Khuyến khích kinh doanh vàng trang sức: Lợi cả nhiều bề

Theo ktdt.com.vn

(Tài chính) Nghị định 24/2012/NĐ - CP ra đời siết chặt thị trường vàng miếng, khuyến khích phát triển vàng trang sức. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) trang sức hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh.

Khuyến khích kinh doanh vàng trang sức: Lợi cả nhiều bề
Khách hàng mua bán vàng trang sức tại cửa hàng Bảo Tín - Minh Châu. Nguồn: internet
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Nho Bảng - Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về các chính sách đối với các DN kinh doanh vàng trang sức hiện nay?

- Thị trường vàng Việt Nam hiện có hai mảng chính là vàng miếng và vàng trang sức. Nghị định 24 ra đời nhằm hạn chế tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, thắt chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng. Theo quy luật thông thường, thắt bên này thì phải mở bên kia; lẽ ra, khi kinh doanh vàng miếng thắt lại, vàng trang sức phải được rộng đường phát triển. Nghị định 24 không khóa vàng trang sức mà còn khuyến khích mảng kinh doanh này phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách hiện nay lại chưa thực sự tạo điều kiện để thị trường vàng trang sức có thể rộng đường kinh doanh. Cụ thể, DN kinh doanh vàng trang sức hiện nay vẫn không được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Trong bối cảnh chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao như thời gian qua, nguồn vàng nguyên liệu mà các DN trang sức mua vào chủ yếu là từ nguồn trôi nổi trên thị trường.

Việc các DN mua nguyên liệu trôi nổi tác động thế nào đến phát triển ngành vàng trang sức cũng như nền kinh tế, thưa ông?

- Cái hại của việc mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường trước hết là DN sẽ không có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất, kinh doanh. DN cũng sẽ khó tính toán hiệu quả vì giá vàng trôi nổi thường không ổn định và cao hơn nhiều so với giá quốc tế. Vàng trôi nổi còn luôn đi kèm với những rủi ro về chất lượng. Cái hại lớn hơn nữa là sẽ gây nguy cơ cao buôn bán vàng lậu, ảnh hưởng đến tỷ giá thị trường tự do, gây khó khăn cho quản lý ngoại hối.
 
Bởi vậy, nếu không tạo điều kiện cho DN chuyển hướng sang phát triển vàng trang sức, nhiều DN sẽ lại loay hoay với vàng miếng, càng gây khó khăn hơn cho công tác quản lý. Nguy cơ Việt Nam sẽ biến thành nơi tiêu thụ vàng lậu nhập từ nước ngoài, kể cả vàng nguyên liệu lẫn vàng trang sức cũng sẽ rất lớn.

Theo ông, chúng ta nên có những biện pháp nào để tạo điều kiện cho thị trường vàng trang sức phát triển?

- Để tạo điều kiện cho thị trường vàng trang sức phát triển, trước hết, NHNN có thể cân nhắc chuyện cho DN nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Trong đó, mức thuế và các chính sách thuế phải hợp lý, tạo điều kiện cho DN.Theo Dự thảo Thông tư Bộ Tài chính vừa đưa ra, vàng (kể cả vàng mạ bạch kim) chưa gia công hoặc ở dạng bán thành phẩm, hoặc ở dạng bột chịu thuế xuất khẩu 2%. Song, Hiệp hội chúng tôi đã có văn bản kiến nghị đưa thuế vàng trang sức xuống 1% để tạo điều kiện cho thị trường vàng trang sức phát triển.

Với vàng nguyên liệu, hiện NHNN đang độc quyền nhập khẩu với thuế suất 0%. Trong tương lai, nếu chính sách thay đổi, việc đánh thuế ở mức nào cũng cần cân nhắc, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.

Nếu để cho DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, liệu có xảy ra tình trạng DN nhập vàng về và sử dụng cho các mục đích khác, thay vì sản xuất vàng trang sức không, thưa ông?

- Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức khoảng vài chục tấn mỗi năm. Việc nhập, sản xuất hay xuất khẩu đều phải có đơn hàng ra vào nên không khó quản lý. Đổi lại, cái được lại lớn hơn rất nhiều. Nhà nước không mất ngoại tệ, DN tự chịu rủi ro, đảm bảo chất lượng cũng như số lượng nguồn nguyên liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo điều kiện để Việt Nam có thể xuất khẩu được trang sức, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, giúp DN chuyển đổi sang kinh doanh vàng trang sức thay vì loay hoay với vàng miếng.

Xin cảm ơn ông!
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 100 tấn vàng. Trung bình, nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20 - 30% trên tổng cầu vàng nguyên liệu của cả nước.