Kích hoạt cổ phần hóa

Theo Đầu tư Tài chính

Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, 5 tháng đầu năm cả nước mới chỉ cổ phần hóa được 10 doanh nghiệp (năm 2012 chỉ được 13 doanh nghiệp).

Kích hoạt cổ phần hóa
Tốc độ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước đang khá chậm. Nguồn: Internet
Sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa và niêm yết có thể nhìn thấy ở những doanh nghiệp được nhiều NĐT trong và ngoài nước quan tâm như: Sabeco và Habeco, cùng bán cổ phần từ năm 2008 nhưng đến nay kế hoạch niêm yết vẫn bỏ ngỏ; MobiFone liên tục dời kế hoạch...

Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhìn nhận tốc độ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước đang khá chậm. Có 76 doanh nghiệp của 23 tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ, ngành và địa phương xin lùi cổ phần hóa sau năm 2015. Trong khi đó theo kế hoạch, trong giai đoạn 2012-2015 sẽ phải cổ phần hóa hơn 500 doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 vừa diễn ra, ông Dominic Scriven cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) cần hàng hóa có chất lượng để thu hút NĐT cả trong và ngoài nước. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa và có một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian cụ thể.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không nên chỉ quan tâm nhiều đến các khía cạnh tài chính, mà còn những yếu tố khác như cơ cấu lại khu vực quốc doanh. Theo ông Fred Burke, Tổng giám đốc Công ty Luật Baker & McKenzie Việt Nam, Chính phủ đang rất cần vốn cho cơ sở hạ tầng, năng lượng, nhưng một lượng vốn khổng lồ lại bị “bó chặt” trong các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề cốt lõi, như các tập đoàn khách sạn và các công ty bia.

Do vậy thời điểm này dường như thích hợp để bán các doanh nghiệp này, tuân theo các nguyên tắc của thị trường đang ngày càng cạnh tranh hơn, hoặc ít nhất là chứng khoán hóa và niêm yết các doanh nghiệp này trên TTCK.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng Nhà nước nên nhanh chóng thoái vốn ở những lĩnh vực doanh nghiệp có thể làm được để đầu tư những lĩnh vực đích thực của Nhà nước như hạ tầng, năng lượng... Điều này sẽ giúp Nhà nước có vốn để đầu tư mà không nới trần nợ công cũng như vẫn có dư địa để giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãi suất đang ngày càng theo xu hướng giảm dần, thị trường bất động sản vẫn còn những khó khăn nhất định, vàng đang không có đất cho hoạt động đầu cơ...

Trong khi đó, TTCK đang có những tín hiệu tích cực gần đây. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, NĐT nước ngoài, Chính phủ cần có những quyết sách kịp thời và hiệu quả hơn trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, cải cách khu vực kinh tế nhà nước bằng cách đẩy mạnh cổ phần hóa, là mục tiêu trọng tâm. Ngoài ra cũng cần tuân thủ triệt để quy định doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết trong vòng 12 tháng.