 triệu đồng/lượng. Trong thời gian tới, để kéo gần hơn mức chênh lệch này và giám sát thị trường theo đúng quy định tại Nghị định 24 vẫn là bài toán khó giải đối với cơ quan quản lý thị trường này.

“Chúng ta cần đề cao yếu tố thị trường”

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Thay vì có khoảng cách ở vai trò quản lý, nay NHNN đã tiếp cận, điều hành việc sản xuất, cung - cầu vàng miếng cho thị trường, kể cả chỉ đạo phân phối thông qua mạng lưới là các chi nhánh, phòng giao dịch các NHTM và các công ty vàng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN gánh vác trách nhiệm nhiều hơn, trực tiếp hơn với Chính phủ và xã hội về diễn biến thị trường vàng. Nhưng câu hỏi nóng đặt ra với NHNN về các giải pháp sắp tới là: rồi sao nữa? Bởi chúng ta cần đề cao yếu tố thị trường. Quan điểm này xem vàng cũng là ngoại tệ, không ngại sử dụng USD để nhập vàng vì khi cần thiết, hoàn toàn có thể xuất vàng để thu về ngoại tệ. Giá cả sẽ tự quân bình hợp lý trong nước và quốc tế, người dân sẽ không thích giữ vàng vì không sinh lợi, người đầu cơ sẽ ít có cơ hội ăn chênh lệch giá, nhu cầu nhập khẩu vàng sẽ giảm đáng kể.

Trường hợp cần can thiệp thị trường thì cho nhập chính thức, Nhà nước thu được thuế, thay vì cấm đoán gây căng thẳng, kích thích buôn lậu, thất thu thuế và cũng phải sử dụng USD mặt để nhập vàng. Vì thế, các chủ trương về vàng miếng nên nghiêng về quan điểm này. Thực tế cho thấy, những cơn sốt vàng các năm qua chỉ một phần đến từ nhu cầu thực của người dân, còn phần lớn phát sinh cung cầu từ những tổ chức kinh doanh vàng mua bán lẫn nhau, cũng như chính sách quản lý không được thông tin đúng mức.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, việc áp dụng một số biện pháp hành chính kiểm soát là cần thiết nhưng phải có lộ trình phù hợp, đồng bộ và nhất quán. Bởi thực tế cho thấy, có những vấn đề mà ý chí chủ quan không chi phối được, mà phải có giải pháp mang tính thị trường.

 

“Cần phải làm đến cùng, thẳng tay”

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng

Việc NHNN giới hạn thành phần tham gia thị trường vàng với những tiêu chí, điều kiện nhất định để kiểm soát là cần thiết để tái lập trật tự thị trường vàng. Dĩ nhiên, những biện pháp này có thể mang tính chất hành chính, nhưng giá vàng đã bắt đầu nhích lại gần hơn giá vàng thế giới, nghĩa là đã có xu hướng đi đến sự ổn định.

Mặc dầu tiềm tàng có chuyện lách luật, nhưng thực tế, việc đó đã từng xảy ra và sẽ là tác dụng phụ của biện pháp ổn định thị trường. Trong ngắn hạn, việc lập lại trật tự thị trường trong nước phải được ưu tiên.

Thực tế, Thanh tra NHNN cũng không đủ sức và không đủ nhân lực để giám sát mọi hoạt động lách luật, nên các cơ quan chức năng khác, đặc biệt là an ninh kinh tế cần vào cuộc để giúp sức cho NHNN. Mọi việc cần phải làm đến cùng, thẳng tay, chứ không thể vì một phản ứng nào đó mà “chùn bước”.

 

“NHNN sẽ theo dõi và chỉnh sửa lại một số điểm để giao dịch thông suốt”

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN

NHNN không quy định về giấy chứng nhận để nhận biết các cửa hàng là điểm kinh doanh vàng được phép, tuy nhiên, đã yêu cầu các TCTD và DN sao bản giấy phép có danh sách cửa hàng công chứng và treo ở điểm bán hàng.

NHNN không mong việc vận hành thị trường “êm ru” ngay, nhưng sẽ theo dõi, thăm dò thêm tình hình và chỉnh sửa lại một số điểm để hệ thống giao dịch có thể thông suốt hoàn toàn. NHNN sẽ kiên quyết thực hiện để bảo vệ người tiêu dùng mua, bán vàng, đồng thời thu được thuế. Việc thiết lập hệ thống kinh doanh vàng mới không gắn liền với bình ổn giá vàng hoặc bám sát giá vàng thế giới. Muốn giá vàng trong và ngoài nước gần nhau thì chỉ có cách NHNN tham gia vào thị trường với vai trò kiến tạo và người mua bán cuối cùng. Đây là vấn đề lớn và chưa thể giải quyết ngay, vì NHNN còn phải cân đối với nhiều vấn đề khác.