Kích thích tài chính thực sự là bao nhiêu?

Theo SGTT

Việt Nam có khả năng chi bao nhiêu cho các gói tài chính nhằm vực dậy nền kinh tế? Đây là vấn đề chưa rõ ràng, dù các nhà tài trợ, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài, và cộng đồng doanh nghiệp thực sự quan tâm.

Giám đốc ngân hàng Phát triển châu Á Ayumi Konishi nói: “Không có sự chắc chắn về các biện pháp kích thích tài chính bổ sung mà Chính phủ có thể áp dụng… dù chúng có thể hỗ trợ tăng trưởng”.

Nhận xét của ông Konishi đưa ra trong bối cảnh Chính phủ ký quyết định 443 nhằm hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng.

Trong khi đó, từ cuối năm ngoái, Chính phủ tuyên bố kích cầu lên đến 6 tỉ USD (tương đương 110 ngàn tỉ đồng) cho năm 2009. Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, có năm nguồn cho gói này bao gồm hỗ trợ lãi suất 4% trong tám tháng (17 ngàn tỉ đồng); kết chuyển từ tài khoá 2008 (20 ngàn tỉ đồng); phát hành thêm trái phiếu Chính phủ (20 ngàn tỉ đồng); miễn và hoãn thuế (khoảng 20 ngàn tỉ đồng); và bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước vay vốn quốc tế (khoảng 30 ngàn tỉ đồng).

Tuy nhiên, chi tiết cụ thể của các gói này chưa được công bố. Quyền viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét: “…Mới chỉ có gói 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất là đã công bố, còn các gói khác thì chưa rõ ràng và chưa có kế hoạch bắt tay triển khai”.

Tiến sĩ Võ Trí Thành của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói thêm, cần minh bạch và cụ thể hoá về mục tiêu và đối tượng liên quan đến gói kích thích kinh tế 6 tỉ USD này nhằm “cải thiện niềm tin thị trường”.

Trong khi đó, ông Konishi nhận xét, các biện pháp kích thích tài chính thực sự đã được thông qua trong tháng 1 và 2.2009 bao gồm gói 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế VAT, và hỗ trợ các gia đình nghèo dịp tết, bên cạnh quyết định 443.

Các khoản kích thích tài chính đó được chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama tổng kết vào khoảng 16 ngàn tỉ đồng cho sáu hợp phần mà Chính phủ đã công bố. Đó là các khoản hỗ trợ bằng tiền cho người nghèo (2,5 ngàn tỉ đồng), chương trình hạ tầng quy mô nhỏ cho 61 huyện nghèo (4,2 ngàn tỉ đồng), giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (5,3 ngàn tỉ đồng), hỗ trợ lãi suất 4% cho vay vốn hoạt động trong tám tháng (3,7 ngàn tỉ đồng), bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ (0,3 ngàn tỉ đồng), và hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân đến giữa năm 2009 (không đáng kể).

Điểm đáng chú ý nhất trong ghi nhận của WB là, gói hỗ trợ lãi suất 4% cho vay vốn hoạt động trong tám tháng (3,7 ngàn tỉ đồng) là thấp hơn nhiều so với công bố của Chính phủ (17 ngàn tỉ đồng). Bên cạnh đó, WB cho việc hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân là “không đáng kể”, trong khi bộ Tài chính cho rằng con số này lên tới 5,2 – 6,7 ngàn tỉ đồng.

WB cũng không tính đến gói tài chính gồm tăng lương tối thiểu từ 1.5 tới (15 – 20 ngàn tỉ đồng), cũng như đề án trị giá khoảng 1 tỉ USD nhằm kích cầu nông thôn mà bộ Công thương đang soạn thảo theo yêu cầu của Chính phủ.

Bên cạnh đó, WB cũng ghi nhận những dự định của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng quy mô lớn. Tuy vậy, ông Rama cho rằng, danh sách các dự án lớn, cũng như gói tài chính để thực hiện chưa được Chính phủ công bố cụ thể.

Ông Thành từ CIEM cho rằng, thâm hụt ngân sách, chính sách tỷ giá, thiếu hụt FDI và kiều hối trong khi nguy cơ bất ổn vĩ mô quay trở lại đã làm hẹp đi không gian lựa chọn chính sách cho Việt Nam trong năm nay, nhất là về các gói tài chính kích thích kinh tế. Tuy vậy, ông nói, các gói này là cần thiết trong ngắn hạn, nhưng thông tin về nó phải được được minh bạch hoá.