Khủng hoảng nợ Hy Lạp và bài học đối với Việt Nam

Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính

TCTC Online - Hiện nay Hy Lạp đang đối mặt với 3 vấn đề chính, có liên quan chặt chẽ với nhau: khủng hoảng uy tín của Chính phủ Hy Lạp, khả năng thanh khoản suy giảm trầm trọng, và nguy cơ vỡ nợ cao. Bài học khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đặt ra một số vấn đề quan trọng về quản lý nợ công và thâm hụt ngân sách ở Việt Nam.

Bức tranh tổng quan về nợ Hy Lạp

Vấn đề nợ Hy Lạp bắt nguồn chính từ việc Chính phủ Hy Lạp, sau khi gia nhập vào Khu vực đồng Euro, thay vì phải thực hiện cắt giảm chi tiêu và kiềm chế thâm hụt ngân sách theo những tiêu chuẩn ngặt nghèo của khu vực này, lại tiếp tục chi tiêu quá mức cho phép, đồng thời che dấu việc này bằng cách đưa ra các báo cáo kinh tế sai lệch. Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) vừa điều chỉnh dự báo thâm hụt ngân sách của Hy Lạp năm 2009 lần thứ tư vào giữa tháng 4/2010 lên tới 13,6% GDP từ mức 12,9% của lần điều chỉnh dự báo lần thứ ba. Số liệu kinh tế bất ổn và thiếu cơ sở tin cậy của Hy Lạp rất có thể khiến tổ chức này phải điều chỉnh số liệu thâm hụt ngân sách của nước này lần thứ năm, dự kiến lên tới trên 14% GDP (chính xác là 14.1%). Để tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ nêu trên, Hy Lạp vay chính trên các thị trường tài chính quốc tế. Dự kiến nợ còn hạn của Hy Lạp đã lên tới gần 400 tỷ đô la Mỹ (chiếm tới gần 120% GDP của nước này), trong đó riêng nợ đáo hạn vào năm 2010 đã lên tới 73 tỷ đô la Mỹ (khoảng 27 tỷ đô la Mỹ đáo hạn ngay trong tháng 4 và 5/2010).

Bức tranh khủng hoảng nợ của Hy Lạp trở nên trầm trọng hơn khi mà những nỗ lực của Chính phủ Hy Lạp để vay nợ từ các thị trường tài chính vào cuối tháng 3 vừa qua đã không đem lại kết quả như mong đợi. Hy Lạp thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ mới và mở lại đợt phát hành trái phiếu chính phủ cũ trong hai ngày liên tiếp, làm cạn kiệt cầu về chứng khoán nợ của nước này và do đó vay được rất ít, tổng cộng chỉ được gần 5,4 tỷ euro. Đồng thời những bất ổn về chính trị - xã hội khiến giới đầu tư quan ngại về khả năng của Chính phủ Hy Lạp trong việc thực hiện chính sách cứu vãn tình hình cũng như đàm phán gói vay cứu trợ với EU và IMF, hậu quả là tình hình đã xấu lại càng trở nên xấu hơn.

Các vấn đề của khủng hoảng nợ Hy Lạp

Hiện nay Hy Lạp đang đối mặt với 3 vấn đề chính, có liên quan chặt chẽ với nhau: (i) khủng hoảng uy tín của Chính phủ Hy Lạp, (ii) khả năng thanh khoản suy giảm trầm trọng, và (iii) nguy cơ vỡ nợ cao.

