Cần xử lý nhanh

Với con số nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng đạt mức trên 200 nghìn tỷ đồng như công bố của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang là mối quan ngại của dư luận. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, nợ xấu tính chung trong toàn hệ thống dù tăng (chiếm 8,6% tổng dư nợ) nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Trong tổng số nợ nói trên trên, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn (nhóm 5) chiếm khoảng 40% tổng số nợ xấu. Nhưng không có nghĩa tất cả đều chắc chắn mất vốn bởi nợ nhóm 5 cũng đã được trích lập dự phòng rủi ro tương đối đầy đủ theo quy định và nợ nhóm 5 cũng có tài sản đảm bảo tương đối cao. Theo đánh giá của NHNN, nợ xấu chủ yếu nằm ở sản xuất công nghiệp xây dựng. Đây là lĩnh vực bị tác động bởi sự đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản (BĐS), kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng giảm, hay sự khó khăn trong tiếp cận vốn đầu tư, tổng đầu tư toàn xã hội tăng chậm dẫn đến nợ xấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp xây dựng gia tăng.

Tính đến cuối tháng 5/2012, dư nợ cho vay BĐS là 197.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ không quá lớn trên tổng dư nợ 2,6 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, khối lượng nợ xấu cho vay kinh doanh đầu tư BĐS cỡ khoảng 12.000 tỷ đồng, tương đương 6,5% dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS và con số nợ xấu cho vay BĐS chiếm 10,3% tổng nợ xấu của hệ thống theo báo cáo của các TCTD. Trong số dư nợ cho vay BĐS, có 84% được bảo đảm bằng tài sản, giá trị tài sản bảo đảm bằng 135% trên tổng số nợ xấu có giá trị tài sản bảo đảm. Nếu chỉ xét riêng khoản nợ xấu bảo đảm tài sản bằng BĐS thì tỷ lệ này khoảng 180%. Hiện dự phòng rủi ro được trích lập tính tới 31/5/2012 khoảng 67.300 tỷ đồng tương đương 57,2% đây là một tỷ lệ khá cao. Như vậy, các món nợ về cơ bản có tài sản đảm bảo và trích lập dự phòng đầy đủ. Đối với cho vay kinh doanh chứng khoán, đến 31/5/2012 dư nợ còn khoảng gần 12.000 tỷ đồng, nợ xấu ở mức thấp khoảng 485 tỷ đồng.

Mặc dù nợ xấu đang nằm trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn cần phải xử lý nhanh, đưa ra khỏi “cơ thể” của hệ thống ngân hàng để đảm bảo an toàn. Bởi, nợ xấu càng kéo dài thì các chi phí bỏ ra về mặt hữu hình và vô hình đối với xử lý nợ xấu càng lớn.

Khơi thông dòng vốn

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc xử lý nợ xấu cần phải làm ngay, không chỉ vì lành mạnh hóa, tái cơ cấu tổ chức tài chính và nền kinh tế mà còn vì lòng tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trước mắt, cần phải làm rõ được số liệu nợ xấu là bao nhiêu? Nợ này rơi vào nhóm DN nào? Mức độ của các món nợ này xấu đến đâu?... từ đó mới đưa ra các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, chính bản thân mỗi ngân hàng cũng cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, cần nhìn thẳng, trung thực với các khoản nợ của mình, không nên giấu nợ.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành ngân hàng Việt Nam đối mặt với bài toán nợ xấu và bản thân các nước trên thế giới sau mỗi lần khủng hoảng cũng đều phải giải bài toán này. Trước đây, NHNN đã sử dụng biện pháp khoanh nợ, giãn nợ để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam khi mà nợ xấu chủ yếu nằm trong khối DNNN. Tuy nhiên, biện pháp này trong thời điểm hiện nay không còn khả năng áp dụng bởi nợ xấu nằm ở rất nhiều loại hình DN khác nhau.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, chủ sở hữu và ngân hàng có thể mất tiền từ quỹ dự phòng, vốn chủ sở hữu, sử dụng lợi nhuận của mình để trang trải nợ xấu, phần còn lại sẽ bán cho các đối tượng khác, trong đó có Nhà nước. Ngân hàng cũng là DN và khi kinh doanh thiếu hiệu quả, lâm vào tình trạng nợ xấu cao thì phải “tự trả giá”. Cụ thể là nợ xấu phải bán theo nguyên tắc thị trường, không phải bao cấp hay trợ cấp cho các chủ sở hữu ngân hàng, ngân sách chỉ mua khi cần thiết và cũng theo giá thị trường chứ không theo giá sổ sách. Khi xử lý nợ xấu, phải phân định rõ trách nhiệm của các bên ngay từ đầu, điều kiện nào để được mua lại nợ, để tránh tình trạng các ngân hàng lợi dụng dồn hết nợ xấu cho Nhà nước.

Một trong những giải pháp được đề cập đến nhiều trong xử lý nợ xấu tại thời điểm hiện nay là sử dụng công ty mua bán nợ xấu, như nhiều nước đã từng làm rất thành công sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Tại Việt Nam, đã có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoạt động rất hiệu quả trong việc xử lý nợ và tái cơ cấu DN, nhưng để tận dụng được kinh nghiệm, nền tảng nguồn nhân lực trong xử lý các khoản nợ lớn tại ngân hàng thì cần phải tăng vốn, tăng quyền và nên đặt trọng tâm việc xử lý nợ xấu vào DATC. Kèm theo đó, phải chuyển đổi mô hình hoạt động của DATC thành Công ty Mua bán nợ Quốc gia.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ của TCTD, vừa qua, NHNN đã có Văn bản số 2871/ NHNN-TD yêu cầu 14 ngân hàng trong nhóm “G14” gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, MB, MSB, VPBank, VIB, SeABank và SHB thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động, trong đó yêu cầu các NHTM chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ theo các quy định hiện hành; thực hiện mua, bán nợ theo Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21/02/2006. Điểm mấu chốt của Văn bản này là cho phép 14 ngân hàng mua bán nợ dưới dạng cho DN vay và nợ của các TCTD vay lẫn nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, các ngân hàng mạnh cũng chỉ có thể xử lý được các khoản nợ của ngân hàng mình và rất hạn chế mua nợ của ngân hàng khác.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, điều quan trọng trong xử lý nợ là chúng ta phải sớm công khai, minh bạch hóa nhóm ngân hàng gây nên nợ xấu lớn của toàn hệ thống để từ đó Chính phủ đưa ra những quyết sách mang tính dứt khoát. Phải minh bạch, công khai những con số trên thật chi tiết thì chúng ta mới giải quyết được, nếu không nguy cơ tín dụng đen bao trùm trở lại là rất lớn.

Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 10-2012

Khơi thông điểm nghẽn

Trần Thị Lưu Tâm

(Tài chính) Nợ xấu tại các ngân hàng là vấn đề nóng trong bối cảnh hiện nay, nó được ví như vật cản dòng vốn trong cơ thể nền kinh tế Việt Nam. Và xử lý nợ xấu đang được các ngân hàng vào cuộc, không chỉ nhằm khai thông các điễm nghẽn mà còn tạo dựng niềm tin trong kinh doanh...

Xem thêm

Video nổi bật