Không lo cung - cầu ngoại tệ cuối năm

Theo thoibaonganhang.vn

Tỷ giá đang rất ổn định nhưng tâm lý doanh nghiệp lo tỷ giá VND/USD tăng vào cuối năm vẫn đang đè nặng lên thị trường.

Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng hiện tương đối tốt, đảm bảo cho hoạt động của các ngân hàng trôi chảy và bình thường.
Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng hiện tương đối tốt, đảm bảo cho hoạt động của các ngân hàng trôi chảy và bình thường.

Theo ông Phan Văn Chiến, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn TM&DV Đức Hoàng, dù rằng các ngân hàng đang duy trì tỷ giá ổn định nhưng nỗi lo tỷ giá cuối năm vẫn còn đối với ông.

Bởi, từ nay đến cuối năm, vẫn còn nhiều sự kiện tác động đến sự tăng tỷ giá như nhu cầu về USD của doanh nghiệp và người dân cao hơn những tháng trong năm. Hay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất là nguyên nhân tác động đến tỷ giá trong nước.

“Bây giờ kinh doanh khó khăn, đơn hàng giảm sút, tỷ giá chỉ cần nhích lên vài đồng cũng có thể đẩy doanh nghiệp vào thế khó”, ông Chiến chia sẻ.

Ngày 27/9 Vietcombank niêm yết giá mua, bán USD 22.270/22.340 đồng/USD giảm 20 đồng so với thời điểm ngày 21/9 ở cả hai chiều ngân hàng mua vào bán ra.

VietinBank, BIDV, ACB, Eximbank cũng đồng loạt giảm giá mua vào bán ra USD so với tuần trước. Trên thị trường tự do giá mua bán USD tiền mặt cũng giảm theo và các điểm thu mua ngoại tệ đang giao dịch ở mức 22.300/22.320 đồng/USD.

Tỷ giá hiện vẫn là một trong những biến số vĩ mô có tác động rất lớn đến tâm lý của doanh nghiệp, nhất là thời điểm cuối năm theo quy luật thường niên nhu cầu hàng hóa tăng cao. Theo đó, nếu giá ngoại tệ chỉ cần tăng nhẹ như tuần trước tâm lý thị trường đã cảm thấy bất an.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, diễn biến tỷ giá tiếp tục ổn định vì nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó đặc biệt là nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào.

Cụ thể, tính đến ngày 20/8/2016, vốn thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam khá lớn.

Theo ông Minh, cung - cầu ngoại tệ của doanh nghiệp sẽ không gặp khó khăn gì từ nay đến cuối năm. Vì trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng hiện tương đối tốt, đảm bảo cho hoạt động của các ngân hàng trôi chảy và bình thường.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành khảo sát tại một số ngân hàng lớn có quy mô về ngoại tệ cao để có thể đánh giá được biến động của tỷ giá cũng như diễn biến của thị trường ngoại tệ thời gian qua. Từ đó, có những biện pháp và chỉ đạo kịp thời để có thể can thiệp bình ổn thị trường.

Cùng quan điểm trong điều hành tỷ giá của NHNN suốt thời gian qua, một chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp không nên quá lo ngại về vấn đề tỷ giá biến động. Tuy nhiên, vị này cho rằng có thể đã đến thời điểm thích hợp để NHNN điều chỉnh giá tiền đồng.

Ý tưởng này bắt đầu với câu chuyện cán cân thương mại gần đây với con số xuất siêu 2,45 tỷ USD của nền kinh tế trong 8 tháng năm 2016. Con số có gì đó tương đồng với mức thặng dư thương mại 8 tháng đầu năm 2014 ở mức 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, cán cân xuất nhập khẩu hiện nay đang có một sự khác biệt rất lớn trong khối doanh nghiệp FDI và các công ty trong nước. Chẳng hạn: 8 tháng của năm 2014, khối doanh nghiệp FDI thặng dư thương mại là 6,7 tỷ USD, khối trong doanh nghiệp nước thâm hụt khoảng 3,9 tỷ USD.

Tỷ lệ này hai năm sau lần lượt là 14,1 tỷ USD (thặng dư của khối doanh nghiệp FDI) và 12,1 tỷ USD (thâm hụt của doanh nghiệp trong nước). Thực  tế này một phần do giá cả hàng hóa đi xuống khiến giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm giá mạnh.

Một lo ngại khác có thể khiến tỷ giá biến động là kim ngạch xuất khẩu được dự báo gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn cuối năm nay, khiến nguồn cung USD ở mức thấp và đưa cán cân thương mại 6 tháng cuối năm thâm hụt. Tình trạng này có thể làm nguồn USD trở nên thiếu hụt và đẩy tỷ giá tăng.

Điều này cũng lý giải vì sao trong báo cáo vào thời điểm tháng 7/2016 nhóm phân tích ngoại hối của VietinBank có đưa ra nhận định tỷ giá VND/USD sẽ tăng từ 2-3% nhằm tạo sức cạnh tranh cho xuất khẩu và tương quan với mức tăng lãi suất của VND, tránh tình trạng đô la hóa.