(i) Uy tín của Chính phủ Hy Lạp bị suy giảm nặng nề: Hy Lạp vay nợ rất nhiều trên các thị trường tài chính để đảm bảo thanh khoản cho bội chi ngân sách. Giới hạn bội chi ngân sách cho phép trong khu vực euro chỉ là 3% GDP, trong khi đó mức này của Hy Lạp năm 2009 theo dự báo mới nhất lên tới 13,6%, và thậm chí có thể tăng tới trên 14% GDP. Để che dấu việc chi tiêu quá tay trong nhiều năm của mình, Chính phủ Hy Lạp đã thực hiện báo cáo số liệu không nhất quán và sai lệch, đưa ra nhiều khoản mục bất thường trong ngân sách. Điều này đã có ảnh hưởng rất tiêu cực đến uy tín của Chính phủ Hy Lạp trên các thị trường trong nước và quốc tế. Các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế nối tiếp nhau hạ mức tín nhiệm của Hy Lạp trong thời gian vừa qua. Trong vòng 4 tháng đầu năm 2010, S&P liên tục hạ hệ số tín nhiệm của Hy Lạp, từ mức A- xuống BBB+ rồi xuống tiếp mức BB+. Tổ chức Fitch hạ hệ số tín nhiệm của Hy Lạp từ mức BBB+ xuống BBB- vào đầu tháng 4/2010.

(ii) Thanh khoản sụt giảm: Nợ còn hạn của Hy Lạp lên tới gần 400 tỷ đô la Mỹ, trong đó riêng nợ đến hạn vào năm 2010 đã lên tới 73 tỷ đô la Mỹ (xấp xỉ 27 tỷ đô la Mỹ sẽ đáo hạn vào tháng 4 và 5/2010). Lãi suất Hy Lạp phải trả cho các khoản vay nợ tính đến thời điểm 22/4/2010 đã lên tới mức kỷ lục cao, trên 9% đối với các khoản vay có kỳ hạn trên 10 năm.

(iii) Nguy cơ vỡ nợ cao: Hy Lạp đang đối mặt với 2 vấn đề thâm hụt cùng một lúc, đó là thâm hụt ngân sách (13,6% GDP năm 2009) và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (đạt mức kỷ lục vào quý 3/2008, tuy nhiên dự kiến sẽ giảm mạnh trong giai đoạn 2010-2011 nếu gói vay cứu trợ của EU/IMF được đàm phán thành công).

Các giải pháp cho khủng hoảng nợ Hy Lạp

Trước mắt, để giải quyết vấn đề thanh khoản và nguy cơ vỡ nợ, bên cạnh việc chấp thuận gói vay cứu trợ của EU/IMF, Hy Lạp có thể xem xét một số lựa chọn khác như: tiếp tục vay nợ trên thị trường tài chính, bảo lãnh nợ EU, phát hành trái phiếu EU, ký kết các thoả thuận song phương, và tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên khả năng Hy Lạp sử dụng được các biện pháp thay thế nêu trên là hạn chế. Về mặt dài hạn, Hy Lạp cần phải thực hiện cắt giảm chi tiêu ngân sách và tăng các khoản thu, đồng thời thực hiện tái cấu trúc nợ. Cuối cùng, Hy Lạp cần phải đạt được các mục tiêu ngân sách và tăng trưởng 3 năm (2010-2012) đặt ra trong “Chương trình Tăng trưởng và Ổn định” của nước này. 

Như vậy, bức tranh khủng hoảng nợ công của Hy Lạp cho thấy tổng hợp của một loạt các vấn đề và các nhân tố. Trước hết Hy Lạp có vấn đề nợ công thật sự, thể hiện qua tỷ lệ của thâm hụt ngân sách và tỷ lệ tổng nợ trên GDP đều rất cao. Đứng trước vấn đề này, Chính phủ Hy Lạp một mặt vừa thiếu các hành động chính sách cụ thể, rõ ràng; mặt khác luôn tìm cách che dấu và báo cáo sai lệch thông tin. Phản ứng chính sách không nhất quán và không tích cực đã đưa ra các tín hiệu bất ổn và tâm lý nghi ngờ trên các thị trường. Cuối cùng là, việc thị trường xử lý thông tin trong bối cảnh bất ổn và không rõ ràng khiến cho vấn đề lại càng trở nên trầm trọng hơn. Thông tin thiếu, không rõ ràng, và không minh bạch khiến cho các nhà đầu tư phản ứng một cách bất lợi theo hiệu ứng dây chuyền trên cả thị trường. 

