Không để vàng tác động xấu đến nền kinh tế

Xuân Tuyến (Chinhphu.vn)

Trong phiên chất vấn ngày 13/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tập trung vào nội dung quản lý thị trường vàng theo cơ chế thị trường, việc đảm bảo nền kinh tế không bị vàng hóa, vàng được sử dụng đúng mục đích.

Không để vàng tác động xấu đến nền kinh tế

“Tính độc quyền nhà nước trong quản lý thị trường như thế nào? Việc đảm bảo lợi ích của người có vàng, người dùng vàng được tôn trọng. Thị trường kinh doanh vàng phát triển, quản lý nhà nước chặt chẽ”, là một số vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đặt ra với Thống đốc và các vị đại biểu Quốc hội.

Không liên thông với giá vàng thế giới

Đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra giải pháp để khắc phục sự chênh lệnh lớn, kéo dài giữa giá vàng trong nước và quốc tế; huy động vàng trong dân đầu tư vào phát triển kinh tế.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng sau khi có Nghị định 24 (hiệu lực từ 25/5/2012) cùng với Nghị định 95 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới rất lớn trước đây hầu như đã được ngăn chặn một cách rất cơ bản.

“Chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế không ảnh hưởng đến lạm phát, giá cả cũng như nền kinh tế của đất nước”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Thống đốc cũng khẳng định lại quan điểm sẽ không cho phép sử dụng vàng như một công cụ thanh toán để vàng không gây tác động xấu lên nền kinh tế như đã từng xảy ra.

“Để giá vàng liên thông với giá vàng thế giới có nghĩa là chúng ta chấp nhận trở thành thị trường đầu cơ về vàng, cái mà chúng ta đang chống, cái mà chúng ta đang vất vả bao lâu nay thì đến nay đã khắc phục được, cho nên không có việc liên thông với giá vàng thế giới”, Thống đốc bày tỏ.

Về những giải pháp huy động được lượng vàng đang có trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế, Thống đốc Nguyễn Văn Bình ước lượng: “1 tấn vàng khoảng 50 triệu USD. Nếu chúng ta có 300 tấn vàng thì tương đương 15 tỷ USD. Đây là một nguồn lực rất lớn”.

Thống đốc cho biết từ ngày 25/5-25/10, hệ thống các tổ chức tín dụng đã mua lại của người dân hơn 60 tấn vàng, tương đương khoảng 3 tỷ USD đã được chuyển hóa thành tiền đồng Việt Nam để phục vụ cho nền kinh tế.

Quản lý thị trường vàng theo 2 bước

Liên quan đến đề án quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đề án được chia thành hai bước.

Bước thứ nhất, chuẩn hóa vàng trên thị trường về một loại có chất lượng cao nhất, có uy tín nhất và cũng không loại trừ khả năng sau khi chuẩn hóa được lượng vàng này thì NHNN sẽ chính thức có mác vàng riêng của mình để phát hành song hành.

Bước thứ hai, theo Nghị định 24 toàn bộ mạng lưới buôn bán vàng miếng sẽ được cấp giấy phép và có tiêu chí về chất lượng do NHNN1 quy định.

Kết luận nhóm nội dung chất vấn về quản lý thị trường vàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chủ trương quản lý thị trường vàng, để thị trường phát triển nhưng dưới sự định hướng, quản lý của nhà nước.

“Tuyệt đối không cho dùng vàng để thanh toán”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và khẳng định sẽ không liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường quốc tế, nhưng chênh lệch giá với quốc tế phải được điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, NHNN cần có các giải pháp để phát triển thị trường vàng trang sức với ý nghĩa là hàng hóa.