Kịch bản lạc quan của khối ngoại

Theo Kim Giang/thuongtruong.com.vn

Sau chuỗi phiên bán ròng miệt mài, nhà đầu tư nước ngoài đã quay sang mua ròng trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua. Cho dù lượng mua ròng không đáng kể nhưng động thái mới này của khối ngoại giúp giải tỏa áp lực tiêu cực của nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) .

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Tác động bên ngoài 
Việt Nam vẫn đang chịu rất nhiều rủi ro tác động từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với dự báo tăng trưởng GDP có thể giảm 0,5-1,2%. So sánh bức tranh kinh tế từ thời điểm suy thoái năm 2012 với mức tăng trưởng GDP đạt 5,2% và 6,8% trong năm 2017 (tăng 1,6%), cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu có thể làm giảm GDP ở mức tối đa 1,2%.
Tác động trực tiếp đến nền kinh tế trước mắt là sự sụt giảm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản... Về thị trường tài chính, rủi ro tỷ giá năm nay được dự báo lớn hơn rất nhiều.
Điều này thấy rõ qua việc các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tham gia mua USD từ Ngân hàng Nhà nước vì nguồn cung khó khăn từ thị trường liên ngân hàng. Đối với TTCK, thể hiện rõ nét nhất là hiện tượng bán ròng của NĐTNN trong thời gian gần đây (bắt đầu từ tháng 5). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến VN Index rớt khỏi mốc 1.000 điểm. 
Theo chuyên gia CK Hoàng Thạch Lân, khối ngoại bán ròng là một trong những nhân tố chính khiến thị trường suy giảm. Bên cạnh đó thị trường còn chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố như chiến tranh thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ, Việt Nam chưa được MSCI đưa vào danh sách chờ nâng hạng. Thế nhưng, các dẫn chứng cho thấy khối ngoại mới chỉ bán ròng trong tháng 7, trong khi các số liệu thống kê lại cho thấy các quỹ ngoại lớn ít giao dịch bán ròng. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu NĐTNN có thật sự bán ròng?
Theo thống kê, hiện có 25 quỹ ngoại đang đăng ký ở Việt Nam, nhưng thực tế có trên 100 quỹ ngoại đang giao dịch. Do những quỹ đầu tư này ít công bố thông tin, hoặc công bố số lượng giao dịch không đáng kể nên khó có thông tin chính xác. Do đó, nhiều khả năng đây là các nhân tố chính đã bán ròng trên TTCK trong thời gian qua. Thế nhưng do quy mô thị trường còn quá nhỏ nên những tác động từ những động thái ra/vào của khối ngoại thường gây tác động mạnh đến TTCK.
Giảm áp lực bán ròng
Từ những số liệu phân tích này, nhiều chuyên gia CK đưa ra nhận định, khối ngoại có thể tiếp tục bán ròng nhưng lực bán không mạnh như tháng 5 và kịch bản sẽ lạc quan hơn trong thời gian tới.
Theo ông Marc Djandji, Giám đốc Khối môi giới khách hàng tổ chức CTCK Rồng Việt (VDSC), GDP và thu nhập của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, thị trường có mức P/E hấp dẫn. Dòng vốn ra khỏi thị trường hầu hết do các yếu tố bên ngoài tác động, không xuất phát từ các yếu tố nội tại của Việt Nam. Yếu tố nội tại nếu có do các CP tăng quá nhanh trước đó, các quỹ đầu tư khi cân bằng danh mục sẽ chuyển đầu tư sang các mã CP có P/E thấp hơn hay chuyển đổi từ CP tăng trưởng sang CP phòng thủ.
Trên thực tế, sau chuỗi bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã quay lại mua ròng trong 2 phiên giao dịch cuối tuần vừa qua. Theo thống kê, NĐTNN mua ròng hơn 40 tỷ đồng trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM trong phiên giao dịch ngày 27/7. Trên sàn HOSE, các mã CP được khối ngoại mua ròng mạnh nhất là HPG (42,5 tỷ đồng), BID (17,8 tỷ đồng) và DXG (11,34 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, VIC tiếp tục là mã CP bị bán ra mạnh nhất với giá trị 31,4 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng thứ 12 phiên liên tiếp của NĐTNN tại mã CP này, nâng tổng giá trị bán ròng lên 1.047 tỷ đồng. Như vậy, nếu cộng giá trị mua ròng 50 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 26/7, tổng giá trị mua ròng trong 2 phiên giao cuối tuần chỉ đạt 90 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị bán ròng phiên giao dịch ngày 25/7 là 200 tỷ đồng.
Dù giá trị mua ròng trong 2 phiên giao dịch này vẫn còn khiêm tốn, nhưng động thái mới này của khối ngoại đã giúp cho giới đầu tư giải tỏa được áp lực tâm lý tiêu cực.
Tính riêng trong quý II, khối ngoại mua ròng 35.930 tỷ đồng trên HOSE qua thỏa thuận nhưng chỉ tập trung một vài mã CP lớn, trong khi bán ròng 11.348 tỷ đồng qua phương thức khớp lệnh. Việc này có tác động không nhỏ lên tâm lý tiêu cực của thị trường trong thời gian qua.