 Vấn đề nợ quốc gia và ý nghĩa đối với Việt Nam

Nợ quốc gia và tác động lây lan

Khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể lây lan đến một loạt các nước khác trong EU có mức nợ quốc gia cao tương đương với Hy Lạp, cụ thể là Ý, Bồ Đào Nha, Ai-rơ-len, và Tây Ban Nha. Các nước này hiện đang được các nhà đầu tư theo dõi một cách sát sao và là những ứng cử viên hàng đầu chịu ảnh hưởng từ tác động lây lan của khủng hoảng nợ Hy Lạp. Các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế đang hạ mức tín nhiệm của một loạt các nước nêu trên, và việc này đã gây ra áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng châu Âu, thể hiện qua các dấu hiệu sau: (i) vốn ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, (ii) các lãi suất liên ngân hàng trên thị trường châu Âu (LIBOR/EURIBOR) tăng, (iii) chênh lệch lãi suất liên ngân hàng và lãi suất hoán đổi qua đêm (LIBOR/OIS) cũng nới rộng, (iv) chênh lệch swap cũng nới rộng, và (iv) tỷ giá EUR/USD tăng. Các dấu hiệu này có thể buộc ECB phải nới lỏng các tiêu chuẩn đặt cọc hiện hành hoặc đặt hệ thống các ngân hàng châu Âu vào hoàn cảnh phải đối mặt với khả năng xảy ra khủng hoảng thanh khoản mới.

Liên hệ đến vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách ở Việt Nam

Bài học khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đặt ra một số vấn đề quan trọng về quản lý nợ công và thâm hụt ngân sách ở Việt Nam.

Về hoạch định chính sách tài khoá và quản lý nợ công: mức thâm hụt ngân sách của ta tăng tương đối cao trong năm 2009 do việc thực hiện chính sách kích cầu, do đó cần phải có các biện pháp thắt chặt tài khoá, quản lý chi tiêu tiết kiệm và hợp lý hơn nữa trong thời gian tới để kiềm chế thâm hụt ngân sách. Tương tự như vậy, chính sách quản lý nợ công và kế hoạch vay để bù đắp thâm hụt ngân sách cần phải được tính toán cẩn trọng và phù hợp. Về cơ cấu nợ công, Việt Nam có điểm thuận lợi là hiện các khoản vay trong nước, mặc dù chi phí vay có cao hơn, nhưng đang chiếm tỷ trọng nhiều hơn so với các khoản vay nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, việc khai thác thị trường vốn quốc tế là việc khó tránh khỏi. Do đó, ta cần phải hết sức cẩn trọng trong việc xây dựng kế hoạch vay nợ để tài trợ thâm hụt ngân sách.

Về công tác công bố thông tin và minh bạch chính sách: Việc công bố thông tin và minh bạch chính sách liên quan đến ngân sách và nợ công là hết sức cần thiết và quan trọng. Đây là xu hướng tất yếu mà Chính phủ Việt Nam, và cụ thể là Bộ Tài chính phải thực hiện. Tuy nhiên, công bố thông tin không nhất quán cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi, gây ra tâm lý nghi ngờ và bất ổn cho các nhà đầu tư cũng như thị trường. Ví dụ trường hợp của Hy Lạp là điển hình cho việc công bố thông tin không nhất quán, sai lệch trong bối cảnh đã đầy các bất ổn và nghi ngờ, làm cho khủng hoảng ở nước này càng trở nên trầm trọng. Về phía Việt Nam, vấn đề nợ công hiện đang được bàn đến tương đối nhiều trong thời gian vừa qua trên các diễn đàn báo chí, trong thảo luận của các tổ chức quốc tế và các tổ chức định mức tín nhiệm với Bộ Tài chính. Đặc biệt là trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá XII từ ngày 20/5 sẽ thảo luận về huy động vốn để triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Một trong những nguyên nhân chính của mối quan tâm đặc biệt này chính là tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và một số nước châu Âu khác đã đưa ra tín hiệu cảnh báo đối với tình trạng nợ công trên toàn cầu. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần phải đưa ra những thông điệp nhất quán, rõ ràng, có cơ sở hỗ trợ giải thích phù hợp (với thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn thị trường) về vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách, và các chính sách tài chính có liên quan của Việt Nam để tránh gây tâm lý bất ổn và nghi ngờ cho thị trường./.

