Khuyến nghị giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đến năm 2015

Gs.,Ts. Trần Thọ Đạt - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Tài chính) Nhóm tác giả đã chạy mô hình hàm cầu tiền, và kết quả ước lượng cho thấy để đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5%/năm và tỷ lệ lạm phát khoảng 8% bình quân thời kỳ 2013 - 2015 thì cung ứng tiền tệ cần tăng bình quân khoảng 17%/năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ năm 2011 đến tháng 6.2013 đã có những thay đổi tích cực.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ đã tập trung nhiều hơn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - là những mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ. Mặc dù từ năm 2012, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt hơn để góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thị trường, tuy nhiên NHNN vẫn luôn thận trọng với rủi ro lạm phát.

Thứ hai, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã chủ động định hướng thị trường thay vì chạy theo như trước đây. Xu hướng điều chỉnh chính sách như lãi suất, tỷ giá được NHNN thông báo trước đến thị trường và được điều chỉnh theo lộ trình để tránh gây sốc cho nền kinh tế. Nhờ đó, kỳ vọng thị trường được kiểm soát khá tốt, lãi suất và tỷ giá diễn biến đúng theo xu hướng dự kiến của NHNN, góp phần giúp NHNN đạt được mục tiêu đặt ra.

Thứ ba, NHNN đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác thông tin truyền thông, một mặt để giải thích rõ với doanh nghiệp và người dân về những thay đổi chính sách, mặt khác tạo sự đồng thuận rộng rãi từ phía thị trường. Khi chính sách của NHNN đã được nắm bắt rõ ràng hơn thì các chủ thể kinh tế cũng điều chỉnh hành vi phù hợp hơn với thay đổi chính sách.

Thứ tư, NHNN đã chú trọng bảo đảm kỷ luật thị trường tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ được kết hợp chặt với việc siết công tác thanh tra giám sát, đảm bảo thực thi nghiêm các chính sách của NHNN, qua đó giúp cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ được vận hành tốt hơn.

Nhờ những đổi mới này, công tác điều hành chính sách tiền tệ đã giúp Chính phủ ổn định được kinh tế vĩ mô. Lạm phát giảm liên tục từ mức đỉnh 23% tháng 8.2011, đến tháng 6.2013 ở mức 6,7%, trong đó có sự đóng góp tích cực của việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu tiền tệ (theo đó tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng được kiểm soát ở mức thấp hơn so với các năm trước).

Lãi suất giảm liên tục theo mức giảm của lạm phát chủ yếu nhờ dòng tiền tập trung vào hệ thống ngân hàng do lòng tin vào VNđ tăng cao. Tính chung, từ cuối tháng 8.2011 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khoảng 7 - 10%/năm, lãi suất cho vay giảm 9 - 12%/năm, gần về mức lãi suất của những năm 2005 - 2006. Hiện nay, lãi suất của các khoản cho vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8 - 10%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9 - 12%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt chỉ từ 7,5 - 8%/năm. 

Thặng dư cán cân thanh toán kỷ lục do cán cân vãng lai lần đầu tiên thặng dư lớn, cán cân vốn duy trì mức thặng dư khá, nhờ đó giúp NHNN mua được ngoại tệ để tăng đáng kể dự trữ ngoại hối. Đến nay, mức dự trữ ngoại hối đã khá sát mức 3 tháng nhập khẩu là mức tương đối an toàn theo chuẩn quốc tế.

Thị trường diễn biến ổn định, huy động vốn tăng cao và NHNN cung tiền mua ngoại tệ giúp thanh khoản dồi dào. Thanh khoản cải thiện nên nhu cầu vay vốn trên liên ngân hàng để cân đối vốn không cao, do vậy không tạo sức ép tăng lãi suất liên ngân hàng như trước. Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thanh khoản dồi dào cũng giúp hệ thống ngân hàng gia tăng nắm giữ trái phiếu Chính phủ, vừa giúp ngân sách nhà nước có nguồn vốn giải ngân cho các chương trình, dự án, từ đó giúp cho các doanh nghiệp có khả năng chi trả, tiêu thụ bớt hàng tồn kho, qua đó tác động khơi thông dòng tiền trong nền kinh tế; mặt khác cũng tạo công cụ cho các tổ chức tín dụng để có thể tiếp cận vốn của NHNN khi gặp khó khăn.

Thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá không còn biểu hiện căng thẳng mà diễn biến linh hoạt theo cung cầu ngoại tệ trong biên độ cho phép, chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do được thu hẹp đáng kể, thị trường ngoại tệ tự do không còn hoạt động công khai như trước đây. Lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam tăng lên, tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và vàng giảm, do vậy tình trạng đô la hóa giảm, phản ánh qua tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán cuối năm 2012 giảm xuống 12,35% từ mức 15,8% cuối năm 2011 và khoảng 20% vào những năm trước đây. 

Tuy nhiên, còn một số vấn đề đáng lưu ý như: (i) Chính sách tiền tệ mặc dù đã điều hành nới lỏng đáng kể từ năm 2012 nhưng đến giữa năm 2013, tín dụng tăng thấp so với định hướng. (ii)  Mặc dù mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ đã được xác định khá rõ trong Luật NHNN 2010 nhưng thực tế điều hành đã cho thấy chính sách tiền tệ vẫn phải quan tâm đến những mục tiêu khác như bảo đảm an toàn hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống đô la hóa. Điều này làm phức tạp quá trình điều hành chính sách tiền tệ.

Hiện tại, các điều kiện cần cho một chính sách tiền tệ mục tiêu lạm phát chưa đầy đủ thì mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ từ nay đến năm 2015 vẫn nên là đa mục tiêu trong đó chú trọng mục tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu hoạt động của chính sách tiền tệ là khối lượng cung ứng tiền (M2).

Việc ước lượng hàm cầu tiền nhằm mục tiêu dự báo nhu cầu tiền của nền kinh tế được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới và đã mang lại hiệu quả tích cực cho công tác điều hành chính sách tiền tệ  của ngân hàng trung ương các nước. Áp dụng cho Việt Nam, nhóm tác giả đã chạy mô hình hàm cầu tiền, và kết quả ước lượng cho thấy để đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5%/năm và tỷ lệ lạm phát khoảng 8% bình quân thời kỳ 2013 - 2015 thì cung ứng tiền tệ cần tăng bình quân khoảng 17%/năm.

Để thực hiện được mục tiêu hoạt động, tiến tới đạt mục tiêu cuối cùng như trên, trong thời gian trước mắt, NHNN nên tiếp tục sử dụng các công cụ kể cả trực tiếp và gián tiếp trong điều hành, song từng bước gỡ bỏ các công cụ điều hành mang tính trực tiếp nhằm tạo điều kiện cho một chính sách tiền tệ mang tính thị trường cao.