Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ những biện pháp quản lý hành chính

Theo CafeF

Một trong những phiên đối thoại đáng chú ý nhất tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF) có lẽ là phần liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và thị trường vốn.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ những biện pháp quản lý hành chính

Trong bản kiến nghị của Nhóm Công tác Ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012, Nhóm này cho rằng, hệ quả của các khó khăn kinh tế vĩ mô trong thời gian 18 tháng qua đã dẫn đến việc áp dụng một loạt biện pháp hành chính tạm thời trong hệ thống ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định nhiều biện pháp trong số này chỉ là tạm thời, và ngành ngân hàng sẽ quay trở lại quỹ đạo cải cách cơ cấu theo hướng thị trường trong thời gian sớm nhất có thể.

Nhóm báo cáo nhấn mạnh yêu cầu cần trở lại quỹ đạo trên trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng tham gia phát triển nền kinh tế một cách hiệu quả nhất. “Chúng tôi cũng khuyến nghị xóa bỏ những biện pháp hành chính tạm thời đã áp dụng trong thời gian qua càng sớm càng tốt” – Nhóm báo cáo bày tỏ quan điểm.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài 15 – 20% không có tác dụng đối với việc quản trị

Hiện nay, ngân hàng nước ngoài không được phép sở hữu trên 20% vốn của ngân hàng trong nước, và tổng tỉ lệ sở hữu của nước ngoài trong ngân hàng trong nước không được quá 30%.

Kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng của chính phủ (Quyết định số 254) đã đề ra định hướng khuyến khích ngân hàng nước ngoài tham gia vào quá trình ổn định, hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam, bao gồm cả việc tăng sở hữu của ngân hàng nước ngoài trong các ngân hàng trong nước cần tái cơ cấu.

“Ngân hàng Nhà nước làm rõ phạm vi, thời hạn tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài và tổng mức sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng trong nước. Chúng tôi cho rằng mọi quy định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài đều phải được áp dụng đồng đều đối với mọi ngân hàng trong nước” – Nhóm báo cáo chỉ rõ.

“Một nội dung quan trọng trong kế hoạch của chính phủ là tăng cường chuẩn mực quản trị, quản lý vốn và quản trị rủi ro của ngân hàng trong nước. Việc tăng sở hữu nước ngoài sẽ là yếu tố thúc đẩy đáng kể tiến trình này”.

Với mức sở hữu nước ngoài 15 - 20% hiện nay, ngân hàng nước ngoài chưa thể có nhiều ảnh hưởng đến vấn đề quản trị của các ngân hàng trong nước có vốn nước ngoài, cho dù có thành viên trong Hội đồng quản trị.

Thuế nhà thầu đối với các khoản vay ở nước ngoài

Nhu cầu tăng trưởng kinh tế dài hạn và phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam đòi hỏi phải có nguồn vốn vay dài hạn huy động từ các thị trường vốn nước ngoài.

Đánh giá cao quyết định giảm thuế nhà thầu đối với khoản lãi trả cho bên cho vay nước ngoài mới đây từ 10% xuống 5%.

Tuy nhiên, một số nước không áp dụng thuế nhà thầu đối với lãi tiền vay trả cho ngân hàng nước ngoài nếu có quy định miễn trừ theo các hiệp định thuế song phương.

Ở những nước ngày, ngân hàng sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với những nơi có áp dụng thuế nhà thầu.

Nhóm báo cáo kiến nghị Chính phủ bỏ quy định đánh thuế nhà thầu đối với tất cả các khoản lãi vay trả cho bên cho vay nước ngoài, hay ít nhất Chính phủ nên tiếp tục tham gia đàm phán về các hiệp định thuế với một số nước khác.

“Giải pháp này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả - chi phí khi đầu tư cho những dự án lớn, trọng điểm bằng nguồn vốn nước ngoài, đồng thời cần hạn chế vay vốn nước ngoài để phục vụ cho những mục đích mà nguồn vốn vay trong nước có thể đáp ứng đủ” – Nhóm báo cáo nhấn mạnh.

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Năm 2012, Chính phủ một lần nữa đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng hiện nay chỉ được phép cho vay không quá 15% vốn ngân hàng cho một khách hàng.

Để góp phần thực hiện mục tiêu chung về tăng trưởng tín dụng của Chính phủ, nên sửa đổi quy định để hạn mức cho vay đối với một khách hàng chỉ áp dụng cho các khoản vay trung và dài hạn, theo giấy phép đầu tư.

Hạn mức cho vay đối với một khách hàng không nên hạn chế việc ngân hàng cung cấp nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp, từ đó bảo đảm nguồn cung vốn lưu động đều đặn cho các khách hàng doanh nghiệp, đồng thời tránh hạn chế doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.

Thông tư số 14/2012/TT-NHNN, ngày 4/5/2012, quy định hạn mức lãi suất cho vay của ngân hàng trong một số lĩnh vực. Chúng tôi hiểu rằng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giảm chi phí vốn cho các ngành kinh tế đang chịu nhiều sức ép.

“Nhưng chúng tôi cũng lo ngại rằng biện pháp hành chính này sẽ dẫn tới tình trạng các ngân hàng cho vay ít hơn đối với những lĩnh vực trên so với trước, vì ngân hàng sẽ ít khả năng thu được đủ mức lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro phải gánh chịu hơn” – Nhóm báo cáo nói rõ.

Kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng của Chính phủ đã xác định đúng nhu cầu của ngân hàng phải áp dụng các quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ hơn, trong đó có quy định về định giá khoản vay theo mức rủi ro tương ứng. Nhưng Thông tư 14 đã khiến cho ngân hàng không thể thực hiện được việc định giá theo hướng này. Do đó, nhóm báo cáo bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ gỡ bỏ biện pháp này trong thời gian sớm nhất.