Phụ lục: Các cột mốc quan trọng đánh dấu mức độ tăng tốc khủng hoảng nợ Hy Lạp từ cuối tháng 3 cho đến nay 

  • Ngày 25/3: Hy Lạp tham gia vào gói vay cứu trợ của EU và IMF phối hợp, tuy nhiên các chi tiết cụ thể về gói vay cứu trợ này được tiết lộ rất ít, dẫn đến nhiều phỏng đoán và nghi ngờ bất ổn về khả năng hiện thực hoá gói vay cứu trợ này, cũng như khả năng gói vay cứu trợ này có thể giúp được Hy Lạp vượt qua được khủng hoảng hay không. 

  • Ngày 29/3: Hy Lạp tiến hành phát hành mới trái phiếu chính phủ kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị 5 tỷ euro, với mức lãi suất vào khoảng 6%. Cầu về đợt phát hành trái phiếu này là 6,25 tỷ euro từ hơn 175 tài khoản khách hàng (tương đối thấp nếu so với cầu đối với trái phiếu 10 năm Hy Lạp phát hành năm trước lên tới 16 tỷ euro từ hơn 400 tài khoản khách hàng). Ngay lập tức đợt trái phiếu này đã được bán hết trên thị trường, làm giảm cầu đối với đợt tái phát hành trái phiếu ngay vào ngày hôm sau.
  • Ngày 30/3: Hy Lạp tái phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm (loại đã phát hành sẽ đáo hạn vào 2020). Hy Lạp ban đầu hy vọng là sẽ phát hành tới 1 tỷ euro tuy nhiên không có đủ cầu nên giá trị phát hành cuối cùng chỉ là 390 triệu euro. Kết quả phát hành và tái phát hành trái phiếu trong 2 ngày 29-30/3 cho thấy khả năng tiếp cận vào thị trường nợ công của Hy Lạp là rất hạn chế.
  • Ngày 7/4: 4 ngân hàng lớn nhất của Hy Lạp yêu cầu Chính phủ hỗ trợ thanh khoản, đề nghị được tiếp cận khoản 17 tỷ euro còn lại trong tổng 28 tỷ euro nằm trong gói hỗ trợ nhà nước thành lập từ năm 2008. Một tuần trước đó, tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s đã hạ mức tín nhiệm của 5 ngân hàng lớn nhất của Hy Lạp, lý do là suy giảm kinh tế đã gây áp lực lên hồ sơ khoản vay của các ngân hàng này. Như vậy có thể thấy leo thang trong khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể dẫn đến việc rút tiền gửi ồ ạt ở các ngân hàng và làm tăng lên khả năng lây lan của khủng hoảng một cách nhanh chóng.
  • Ngày 9/4: Tổ chức định mức tín dụng Fitch hạ mức xếp hạng phát hành trái phiếu bằng cả nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Hy Lạp từ mức BBB+ xuống BBB- với các lý do chính sau: (i) thâm hụt ngân sách tăng, thách thức về ngân sách tăng, (ii) nền kinh tế đối mặt với những diễn biến bất lợi, và (iii) tiếp tục vẫn không có thông tin rõ ràng về chiến lược tài trợ thâm hụt ngân sách chính phủ trong bối cảnh thị trường đầy bất ổn.
