Kiến nghị gỡ khó cho hàng trăm doanh nghiệp FDI

Theo TBKTSG

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp FDI không đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp trước ngày 1-7-2011 sẽ phải giải thể, chấm dứt hoạt động, không được quyền gia hạn khi giấy phép đầu tư hết hạn.

Hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ không phải đối diện với nguy cơ đóng cửa do chưa đăng ký lại dù đã hết hạn hoạt động trong giấy phép đầu tư, nếu Chính phủ thông qua một đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Để giải quyết tình trạng trên, đề xuất của Bộ KH&ĐT đưa ra hai phương án.

Thứ nhất, Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII vào kỳ họp cuối năm 2012 ban hành nghị quyết để bỏ khoản 2, điều 170, Luật Doanh nghiệp năm 2005 mà không chờ sửa Luật Doanh nghiệp dự kiến vào năm 2013.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các doanh nghiệp FDI tiếp tục được đăng ký lại cho đến khi sửa Luật Doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết trong bối cảnh không ít doanh nghiệp FDI đang gặp khó khăn thì đề xuất trên là biện pháp hỗ trợ họ. Ông Hoàng nói: “Qua khảo sát chúng tôi thấy, nhiều doanh nghiệp FDI có đầu ra sản phẩm rất khó khăn nên họ muốn chuyển sang ngành nghề mới. Nhưng do không đăng ký lại nên không được chuyển sang ngành nghề mới, vì thế mà có khả năng đóng cửa nhà máy. Đây là vấn đề rất chính đáng của doanh nghiệp”.

Ông Hoàng cho biết, Bộ KH&ĐT ủng hộ phương án 1, có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn quy định doanh nghiệp FDI phải đăng ký lại nếu muốn hoạt động tiếp tại Việt Nam, sau khi hết hạn hoạt động. Khoản 2, điều 170 của Luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp FDI chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn được ghi trong giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ. Có nghĩa là, doanh nghiệp này sẽ phải giải thể, chấm dứt hoạt động, không được quyền gia hạn khi giấy phép đầu tư hết hạn, nếu không đăng ký lại kể từ khi luật có hiệu lực vào ngày 1-7-2006.

Tuy nhiên, dưới sức ép của nhiều doanh nghiệp FDI, Quốc hội đã 2 lần điều chỉnh khoản 2, điều 170 nhằm kéo dài thời điểm đăng ký lại thêm 5 năm, với hạn chót vào ngày 1-7-2011. Hiện tại, 27 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư là 672 triệu đô la Mỹ, vốn điều lệ 634,4 triệu đô la Mỹ tại TPHCM có nguy cơ phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2012 vì đã không đăng ký lại trước tháng 7-2011. Ngoài ra, có hơn 700 doanh nghiệp FDI khác cũng ở TPHCM chưa đăng ký lại theo quy định. Tuy nhiên, thời gian hoạt động của họ dài hơn. Ông Hoàng nói: “Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp đã đến thời kỳ hết hạn hoạt động vì họ được cấp phép từ những năm 1990. Vì thế, họ bắt đầu lo lắng và muốn đăng ký lại để kéo dài thời hạn và thay đổi ngành nghề". Ông cho biết, chưa đến một nửa trong tổng số khoảng 6.000 doanh nghiệp FDI tính được đến năm 2005 đăng ký lại đến thời điểm hiện tại. Nguy cơ một số doanh nghiệp FDI có thể phải đóng cửa sau khi hết hạn hoạt động xuất hiện khi Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2005 áp dụng chung cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Theo ông Hoàng, có ba nguyên nhân cơ bản làm doanh nghiệp FDI không đăng ký lại.

Thứ nhất, thiếu cán bộ để nắm được quy định của luật. Thứ hai, doanh nghiệp FDI sợ mất ưu đãi đã ghi trong hồ sơ trước đó.

Thứ ba, quan trọng nhất, liên quan đến nguyên tắc đối vốn, tức quyền quyết định trong doanh nghiệp thuộc về đại diện 65% vốn điều lệ, thay vì tất cả thành viên hội đồng quản trị như trước. Các nguyên tắc này rất quan trọng vì liên quan đến bổ nhiệm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng; thông qua kế hoạch kinh doanh, quyết toán vốn. Vì thế, ở những liên doanh mà bên góp vốn có tỷ lệ vốn thấp thường thuộc phía Việt Nam, họ muốn duy trì quy định này nên không muốn đăng ký lại.