Khi lòng tham trỗi dậy

Theo Vietstock

Những nhà đầu tư có thói quen hô hào nghỉ tết sớm sẽ có nhiều cơ hội để sửa sai. Bởi thị trường sẽ khiến cho nhà đầu tư “mất tết”, hay chính xác hơn là chính lòng tham của nhà đầu tư sẽ làm cho họ không còn tâm trạng nào để sắm sửa tết nữa.

Khi lòng tham trỗi dậy
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những kẻ thích trỗi dậy

Câu chuyện tuần này nên được bắt đầu bằng một khái niệm mà giới điều hành háo danh của Trung Quốc mới sáng chế ra: “Trung Quốc trỗi dậy”. Nguồn cơn của khái niệm mới mẻ này là do bối cảnh đậm đà suy thoái của nền kinh tế thế giới, mà Đại lục Trung Hoa là một phần trong đó. Nhưng những người hãnh tiến lại không bao giờ muốn bằng vai phải lứa với những gì thấp kém. Vậy là chỉ tiêu GDP vẫn đều đặn được “quyết tâm” nâng đến mức 8-9% trong năm 2013 như một sự phục hồi hết sức ấn tượng của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - tất nhiên chỉ trên danh nghĩa. Mức tăng GDP đó, nếu đạt được, sẽ gấp đến gần ba lần so với Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển khác ở phương Tây.

Cùng với sự “trỗi dậy” như thế, gần đây thị trường chứng khoán Thượng Hải cũng có được vài ba phiên bứt phá.

Trong khi đó, lòng tham của các nhà đầu tư Việt cũng bắt đầu trỗi lên. Từ cuối sóng tăng thứ nhất của chứng khoán nước nhà vào giữa tháng Giêng năm nay, đã manh nha hình thành những “chiến dịch” đẩy giá cổ phiếu nhỏ. Hàng loạt mã, trong đó dĩ nhiên phải có mặt các cổ phiếu bất động sản, được đánh lên tăng trần cho bằng vai phải lứa với nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng vốn tăng mạnh trước đó. Ngay trong phiên cuối tuần trước, bỏ qua ảnh hưởng mờ nhạt tại sàn Hà Nội, khá nhiều cổ phiếu trên sàn HOSE đã tạo ra không khí quyến rũ, khơi dậy tình cảm quyến luyến quen thuộc đối với các nhà đầu tư.

Để thu thập được tiền của thiên hạ, VNI không tiếc gì hàng chục điểm bốc đồng của nhóm cổ phiếu large-cap. Phiên cuối tuần trước cũng đặc trưng cho một sự phân hóa hiếm thấy giữa hai sàn trong sóng lên, khi VNI tăng gấp gần 5 lần so với chỉ số HNX.

Hiệu ứng sóng tăng 2

Hiệu ứng sóng tăng 2 đã bắt đầu lan tỏa. Dù muốn hay không, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không thể đứng ngoài, không thể hoàn toàn bàng quan với thời cuộc, càng không thể chờ đợi để chiêm nghiệm nhận định của công ty chứng khoán X hay Y đúng hay sai rồi mới quyết định vào hàng. Mà gần như trái ngược với tâm thế thận trọng hoặc chán nản trong bốn phiên suy giảm trước đó của thị trường, nhiều nhà đầu tư đã len lén mua. Mua rỉ rả, nhưng vẫn là mua.

Vừa mua vừa run – một loại hình tâm lý mà chúng ta đã quá gần gũi. Thị trường tăng, vậy là cầu nguyện và tạ ơn trời phật… Lời tạ ơn đó có thể càng chí lý khi chỉ số VNI, khác khá nhiều với HNX, đã vượt qua đỉnh gần nhất của nó. Đó là dấu hiệu gì vậy? Lẽ dĩ nhiên, vào lúc này chỉ có thể nói đến tín hiệu lạc quan về kỹ thuật. Chỉ cầu trời cho tất cả những phân tích kỹ thuật đừng bị trôi sông nếu vào một lúc nào đó, thị trường bất ngờ bị “buông”.

