Khó tránh nghẽn ATM

Theo Người Lao động

Tình trạng quá tải sẽ khó tránh vào dịp Tết Nguyên đán khi lượng giao dịch qua máy ATM tăng mạnh..

Khó tránh nghẽn ATM
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Từ đầu tháng 12, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cấp tập lên kế hoạch chống nghẽn mạng máy ATM dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Tuy dịp Tết Dương lịch, tình trạng nghẽn mạng xảy ra không quá nghiêm trọng nhưng nhiều chủ thẻ vẫn rất bức xúc vì không rút được tiền.

Vẫn điệp khúc “hết tiền, ngưng giao dịch”

Chuyện hệ thống máy ATM hết tiền, ngưng giao dịch đã trở nên phổ biến dịp lễ, Tết nhất là khu vực tập trung đông dân cư, các khu chế xuất, khu công nghiệp… Chị Lê Hà, nhà ở quận 7 - TP. Hồ Chí Minh, cho biết chiều tối 1/1 (Tết Dương lịch), chị chạy từ cơ quan trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận về nhà ở quận 7 nhưng ghé vào 3 máy ATM của Ngân hàng thương mại Cổ phần (NHTMCP) Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đều không rút được tiền.

Điểm đầu tiên trên đường Nguyễn Văn Giai, quận Bình Thạnh, giao dịch không thành công; đến máy ATM trên đường Khánh Hội, quận 4 rồi cây ATM thứ 3 trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 chị mới đọc được thông báo:  Ngân hàng tạm ngừng giao dịch để quyết toán cuối năm từ 17 giờ đến 19 giờ 30 phút. Mừng vì đã là 21 giờ 30 phút, chị vào rút tiền nhưng vẫn điệp khúc “giao dịch không thành công”...

Trưởng phòng thẻ một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh nhận xét hằng năm, Tết Dương lịch người dân thường chi tiêu không nhiều nên tình trạng nghẽn máy ATM chưa nghiêm trọng. Tuy nhiên, vào dịp Tết Nguyên đán, khi lượng giao dịch tăng gấp hàng chục lần ngày thường, các máy ATM nhận cả triệu lượt giao dịch/ngày… thì tình trạng hết tiền, ngừng giao dịch, khách phải xếp hàng chờ đến lượt là khó tránh.

Trước tình hình này, ngay từ tháng 12/2012, các NHTM đã triển khai kế hoạch chống nghẽn máy ATM dịp Tết bằng cách tăng cường lắp đặt thêm máy ATM tại những khu vực đông dân cư, các khu công nghiệp, khu chế xuất có lượng giao dịch lớn, sắp xếp lại máy từ nơi kém hiệu quả sang nơi có nhu cầu cao hơn, tăng giờ làm việc, tiếp quỹ mỗi ngày…

Ông Dương Ngọc Minh, quyền Giám đốc Trung tâm Thẻ NHTMCP Đông Á cho biết, Ngân hàng đã triển khai đạt khoảng 95% kế hoạch với nhiều giải pháp như tổ chức trực máy ATM 24/24 giờ, cử 6 đội tiếp quỹ làm việc liên tục, sắp xếp lại hệ thống máy ATM. Khi có máy nào hết tiền, hệ thống sẽ báo về trung tâm thẻ để nạp tiền ngay, bảo đảm hoạt động của buồng ATM liên tục…

Có lỗi của doanh nghiệp và ngân hàng “xài ké”

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có hơn 47 triệu thẻ ghi nợ nội địa (ATM) nhưng chỉ có khoảng 14.000 máy ATM. Theo các NHTMCP có quy mô lớn, hiện một số ngân hàng nhỏ chỉ lo phát hành thẻ, không đầu tư hệ thống máy ATM mà chấp nhận “xài ké” máy của ngân hàng khác. Do vậy, không những người rút tiền phải trả phí rút tiền ngoại mạng từ máy ATM ngân hàng khác mà còn tạo áp lực thêm cho hệ thống ATM khi một lượng khách hàng lớn giao dịch mà ngân hàng (chủ máy) không kiểm soát được. Phí rút tiền ngoại mạng 3.300 đồng/giao dịch cũng không đủ bù đắp chi phí đầu tư máy ATM.

Ngoài ra, tuy áp dụng nhiều phương án nhưng lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận nếu khách hàng cứ đổ dồn vào rút tiền mấy ngày cận Tết thì không cách nào chống đỡ nổi tình trạng nghẽn, hết tiền, xếp hàng…

Theo ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng máy ATM NHTMCP Ngoại thương Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, vào dịp Tết hằng năm, doanh nghiệplo công nhân bỏ về quê sớm nên thường chờ tới ngày cuối mới chi lương, thưởng. Điều này gây nhiều khó khăn cho công nhân trong việc rút tiền mặt từ máy ATM. Để giảm áp lực, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nên sắp xếp chi trả lương cho công nhân vào nhiều ngày khác nhau thay vì chỉ dồn vào một số ngày cận Tết.

Đồng thời, cho phép công nhân được rút tiền tại nhiều thời điểm trong ngày chứ không ồ ạt giao dịch, rút tiền vào giờ tan tầm, cuối ngày như mọi năm… “Doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm với nhân viên trong việc trả lương chứ không đổ dồn hết lên hệ thống máy ATM của ngân hàng” - ông Hà nói.