Khối ngoại "đổ" mạnh tiền, "gắn bó" với chứng khoán Việt

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Đến thời điểm này gần như đã có thể khẳng định về xu hướng giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2013 vẫn là mua ròng, đánh dấu thêm một năm gắn bó nữa của khối này.

Khối ngoại "đổ" mạnh tiền, "gắn bó" với chứng khoán Việt
Khối NĐTNN đã mua vào hơn 42.057 tỷ đồng từ đầu năm 2013 đến nay. Nguồn: internet

HoSE: Giá trị mua ròng vượt năm 2012 

Chưa đầy 10 phiên giao dịch nữa chứng khoán sẽ khép lại năm 2013. Một năm tuy kinh tế vẫn còn nhiều thách thức nhưng có thể nói chứng khoán đã hồi phục ấn tượng, không chỉ về mặt điểm số mà thanh khoản cũng được duy trì tốt. Trong đó có sự tác động nhất định từ yếu tố khối ngoại khi họ tiếp tục duy trì xu hướng mua ròng với dòng tiền tăng đáng kể so với năm 2012, 2011.

Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2012, VN-Index chốt mức 413,73 điểm. Trong năm 2012, khối ngoại đã mua vào hơn 32.351 tỷ đồng, bán ra hơn 29.029 tỷ đồng và như vậy họ đã thực hiện mua ròng hơn 3.321 tỷ đồng. Con số mua ròng của năm trước đó (2011) chỉ đạt hơn 1.128 tỷ đồng.

Bước sang năm 2013, tuy vẫn có những tháng bán ròng, tuy nhiên nhìn chung xu hướng mua ròng vẫn là chủ đạo.

Theo đó, khối ngoại chỉ bán ròng trong tháng 2 với giá trị không đáng kể. Trước đó trong tháng 1, NĐTNN đã mua vào hơn 205 triệu đơn vị, ứng với giá trị hơn 5.375 tỷ đồng, trong khi đó chỉ bán ra với khối lượng là hơn 84,95 triệu đơn vị, ứng với giá trị hơn 2.854 tỷ đồng. Như vậy khối này đã mua ròng hơn 120 triệu đơn vị với giá trị mua ròng là hơn 2.500 tỷ đồng.

Trong các tháng 3, 4 và 5, khối này liên tiếp mua ròng với các giá trị mua ròng lần lượt là 1.168 tỷ đồng, 286 tỷ đồng và 1.296 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn “nhắm” ở các “món” quen thuộc là blue-chips. Cụ thể, các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên sàn này gồm MSN đạt hơn 722 tỷ đồng, VIC (hơn 556 tỷ đồng), GAS (hơn 500 tỷ đồng), DPM (hơn 462 tỷ đồng)… Ở nhóm bán ròng, họ “loại” mạnh ở CTG (hơn 398tỷ đồng), REE (hơn 106 tỷ đồng)…

Cũng trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2013, diễn biến của VN-Index khá ấn tượng. Cụ thể so với mức 418,35 (phiên 2/1) thì VN-Index đã tăng lên mức 518,39 (31/5), tức là đã tích lũy được 100,04 điểm. 

Khối ngoại "đổ" mạnh tiền, "gắn bó" với chứng khoán Việt - Ảnh 1

3 tháng giữa năm 2013: Gia tăng bán ròng - VN-Index mất một số “vốn liếng”

Không phải vô cớ khi cho rằng khối ngoại có tác động đáng kể lên chỉ số VN-Index. Bởi khối này đa phần mua bán ở các mã blue-chip vốn có ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường. Do đó, khi chuyển hướng bán ròng liên tiếp trong ba tháng 6,7,8 thì chỉ số trên HoSE cũng ghi nhận bị điều chỉnh giảm mất một lượng điểm số.

Cụ thể, bước sáng tháng 6, NĐTNN đã thực hiện mua vào hơn 113 triệu đơn vị, ứng với giá trị 3.629 tỷ đồng, trong khi đó lượng chứng khoán bán ra lên tới 204 triệu đơn vị, ứng với 5.400 tỷ đồng. Và như vậy, khối này đã bán ròng 91 triệu đơn vị, giá trị bán ròng là 1.771 tỷ đồng.

