Khối ngoại “chuyển động” trước thông tin mở room

Theo CafeF

Từ đầu năm đến nay khối ngoại đã mua ròng gần 90 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, tương đương hơn 1.840 tỷ đồng. Tính riêng tháng 1, khối ngoại đổ thêm vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam gần 2.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đã lâu lắm rồi TTCK Việt Nam mới có cảm giác hưng phấn như lúc này. KLGD 2 sàn từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng/phiên, VN-Index chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm 2013 tăng từ 400 điểm lên 468 điểm (mức tăng 17%), vượt xa lợi nhuận của các kênh đầu tư khác.

Để có được mức tăng “thần kỳ” như vậy, ngoài các yếu tố về mặt tâm lý khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng Bộ Tài chính liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ TTCK như nâng biên độ hai sàn, giảm phí lưu ký, nới margin; Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất…thì một phần đóng góp không nhỏ để thị trường tăng điểm chính là nguồn vốn ngoại.

Khi các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam liên tục được giao dịch trên thị trường nước ngoài với thị giá vượt NAV, điều này chứng tỏ rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng về TTCK Việt Nam và tiếp tục “đổ tiền” vào thị trường này.

1 tháng khối ngoại mua ròng 2.000 tỷ đồng

Chỉ tính riêng 18 phiên giao dịch trong tháng 1/2013 (tính đến ngày 25/1), khối ngoại đã mua ròng hơn 100,77 triệu cổ phiếu trên hai sàn, với tổng giá trị mua ròng đạt 1.990 tỷ đồng; trong đó mua ròng trên HoSE 1.842 tỷ đồng và mua ròng trên sàn Hà Nội 148 tỷ đồng.

Rõ ràng lượng vốn đổ vào sàn HoSE gấp nhiều lần so với sàn Hà Nội, và chỉ số VN-Index cũng tăng vượt trội so với đà tăng của HNX-Index. Điều này được nhìn thấy rõ nhất trong phiên giao dịch cuối tuần trước khi bluechips vốn hóa lớn sàn HOSE tăng trần đồng loạt ( GAS , BVH, MSN, CTG ) đẩy VN-Index tăng hơn 3% thì các cổ phiếu dẫn dắt sàn Hà Nội chỉ tăng nhẹ 100 đồng, đứng giá hoặc thậm chí giảm điểm (như PVX).

Chuỗi mua ròng của khối ngoại trên sàn HoSE đã kéo dài 24 phiên liên tiếp, và đã có dấu hiệu chùng xuống vào cuối tuần qua sau khi VN-Index điều chỉnh 4 phiên từ 465 điểm xuống 443 điểm; tuy nhiên thông tin room khối ngoại có khả năng được mở thêm 10% dưới hình thức cổ phiếu không có quyền biểu quyết đã khiến khối ngoại lại mạnh tay mua vào cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 9 triệu cổ phiếu, gấp 3 lần phiên trước đó với giá trị mua ròng hơn 180 tỷ đồng trên sàn HOSe và 9 tỷ đồng sàn Hà Nội. Các mã được mua ròng mạnh nhất là ITA , CTG, KBC , HAG, HPG và GAS…

Đánh giá tác động của việc nới room

Việc mở room ngoại (nếu suôn sẻ sẽ được thực hiện ngay trong quý I/2013) là điều mà thị trường chờ đợi đã lâu tuy nhiên theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, tác động của việc sử dụng cổ phiếu không có quyền biểu quyết nhằm nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ là hạn chế và tùy thuộc vào từng cổ phiếu cụ thể.

Theo HSC, tại các thị trường chứng khoán ở các quốc gia khác, cổ phiếu không có quyền biểu quyết có mã chứng khoán riêng và được giao dịch riêng với cổ phiếu có quyền biểu quyết và có giá thấp hơn (nhiều trường hợp thấp hơn đến 30%) so với cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Và trong trường hợp hiện tại của Việt Nam, việc phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết có thể sẽ làm giảm chênh lệch giá giao dịch của cổ phiếu có room dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã hết so với giá thị trường của chính cổ phiếu đó. Và điều này có thể sẽ khiến một số cổ đông nước ngoài hiện hữu không muốn thông qua việc tăng vốn vì sẽ làm giảm lợi nhuận tiềm năng của mình. Tuy nhiên, có lẽ cuối cùng thì một đề xuất nâng vốn như trên vẫn sẽ được thông qua và việc cải cách (mở room) là đáng hoan nghênh.

HSC kỳ vọng UBCKNN và Bộ Tài chính trong tương lai có thể có những cải cách sâu hơn (chẳng hạn cho phép sử dụng chứng khoán phái sinh không có quyền biểu quyết).

Một trong 8 giải pháp mà UBCKNN đề xuất với Bộ Tài chính – trong đó có việc “mở cửa” thu hút vốn ngoại – đang dần được hiện thực hóa. Và trong các giải pháp đó UBCKNN có đề xuất khối ngoại được nắm giữ từ 49%-100% vốn của công ty chứng khoán (hiện Luật quy định khối ngoại nếu nắm trên 49% vốn thì phải thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) và điều này gây khó dễ khá nhiều cho các công ty chứng khoán muốn thu hút vốn ngoại – đặc biệt các công ty chứng khoán đang niêm yết. Nếu đề xuất này được thông qua, các công ty chứng khoán đã hết room như SSI hay HCM chắc chắn được hưởng lợi.

Về việc nới room ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 69 có bổ sung quy định mở room ngân hàng tại tổ chức tín dụng yếu kém đối với từng trường hợp cụ thể, còn đối với các ngân hàng lành mạnh thì Ngân hàng Nhà nước không đề cập đến.