Kiều hối ào ạt “chảy về”, dự trữ ngoại hối sớm đạt 50 tỷ USD

Theo An Hạ/dantri.com.vn

Với dự kiến sẽ sớm đạt 50 tỷ USD, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong hai năm trở lại đây.

Từ đầu năm đến nay, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng ước đạt khoảng 8 tỷ USD. Nguồn: Internet
Từ đầu năm đến nay, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng ước đạt khoảng 8 tỷ USD. Nguồn: Internet

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia hiện lên xấp xỉ 48 tỷ USD.

Trước đó, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Thị trường tiền tệ ổn định; Dự trữ ngoại hối đạt 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam được công bố.

Theo đó, tính chung từ đầu năm đến nay, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng ước đạt khoảng 8 tỷ USD.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia hiện lên xấp xỉ 48 tỷ USD (ảnh minh họa).

Và theo đánh giá từ phía chuyên gia, với diễn biến các dòng chảy ngoại tệ trên thị trường, dự kiến quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt kỷ lục 50 tỷ USD ngay trong năm nay.

Một trong những cơ sở nổi bật từ đầu năm đến nay và gần đây là hoạt động thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, với quy mô lớn, cũng như nhiều đợt phát hành cổ phần của doanh nghiệp trong nước thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cùng dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán...

Điển hình như với kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nhà đầu tư Vietnam Beverage đã đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phiếu Sabeco, tương đương khoảng 53,59% cổ phần với tổng giá trị gần 5 tỷ USD. dự kiến sẽ hoàn tất thanh toán vào tài khoản của Bộ Công Thương Việt Nam trước 15h ngày 28/12/2017.

Ngoài ra, với lượng kiều hối đang ào ạt "chảy về" cũng là một trong những kênh cung cấp ngoại tệ ổn định cho thị trường và nền kinh tế. Như tại TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về trong 11 tháng qua đạt 4,55 tỷ USD và dự kiến sẽ cán mốc 5,2 tỷ USD trong năm nay. Và trong số hơn 4,55 tỷ USD kiều hối chuyển về trong 11 tháng đầu năm thì chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (khoảng hơn 19%).

Với những nguồn ngoại tệ lớn như trên, việc chuyển đổi sang VND để tham gia đấu giá, đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện qua các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp sức hấp thụ ngoại tệ của hệ thống có hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ là người mua lại sau cùng.

Trao đổi với VnEconomy, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, cung - cầu ngoại tệ sẽ do thị trường điều tiết và cân đối, Ngân hàng Nhà nước chỉ mua lại khi hệ thống cần hỗ trợ; và như những năm qua, việc mua lại ngoại tệ được xem xét khi không dẫn tới âm trạng thái của thành viên bán lại.

Do đó, với dự kiến sẽ sớm đạt quy mô 50 tỷ USD, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong hai năm trở lại đây.