Kiều hối chuyển mạnh cả lượng và chất

Theo kinhtedothi.vn

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ 11 trong các nước nhận được kiều hối nhiều nhất thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Và dự kiến, kiều hối năm nay tiếp tục đứng ở mức cao. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cùng với nhiều thay đổi trong chính sách, nguồn kiều hối được dự báo sẽ có những thay đổi về chất trong thời gian tới.

Liên tục tăng qua các năm

Tuy đứng thứ 11 trên thế giới nhưng nếu tính tỷ lệ so với GDP, thì thứ bậc của Việt Nam còn cao hơn. Tính chung năm 1993 - 2015, nguồn kiều hối chiếm 6,7% GDP, đứng thứ 5 trong số những nước có nguồn kiều hối lớn. Trong khi nếu tính bình quân đầu người thì vị trí của Việt Nam còn cao hơn nữa, đạt 144 USD/người.

Năm 2015, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt 13,2 tỷ USD. Năm 2016, ước tính lượng kiều hối có thể không thấp hơn so với năm trước. Năm 2015 so với bình quân thời kỳ 1994 – 2015, lượng kiều hối đã tăng 21,8%/năm. Đó là tốc độ tăng rất cao, ít có chỉ tiêu nào đạt được trong cùng thời gian tương ứng. Cụ thể, kiều hối về Việt Nam đã tăng gần như liên tục qua các năm (chỉ bị ngắt quãng (giảm) trong 2 năm: 1997 do khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á và năm 2009 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới).

Những năm gần đây, ngoài số tiền do Việt kiều chuyển về, còn có một lượng tiền không nhỏ (chiếm khoảng 15%) do số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gửi về, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia...

Số kiều hối chuyển về nước là một nguồn tiền lớn, có thể được coi là lượng tiền lớn nhất so với các nguồn ngoại tệ khác. Có thể thấy rõ điều này khi so sánh với một số nguồn thu ngoại tệ lớn hiện nay. Đơn cử số ngoại tệ thu được do xuất khẩu hàng hóa tuy lớn nhất, năm 2015 đạt 162,1 tỷ USD, nhưng nếu trừ đi số ngoại tệ chi ra để nhập khẩu (165,6 tỷ USD), thì còn nhập siêu khoảng 3,54 tỷ USD.

Nguồn từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) năm 2015 giải ngân đạt 5 tỷ USD, trong khi về cơ bản đây là nguồn vốn vay, phần viện trợ không hoàn lại chỉ khoảng 0,5 tỷ USD và phần trả nợ đã ngày một tăng lên. Nguồn này sẽ giảm cả về tổng số, cả về mức ưu đãi, trong khi việc trả nợ cả vốn và lãi tăng lên.

Nguồn thu ngoại tệ từ chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 7,35 tỷ USD, nhưng nếu trừ đi phần chi tiêu của người Việt Nam khi đi nước ngoài (năm 2015 là 3,5 tỷ USD), thì “xuất siêu” về dịch vụ du lịch cũng chỉ đạt 3,85 tỷ USD. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đang có xu hướng vào nhiều hơn ra, hiện ở mức gần 20 tỷ USD, nhưng nguồn này vào nhanh cũng dễ ra nhanh và rất khó kiểm soát; ngay cả thông tin cũng rất khó chính xác.

Hướng mạnh vào sản xuất, kinh doanh

Nguồn lực kiều hối tăng có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân do lượng Việt kiều lớn, thống kê mới nhất, hiện có trên 4 triệu Việt kiều sống ở 103 nước trên thế giới, tương đương với 4,5% dân số. Có nguyên nhân do Việt Nam đã mở cửa, hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước, Việt Nam đã sớm và nhất quán coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận đồng bào của dân tộc gắn bó với đất nước.

Bên cạnh đó phải kể đến nguyên nhân do lãi suất gửi ngân hàng bằng VND trong nhiều năm cao hơn nhiều so với mức lãi suất gửi bằng ngoại tệ, trong khi lãi suất gửi ngân hàng ở nước ngoài không đáng kể nên đã có sức hấp dẫn thu hút ngoại tệ. Và một yếu tố mà ít người biết đến và quan tâm là do “cánh kéo tỷ giá” giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương còn khá lớn (tức là 1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương 2,7 USD tại Mỹ).

Điều này có nghĩa giá tài sản ở Việt Nam, nhất là bất động sản, giá doanh nghiệp, giá cổ phiếu từ vài ba năm nay đang ở mức thấp. Đó là chưa kể đến các dịch vụ chuyển phát tiền kiều hối ở Việt Nam khá phát triển luôn cạnh tranh về độ an toàn, chi phí…

Lượng kiều hối về Việt Nam lớn và tăng liên tục tác động đến nhiều mặt ở trong nước, và thời gian tới được nhận định sẽ tạo chuyển biến về chất. Trước hết, nguồn lực này góp phần làm cho cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục đạt thặng dư. Tỷ giá trong mấy năm trước ổn định và Ngân hàng Nhà nước đã mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, nâng cao độ an toàn tài chính quốc gia, cải thiện lòng tin vào đồng tiền quốc gia… Và đặc biệt, ngoài ý nghĩa kinh tế, kiều hối có xu hướng chảy mạnh vào sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ tích cóp tại các ngân hàng, nguồn kiều hối thời gian qua đã được nhiều tổ chức, cá nhân chuyển sang đầu tư bằng cách tự lập hoặc góp vốn để tham gia lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; mua nhà cửa để cải thiện, nâng cấp chỗ ăn ở...

Các chỉ số thống kê cho thấy có khoảng 27 - 30% giá trị kiều hối được đầu tư trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khoảng 11% là gửi ngân hàng, khoảng 20% là đầu tư kinh doanh vàng và từ 16 – 17% đổ vào lĩnh vực bất động sản, phần còn lại là tiêu dùng cá nhân. Trước đó, giai đoạn 2006 – 2010 và 2001 – 2005, giá trị kiều hối được đầu tư trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tương ứng 15% và 13%.

Cùng với những chính sách tiến bộ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, tạo môi trường phát triển thuận lợi, bình đẳng, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế, nguồn kiều hối trong thời gian tới được nhận định sẽ tiếp tục tăng cả về lượng và chất.