Không có nguy cơ lạm phát 2 con số

Theo Dân Trí

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng qua đã tăng tới 7,57%. Sức ép làm tăng chỉ số CPI của Việt Nam trong những tháng tới nhìn chung sẽ đa dạng, khó lường nhưng chắc chắc sẽ không có nguy cơ lạm phát cao trên 2 con số.

Nhiều sức ép đa chiều
  Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: Điểm bất thường nổi bật của CPI những tháng qua là sự trồi sụt mạnh và đột ngột tại mỗi bước ngoặt bản lề giảm hoặc tăng giữa các “pha trong chu kỳ” CPI.
  Khi CPI đột ngột giảm trong đầu quý II/2010 gây “ngơ ngẩn” cho người tiêu dùng, thì việc CPI đột ngột tăng trong tháng cuối quý III/2010 cũng khiến mọi người “ngơ ngác” không kém.
  Hơn nữa, cần kể đến một số xu hướng “lội ngược dòng” với giá thế giới của giá cả một số mặt hàng có tính đặc thù cao trên thị trường, như giá sữa, giá xăng, dầu, giá ngoại hối…
  Đặc biệt, giá cả các mặt hàng nhà nước quản lý lại thường lên không đều và đồ thị lên, xuống theo hình bậc thang, giật từng nấc, nhất là xăng dầu, điện.
  Việc tăng giá sữa ở nhiều chủng loại mặt hàng thời gian gần đây, trong khi tồn kho của nhóm sản phẩm này tại thời điểm 1/8 so với cùng kỳ năm trước ở mức khá cao và giá sữa thế giới giảm trong tháng 8, cho thấy có hiện tượng tăng giá tâm lý và “té nước theo mưa”...
  Sức ép làm tăng chỉ số CPI của Việt Nam trong những tháng tới nhìn chung sẽ đa dạng, khó lường và chuyển mạnh trọng tâm vào sự cộng hưởng các tác động trực tiếp và gián tiếp, tức thời hay trễ muộn ít nhiều.
  Nguyên nhân do sự gia tăng không chỉ một lần các chi phí “đầu vào” như: tăng giá xăng, than, điện, nước, chi phí vận tải, mức tiền lương, lãi suất ngân hàng và các chi phí vốn của doanh nghiệp; tiếp tục tái thu, thậm chí tăng thu thuế (như thuế tài nguyên) và một số nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp; các nhân tố cả nội và ngoại khác gắn với hệ quả 2 chiều của các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng đã triển khai trong năm 2009 và còn tiếp diễn ở các mức độ khác nhau trong năm 2010.
  Ngay bản thân sự phục hồi nền kinh tế và gia tăng các nhu cầu về nguyên vật liệu sản xuất cũng khiến làm tăng giá các yếu tố giá cả - lạm phát ngoại nhập…
  Ngoài ra, kinh tế thế giới 2010 còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trên thị trường hàng hoá và tài chính - tiền tệ, sẽ còn làm tăng đồng thời các loại lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập như mặt trái. Hệ quả đi kèm tất yếu của tăng trưởng và toàn cầu hoá.
  Vẫn có những hy vọng bình ổn và giảm giá
  Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 10 đã tăng 1,05% so với tháng 9, đưa CPI 10 tháng qua tăng 7,58%, nhiệm vụ giữ mức tăng bình quân CPI khoảng 0,2%/tháng để đạt được mục tiêu 8% là rất khó.
  Vì xu hướng là CPI thường vẫn tăng vào cuối năm, nhất là các tháng sát tết dương lịch, do gia tăng đột biến các hoạt động đầu tư kinh doanh và tiêu dùng gắn với lễ, tết; cũng như quy mô và tốc độ giải ngân các dự án cho kịp năm tài chính, đặc biệt là từ nguồn đầu tư công.
  Tuy nhiên, vẫn có những hy vọng bình ổn và giảm giá trong thời gian tới gắn với thời điểm thu hoạch lúa gạo ở miền Bắc và khả năng giá xăng dầu từ nay đến cuối năm sẽ không tăng…
  Điều gần như chắc chắc là sẽ không có nguy cơ lạm phát cao trên 2 con số. Đồng thời, điều may mắn là trong bất luận trường hợp nào, thì lạm phát cao ngày nay cũng đã khác xa kiểu lạm phát mà Việt Nam đã đối diện trong những năm đầu đổi mới - thời kỳ mà nạn khan hiếm hàng hoá do năng lực sản xuất trong nước yếu kém, tình trạng phong toả, cát cứ kinh tế và những bất cập về thể chế khác đã gây những thiệt hại và ám ảnh nặng nề cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.
  Để kiềm chế vững chắc các động thái lạm phát theo mục tiêu đề ra trong những tháng cuối năm và thời gian tới, Chính phủ hiện đã có chỉ đạo thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ chủ yếu và các nhóm giải pháp lớn để khôi phục phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát cao.
  Theo đó, các Bộ và địa phương hữu quan phải chủ động, kịp thời can thiệp thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết để bảo đảm không xảy ra tình trọng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là rà soát cân đối cung - cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như: gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép…