Kiều hối chịu áp lực lớn từ Fed

Theo baodautu.vn

Dòng kiều hối đổ về Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD, bên cạnh chủ trương nâng giá trị USD và không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống đắc cử tại Mỹ, ông Donald Trump.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiều hối có dấu hiệu chững

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 11/2016, lượng kiều hối về Thành phố mới đạt khoảng 4,3 tỷ USD, ước tính cả năm chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD - giảm khoảng 500 triệu USD so với năm 2015. Trên cả nước, kiều hối năm 2016 dự kiến chỉ đạt khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo 12 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm ngoái.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kiều hối có dấu hiệu chững lại dịp trước Tết Nguyên đán năm nay chịu ảnh hưởng trước hết từ quyết định của Fed. Dù việc tăng lãi suất của cơ quan này vừa được đưa ra tháng 12/2016, nhưng đã được dự đoán từ trước đó rất lâu.

Thêm vào đó, Fed còn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, khiến các nhà đầu tư, hay những người chuyển tiền về Việt Nam giữ USD để gửi tiết kiệm tại các quốc gia có lãi suất tiền gửi USD cao hơn Việt Nam.

Ngoài ra, nhân tố khác khiến dòng kiều hối về Việt Nam giảm là tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump cùng chính sách ủng hộ việc nâng cao giá trị USD của ông.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được cho là nguyên nhân quan trọng tác động tới lượng kiều hối về Việt Nam. Lượng kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam nhằm đầu tư vào sản xuất - kinh doanh để đón đầu cơ hội từ TPP, nhưng nay cơ hội này trở nên mờ nhạt khi ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia TPP.

Chưa hết áp lực trong năm 2017

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối về Việt Nam năm nay sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách sách ủng hộ nền kinh tế trong nước và nỗ lực nâng giá trị USD của Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump.

Thêm vào đó, Chủ tịch Fed, bà Yellen còn cho biết, cơ quan này có thể nâng lãi suất cơ bản 3 lần nữa trong năm 2017 nhằm tăng tính hấp dẫn cho USD, thay vì chịu lãi suất thấp như trước. Trong khi đó, nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ chiếm 60%, nên kiều hối từ thị trường này giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam.

Không chỉ ở Việt Nam, tại những quốc gia đang phát triển khác, lượng kiều hối cũng ghi nhận sự sụt giảm. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, nguồn kiều hối đổ vào Ấn Độ - quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới trong năm 2015 - ước giảm 5% trong năm 2016. Kiều hối đổ vào các quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka cũng lần lượt được dự báo giảm 3,5%; 5,1% và 1,6%.

Như vậy có thể thấy, dòng kiều hối sụt giảm không phải là riêng lẻ một quốc gia nào, mà là tình trạng chung trong nhóm các quốc gia đang phát triển - vốn thu hút lượng lớn kiều hối những năm qua.

Những năm qua, dòng kiều hối là một trong những nguồn bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, góp phần lớn vào dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn, việc các nhà đầu tư thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình là chuyện dễ hiểu.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng có vai trò quan trọng không kém trong thu hút dòng kiều hối vào Việt Nam. Vấn đề được các kiều bào rất quan tâm là mang tiền về đầu tư vào đâu, chứ không phải chuyện môi trường đầu tư nữa.