“Kích hoạt” IPO

ThS. HÀ TIẾN THĂNG

(Tài chính) Hàng loạt phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã và đang diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tuy thành công ở các mức độ khác nhau nhưng có thể dự báo năm 2014 sẽ là năm “bùng nổ” hoạt động IPO.

Hàng loạt DNNN lĩnh vực giao thông, xây dựng tiến hành IPO trong quý I/2014
Hàng loạt DNNN lĩnh vực giao thông, xây dựng tiến hành IPO trong quý I/2014

Sôi động đấu giá cổ phần

Theo thông báo mới nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 26/4/2014, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại HNX với số lượng chào bán 2,6 triệu cổ phần, tương ứng 20,8% vốn điều lệ. Đây chỉ là sự tiếp sau hàng chục vụ IPO đã diễn ra từ đầu năm đến nay, chủ yếu thuộc hai ngành xây dựng và giao thông.

Có thể kể tới các phiên IPO những DN gây chú ý trên thị trường đó là: Phiên IPO 76,95 triệu cổ phần của Tổng công ty Viglacera, ngày 20/2; Phiên chào bán 7,1 triệu cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, ngày 21/2; Phiên IPO gần 2,7 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV Vật tư Vận tải và Xếp dỡ, thành viên của Vinacomin, ngày 26/2/2014; Phiên IPO trên 16 triệu cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) ngày 21/3…

Hoạt động cổ phần hóa DNNN thông qua đấu giá trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2014 được sự cam kết của vị “tư lệnh” ngành Giao thông Vận tải - Bộ chủ quản của khá nhiều DNNN. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong năm 2014, Bộ này sẽ hoàn thành cơ bản việc tái cơ cấu DNNN. Như vậy, chỉ riêng ngành Giao thông đã quyết tâm “kích hoạt” chuyển đổi sở hữu DN vốn đã có nhiều chậm trễ. Với sự ấm lên của TTCK và sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, kỳ vọng hình ảnh những phiên đấu giá cổ phần sôi động trước đây sẽ xuất hiện trở lại.

Chờ “hàng” chất lượng cao…

“Hàng” mới đã xuất hiện nhiều hơn trên thị trường nhưng không phải phiên đấu giá cổ phần nào cũng đem lại thành công. Đơn cử như phiên đấu giá hơn 7,1 triệu cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng với giá khởi điểm là 10.200 đồng/cổ phần, nhưng lượng cổ phần bán được chỉ 896.200 đơn vị. Số cổ phần bán hết chỉ bằng 12,56% số lượng cổ phần đem ra chào bán, tổng giá trị vốn huy động được 9,14 tỷ đồng, khó có thể khẳng định phiên IPO này đã đạt mục tiêu đề ra!

Dù thị trường chứng khoán (TTCK) đã phục hồi ấn tượng nhưng với các cuộc đấu giá cổ phần ở thời điểm này, việc bán được hết số cổ phần đưa ra luôn là thành công vượt mong đợi của DN và tổ chức phát hành. Minh chứng với cả các DN lớn, có thương hiệu như Tổng công ty Viglacera nhưng phiên IPO cũng chỉ bán được 1/4 số cổ phần đem ra chào bán, thu về 200 tỷ đồng. Gần như tất cả các cuộc IPO từ đầu năm đến nay, các DN đều không bán hết lượng cổ phần chào bán.

Theo một số chuyên gia tài chính, dù dự báo trong năm 2014, “bão vốn” sẽ đổ vào TTCK Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn nội vẫn còn dồi dào trong xã hội và vốn ngoại từ chính sách nới “room”, nhưng các nhà đầu tư vẫn tương đối dè dặt với hoạt động IPO. Nguyên nhân chủ yếu, bởi do thanh khoản với cổ phần sau IPO kém, các doanh nghiệp IPO trong vòng 1 năm mới phải buộc phải lên niêm yết nên việc “chôn vốn” lâu ngày tại các công ty mới cổ phần hóa vẫn là băn khoăn của giới đầu tư, nhất là trong xu thế “đánh nhanh, rút gọn” trên thị trường hiện nay.

Thêm một nguyên nhân nữa khiến tính hấp dẫn của các đợt IPO còn hạn chế là cơ chế xác định giá trị DN còn chưa sát với diễn biến thị trường. Cụ thể, có một số DN cùng ngành nghề với các DN thực hiện IPO đang niêm yết trên sàn nhưng có hệ số ROE và P/E tốt hơn khiến mức giá khởi điểm của các DN tiến hành IPO thiếu tính cạnh tranh. Đây là điều các cơ quan chủ quản cũng như đại diện DN phải xem xét nếu như muốn phần vốn đem ra bán đạt hiệu quả cao hơn.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng Dragon Capital, giá cổ phiếu ở Việt Nam đã không còn quá rẻ. Vì thế khi IPO, giá cổ phiếu phải được xác định phù hợp mới thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư. Tuy nhiên, rất có thể tình hình sẽ diễn ra khả quan hơn khi những “hàng chất lượng” như Vinaphone, Mobiphone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam hay nhiều DN của Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ được đem ra IPO trong thời gian tới đây. Nguyên do đem tới kỳ vọng nói trên vì cổ phần của các DN này vẫn là mong muốn sở hữu của nhiều nhà đầu tư, nhất là các định chế tài chính nước ngoài.

Nhiều năm qua, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến MobiFone bởi viễn thông là ngành có lợi nhuận cao, luôn tăng trưởng hai con số trong nhiều năm qua và vẫn đang nóng trên thị trường chuyển nhượng quốc tế. Thực tế trong năm 2013, lợi nhuận của MobiFone được công bố khoảng 6.000 tỷ đồng và nếu có cơ cấu vốn điều lệ cũng như mức giá đấu hợp lý, đây có thể hoàn toàn sẽ là những thương vụ “khủng”.

Một trong những tập đoàn lớn khác cũng đặt kỳ vọng vào IPO trong năm 2014 là Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Trong hai năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn luôn đạt ở mức hai con số. Năm 2013, doanh thu của Vinatex đạt hơn 45.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, xuất khẩu khoảng 2,9 tỷ USD và có doanh thu nội địa đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2012. Trong năm 2014, các chỉ số nói trên đều được Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 12% để nhằm duy trì sức hấp dẫn trong quá trình IPO.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014