Trong tháng 7, khối này tiếp tục bán ròng với khối lượng bán ròng là hơn 17 triệu đơn vị, giá trị bán ròng là 329 tỷ đồng. Con số này trong tháng 8 là 786 tỷ đồng về giá trị bán ròng.

Dù là mua hay bán ròng thì khối ngoại vẫn giao dịch chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn. Theo đó, trong giai đoạn này, NĐTNN mua ròng với giá trị không lớn, ngoại trừ cổ phiếu GAS với 195 tỷ đồng. Ngược lại, một số cổ phiếu bị khối này xả ra như  HAG với 438 tỷ đồng, kế đến là BVH (312,7 tỷ đồng) và DPM (293,2 tỷ đồng)…

Thống kê cho thấy, VN-Index từ mức 517,03 điểm (1/6) đã giảm 44,33 điểm và về mức 472,70 điểm trong phiên giao dịch cuối tháng 8.

Từ tháng 9 đến giữa tháng 12: Lại liên tục mua ròng - VN-index cũng “leo thang”

Bước sang tháng 9, NĐTNN đã trở lại xu hướng mua ròng trên sàn TpHCM và duy trì động thái này cho tới nay.

Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 560 tỷ đồng trong tháng 9. Con số này đã tăng lên mức 996 tỷ đồng trong tháng 10 và đạt mức 355 tỷ đồng trong tháng kế tiếp. Và trong hơn nửa tháng 12 này, con số bán ròng khá khiêm tốn, chỉ ở mức 16 tỷ đồng.

Không thay đổi trong chiến lược của mình, khối ngoại vẫn mua bán ở nhóm trụ cột trên HoSE. Cụ thể, trong những tháng cuối năm họ mua vào các mã HPG với 334 tỷ đồng, DRC (hơn 242 tỷ đồng), GMD (hơn 232 tỷ đồng)...

Có thể dễ dàng giải thích về việc trở lại mua ròng của khối ngoại trong những tháng cuối năm. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là việc Chính phủ đang xem xét việc nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Theo thống kê, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 200 triệu USD giá trị cổ phiếu Việt Nam trong 11 tháng năm 2013, trong khi dòng vốn nước ngoài lại rút ra khỏi một số thị trường trong khu vực. Điều này cho thấy chứng khoán Việt vẫn đang hấp dẫn với NĐTNN. 

“Thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là nơi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì kinh tế vĩ mô ổn định trở lại với tăng trưởng dần hồi phục, mức định giá của các công ty niêm yết thấp hơn so với khu vực cùng với tiềm năng tăng trưởng cao của các công ty”, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, cho biết.

Trở lại diễn biến của VN-Index trong giai đoạn này, sau khi điều chỉnh ở 3 tháng giữa năm thì VN-Index đảo chiều lên điểm khá tốt. Nếu như chốt phiên đầu tháng 9, VN-Index đang ở mức 472,17 điểm thì đóng cửa phiên hôm 17/12 vừa qua, chỉ số này đã đạt 505,67 điểm, tức đã tăng 33,5 điểm. 

Tuy nhiên, khác với giai đoạn đầu năm, việc tăng điểm của Vn-Index cuối năm được nhìn nhận là không bị ảnh hưởng mạnh từ giao dịch của khối ngoại. Bởi thanh khoản trên thị trường đạt cao trong mỗi phiên là do dòng tiền nội được đổ mạnh vào các cổ phiếu mang tính đầu cơ. Nhiều mã trong nhóm này phi giá liên tiếp nhiều phiên trong tháng 10 và 11, sau đó nguội dần trong những phiên đầu tháng 12.

Tổng kết lại, khối NĐTNN đã mua vào hơn 42.057 tỷ đồng, bán ra hơn 37.743 tỷ đồng, qua đó mua ròng hơn 4.313 tỷ đồng từ đầu năm 2013 đến nay.

Con số trên tuy không “khủng” bằng mức hơn 15.253 tỷ đồng của năm 2010 nhưng cũng đáng ghi nhận trong bối cảnh suy thoái toàn cầu mới được khắc phục và kinh tế Việt Nam dần có những chuyển biến tích cực. 

Và xu hướng mua ròng cho thấy khối ngoại vẫn kỳ vọng và lạc quan vào nền kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán Việt nói riêng.