Cổ phiếu bất động sản?

Toàn bộ khung cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang lồng trong bầu không khí đồng pha quá thuận lợi với các chỉ số chứng khoán Mỹ. Chẳng mấy chốc, S&P chỉ còn cách đỉnh lịch sử vào tháng 10/2007 có 3-4%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq đã vượt đỉnh lịch sử này từ lâu và đang dần “vươn lên những tầm cao mới”. Những nhà đầu tư thiên về trường phái phân tích tình hình vĩ mô quốc tế cũng có thể tính đến vận hành trơn tru của Hang Seng, Nikkei và hàng loạt chỉ số chứng khoán của thị trường các quốc gia mới nổi.

Chỉ có điều hơi đáng tiếc, vĩ mô thế giới lại gần như là nhân tố duy nhất tác động đến tâm lý chứng khoán của Việt Nam vào thời điểm này. Trong khi đó ở nội địa, sự thất vọng đáng lý nên phủ trùm khi bất chấp những chính sách dồn dập về hồi sinh thị trường bất động sản đang giãy chết, khối nhà đất im lìm như một bóng ma vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào thoát khỏi ngắc ngoải.

Những nhà đầu tư thiên về trường phái thông tin trong nước có thể lấy đó làm thất vọng, cũng như không mấy hiểu rõ tại sao nhóm cổ phiếu bất động sản lại được săn đón một cách đầy nhiệt tình, được đánh lên một cách đầy lộ liễu và được tái hiện đầy đủ hình ảnh nóng bỏng của chúng như trong con sóng tạm phục hồi vào bốn tháng đầu năm 2012.

Kể cả trong những tháng tới đây… Nếu không có gì thay đổi, không có gì “bất khả kháng”, nhóm cổ phiếu bất động sản, với ít nhất phân nửa số doanh nghiệp niêm yết lỗ lã bò bê, sẽ trở thành nhóm hàng “hot” không phải bàn cãi.

Mất tết?

Còn vào lúc này đây, những nhà đầu tư đã bỏ lỡ con sóng tăng đầu tiên, hoặc những người chưa kịp vào hàng trong trận đánh xuống vừa qua, lại đang hối tiếc và phiền muộn về thái độ quá ư thận trọng của mình. Ngược lại, hỉ hả có điều kiện là tâm trạng của những kẻ bắt đáy thành công, hoặc cũng gần như thế.

Biết sao được, chứng khoán vẫn luôn là như thế, lòng tham vẫn luôn phải đối chọi với một sự sợ hãi mơ hồ nào đó, đặc biệt ứng với thị trường Việt Nam đầy rẫy những điều không thể hiểu nổi.

Không khác cái tết năm ngoái, người ta có thể chứng kiến một sự kiện sống động nào đó vào những ngày cận tết năm nay. Những nhà đầu tư mà trước đó có thói quen hô hào nghỉ tết sớm sẽ có nhiều cơ hội để sửa sai. Bởi nhiều khả năng, thị trường sẽ khiến cho nhà đầu tư “mất tết”, hay chính xác hơn là chính lòng tham của nhà đầu tư sẽ làm cho họ không còn tâm trạng nào để sắm sửa tết nữa.

Cần nhắc lại, nếu không có gì “bất khả kháng”, rất nhiều khả năng sóng tăng hai đã bắt đầu, thậm chí sóng tăng này có thể làm nên một cú sốc trong thời gian ngắn ngủi sắp tới. Yếu tố cộng hưởng đã hình thành giữa nhóm cổ phiếu nhỏ với các cổ phiếu lớn, dòng tiền cá nhân cũng đang dần manh động rút ra khỏi nơi trú ẩn để thảy vào chỗ quá dễ mất mát.

Nhưng một khi thị trường đã vào đà tăng, không mấy ai còn quá chú tâm đến rủi ro đó nữa.