Không nên nới lỏng chính sách tiền tệ

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Tại diễn đàn “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” diễn ra sáng qua, 8/5, các chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách tiền tệ đang được vận hành rất tốt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nên nghĩ đến việc nới lỏng tiền tệ ở thời điểm này.

Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: Internet
Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: Internet

Nhiều điểm cộng

Phát biểu khai mạc diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2018, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua đã đạt được những thành công nhất định trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và thị trường tiền tệ.

Các chuyên gia kinh tế tham dự diễn đàn cũng đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm qua và chỉ ra nhiều “điểm cộng”. “Chúng ta đã thay đổi được nhận thức”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhận xét. “Trước đây báo cáo hàng năm của Chính phủ trình QH bao giờ cũng có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Nhưng đến giờ, nhận thức đó chỉ là chỉ tiêu định hướng, đó không phải là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc NHNN phải “bơm” tiền ra để đạt được chỉ tiêu tín dụng. Theo chúng tôi đây là nhận thức đột biến rất quan trọng”.

TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công trong điều hành chính sách của NHNN là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Quan trọng hơn là định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ, theo đó không coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu như trước mà nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

NHNN không bị buộc phải thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tối đa. Do đó, với chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, NHNN đã thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá. Lãi suất cho vay tuy còn tương đối nhưng ở mức độ chấp nhận được với doanh nghiệp.

Chính sách tiền tệ phải “gánh” ổn định lạm phát

Chính sách tiền tệ ổn định và linh hoạt tiếp tục được NHNN vận hành tốt trong 4 tháng đầu năm 2018. Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường.

“Những năm gần đây, NHNN tập trung vào các mục tiêu cuối cùng đó là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng là các chỉ tiêu trung gian và nó phù hợp với diễn biến thực tế và không phải là chỉ tiêu pháp lệnh”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà nói.

Ông Hà cũng cho biết, đến cuối tháng 4, tín dụng đã tăng trưởng trên 5%, tương đối đồng đều với tốc độ huy động vốn và hướng vào các lĩnh vực ưu tiên. Đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng quan tâm bảo để đảm chất lượng tín dụng.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang vận hành rất tốt, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo NHNN không nên thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright, nới lỏng tiền tệ là  gánh nặng của NHNN cách đây 1 năm sau khi  số liệu tăng trưởng quý I/2017 chỉ đạt trên 5%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Khi đó, do không gian của chính sách tài khóa không còn nhiều, nên gánh nặng đặt sang chính sách tiền tệ rất lớn. Thực tế, tăng trưởng GDP năm 2017 có sự hỗ trợ rất lớn của chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2018, GDP tăng trưởng tốt, sức cầu nội địa và xuất khẩu tăng trưởng khả quan, sản xuất chế biến chế tạo tăng trưởng mạnh. Do đó, chính sách tiền tệ hiện nay không nên nới lỏng, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright khuyến cáo.

Năm 2018, theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, bên cạnh các yếu tố thuận lợi cũng còn nhiều rủi ro, thách thức. Cụ thể, chính sách tiền tệ sẽ phải “gánh” vai trò ổn định lạm phát trong điều kiện giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu mỏ, biến động gia tăng; tiêu dùng nội địa và thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt có thể dẫn đến áp lực cầu kéo lên lạm phát.

Bên cạnh đó, dòng vốn vào tiếp tục xu hướng tăng trưởng nhờ hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, cộng hưởng với việc thoái vốn nhà nước đang diễn ra thuận lợi…, một mặt giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác gây áp lực cho NHNN trong việc trung hòa có hiệu quả lượng tiền mặt đưa ra lưu thông không kích hoạt rủi ro lạm phát.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Phan Minh Ngọc khuyến cáo, NHNN cần đề phòng rủi ro khi luồng vốn nước ngoài đổ vào mạnh mẽ. Nếu chính sách tiền tệ không đủ linh hoạt, tiền đồng sẽ đứng trước rủi ro tăng giá so với USD và so với các đồng bản tệ khác trong khu vực, tác động tiêu cực tới xuất khẩu.