  • Ngày 11/4: EU/IMF tuyên bố gói cứu trợ trị giá 45 tỷ euro cho Hy Lạp trong thời gian 3 năm, trong đó các nước EU cam kết góp 30 tỷ euro, còn IMF hy vọng sẽ hỗ trợ từ 10-15 tỷ euro nữa. Một số cản trở đối với việc thực hiện khoản vay này là: (i) Quốc hội của một số nước EU sẽ phải thông qua/phê duyệt cam kết đóng góp của các nước này, (ii) Hy Lạp sẽ phải yêu cầu hỗ trợ chính thức, và (iii) Chi tiết khoản vay với IMF sẽ phải đàm phán và quá trình đàm phán có thể kéo dài trong nhiều tuần, dự kiến kết thúc vào mùng 6/5. Câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu thị trường có hài long với chi tiết đàm phán gói vay cứu trợ nêu trên, hay những bất ổn xung quanh chi tiết đàm phán khoản vay với IMF và việc liệu các quốc gia EU có thông qua khoản vay vẫn tiếp tục khuấy đảo thị trường và làm cho tình hình khủng hoảng nợ Hy Lạp càng trở nên trầm trọng?
  • Ngày 19/4: Cuộc gặp mặt 3 bên (Hy Lạp, EU, và IMF) dự kiến tổ chức vào ngày 19/4 bị hoãn lại do tình hình núi lửa ở Ai xơ len. Thay vì đàm phán trực tiếp, các bên trao đổi qua điện thoại, sau đó đàm phán được nối lại và dự kiến sẽ kết thúc vào 6/5. Tuy nhiên, thị trường có phản ứng rất tiêu cực trước những diễn biến bất ổn và chậm chễ trong đàm phán, cụ thể là lãi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp và CDS (Credit Default Swap) tăng lên hàng ngày.
  • Ngày 20/4: IMF công bố báo cáo cập nhật về Ổn định Tài chính Toàn cầu, trong đó nhấn mạnh rủi ro tín dụng (nợ) quốc gia ở các nước phát triển hiện đang trở thành nguồn rủi ro chính trong các thị trường tài chính toàn cầu.
  • Ngày 22/4: Thâm hụt ngân sách năm 2009 được điều chỉnh tăng từ mức 12,9% lên 13,6% GDP. Trong cùng ngày, tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Hy Lạp xuống A3, lãi suất trái phiếu 2 năm và 10 năm của Hy Lạp tăng lên mức 11 và 9%.
  • Ngày 23/4: Hy Lạp chính thức đệ đơn xin gói vay cứu trợ của EU/IMF.
  • Ngày 27/4: Tổ chức định mức tín nhiệm S&P hạ mức xếp hạng tín nhiệm của trái phiếu chính phủ từ mức BBB+ xuống mức BB+, đưa ra viễn cảnh tiêu cực, với các lý do chính sau: (i) triển vọng tăng trưởng kinh tế suy giảm, do đó thu hẹp lựa chọn chính sách của chính phủ, (ii) rủi ro tài chính trung hạn tăng lên, (iii) áp lực chính trị về điều chỉnh chính sách tài chính càng ngày càng lớn, và (iv) nghi ngờ về khả năng triển khai chính sách nhạy bén và tích cực của chính phủ Hy Lạp. 

  • Đầu tháng 5: EU và IMF nhất trí cho Hy Lạp vay 110 tỷ euro - tương đương 146 tỷ USD - để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của nước này. Các thành viên của EU sẽ đóng góp 80 tỷ euro, số còn lại do IMF đảm nhiệm. Lãi suất của khoản vay là 5%, thời hạn vay là 3 năm. Đợt cấp vốn đầu tiên sẽ được thực hiện trước khi Hy Lạp thanh toán nợ trái phiếu đáo hạn vào ngày 19/5 tới.  

Nguồn: Báo cáo của Ngân hàng Deutch Bank AG, tháng 5/2010