"Kìm cương" vàng, đô

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Khác hẳn với những năm trước, giới đầu tư dường như thất bại với kỳ vọng kiếm lời từ sự "nhảy múa" của giá vàng và USD trong năm 2013. Kết quả này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tóm gọn với 2 từ "linh hoạt".

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thực tế, 2 từ này rất chung chung, chẳng có gì cụ thể, nhưng vận dụng nó để "thuần phục" được 2 con ngựa bất kham là "vàng, đô" thì hẳn phải là một nghệ thuật, bởi ẩn chứa sau nó có nhiều điều để nói.

Một thông điệp rõ ràng

Ngay từ đầu năm, NHNN đã phát đi thông điệp về sự điều chỉnh tỷ giá khá rõ ràng, khoảng 2 - 3%. Một thông điệp cần thiết để doanh nghiệp (DN) chuẩn bị phương án kinh doanh phù hợp với sự biến động của tỷ giá. Vậy nhưng cả năm 2013, NHNN chỉ 1 lần điều chỉnh tỷ giá với biên độ 1%, mà do cơ quan này chủ động để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu (XK) chứ không phải chạy theo thị trường như những năm trước.

Tất nhiên, để thông điệp rõ ràng này có giá trị, NHNN đã ban hành và thực thi một loạt chính sách, như: giảm trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD), tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, hạn chế cho vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động bằng ngoại tệ, khẳng định quyết tâm chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ… Điều này đã khiến ngoại tệ ngày càng kém hấp dẫn trong mắt người dân. Tín dụng bằng ngoại tệ sụt giảm mạnh cũng khiến hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ không còn.

Bình luận về sự "linh hoạt" trong điều hành tỷ giá của NHNN, TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phân tích: "Sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá phải bao hàm 2 nghĩa. Một là để dư địa tỷ giá có thể biến động tương đối theo thị trường. Hai là hiện chúng ta chưa chủ trương thả nổi tỷ giá thì cần có sự linh hoạt trong điều hành, có phối hợp chính sách tốt hơn".

Cũng là một thông điệp rõ ràng, nhưng thị trường vàng là cương quyết với chính sách độc quyền vàng miếng, quyết liệt với việc tất toán trạng thái vàng, đấu thầu vàng miếng để bình ổn thị trường… Chính vì vậy, thị trường vàng năm 2013 đã vắng cảnh chen lấn, xếp hàng mua vàng mỗi khi giá biến động như những năm trước.

Việc độc quyền sản xuất vàng miếng thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng việc tất toán trạng thái vàng của các TCTD và tách họ ra khỏi hoạt động huy động, cho vay vàng được thị trường ủng hộ. Cho đến thời điểm này, các TCTD đã tất toán xong trạng thái huy động và cho vay vàng. Tuy nhiên, để chấm dứt trạng thái này, NHNN cũng đã "bơm" ra thị trường một lượng vàng khổng lồ lên tới 67,5 tấn vàng miếng SJC sau 75 phiên đấu thầu.

Nhờ nguồn cung vàng đấu thầu, các TCTD đã gom đủ vàng cho việc tất toán trạng thái huy động vàng và dừng huy động vốn vàng theo chỉ đạo của NHNN. Theo số liệu chính thức, có khoảng 30 tấn vàng mà NHNN bán ra được dùng cho việc tất toán của các ngân hàng thương mại, còn lại được đưa ra thị trường.

Sự linh hoạt, nhịp nhàng trong chính sách điều hành thị trường vàng và ngoại tệ trong năm 2013 đã thuyết phục được rất nhiều chuyên gia khó tính. Vì thế mà ông Thành đã nói tại một hội thảo mới đây tại Hà Nội rằng: ở góc độ nào đó, chính sách tiền tệ đã được áp dụng tốt khiến thị trường tiền tệ hoạt động bình thường, ổn định. Nhà điều hành đã giảm được sự lũng đoạn của "cá mập" trên thị trường vàng mà không làm tăng thêm rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; đô la hóa đã giảm với tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán từ trên 20% xuống còn 12%. Giá trị VND được coi trọng hơn.

Tất nhiên, thành công trong điều hành tỷ giá và quản lý thị trường vàng của NHNN không thể thuyết phục được hết các chuyên gia, bởi còn vài điều khiến họ băn khoăn. Từ góc nhìn của chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng có vẻ như giá vàng vẫn chênh lớn so với thế giới. Tính chuyên nghiệp trong cuộc chơi như vậy vẫn chưa đạt được(?). Bên cạnh đó, việc bán vàng miếng ra thị trường giúp cô lập, cắt đứt để làm bình yên thị trường ngoại hối nhưng có lúc nhìn lại sẽ thấy việc đó làm cho nhiều quan hệ xa rời thị trường.

Vài điều đáng ngẫm

Hay như ý kiến về việc mức độ đôla hóa vẫn còn khá nặng dù đã giảm nhiều kể từ khi quản lý thị trường vàng miếng theo Nghị định 24.

 Rồi việc năm 2014 tiếp tục kìm giữ tỷ giá trong biên độ 1 - 2%. Có thể nói, việc đưa ra thông điệp ổn định tỷ giá là một trong những điểm sáng của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng tỷ giá thật đang có sự dịch chuyển. Minh chứng rõ nhất là hàng hóa nhập khẩu đang rẻ đi, trong khi hàng hóa trong nước đắt lên. Việc "neo" tỷ giá quá lâu trong khi nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh tỷ giá không chỉ khiến hàng XK của Việt Nam thua ở "sân khách", mà còn có nguy cơ mất cả "sân nhà", do giá hàng hóa sản xuất trong nước đắt đỏ hơn.

Điều dễ nhận thấy nữa là NHNN luôn đề cập sự linh hoạt và ổn định trong điều hành tỷ giá, song trên thực tế, yếu tố linh hoạt chưa được sử dụng nhiều. Dĩ nhiên, ổn định tỷ giá là cần thiết, nếu có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu neo tỷ giá trong trung và dài hạn thì sẽ là vấn đề cần chú ý… Thực ra, những vấn đề này, bản thân NHNN đều biết nhưng quan trọng là mục tiêu nào cần được ưu tiên thì điều hành theo hướng đó. Hiện mục tiêu của NHNN là ổn định tỷ giá, bình ổn giá vàng để tạo được niềm tin của các nhà đầu tư vào ổn định kinh tế vĩ mô và niềm tin vào VND, giúp nợ công của Việt Nam không bị tăng cao, đồng thời cải thiện dự trữ ngoại hối…

Hẳn thị trường chưa quên được những lần "nhảy múa" của giá vàng và giá USD trong những năm trước, mức chênh cũng tương đối cao. Khi đó, dư luận xã hội chỉ mong NHNN "cầm cương" được thị trường vàng, đô và chỉ sau 2 năm, thị trường vàng đã được "thuần hóa". Để làm được việc này, NHNN đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có việc tách TCTD ra khỏi hoạt động huy động và cho vay vàng. Để chấm dứt việc này, NHNN chỉ mất có 30 tấn vàng, còn các TCTD đã mua được ở thị trường trong nước hơn 70 tấn vàng. Còn nếu để thị trường tự điều tiết thì phải mất hơn 100 tấn vàng. Đây là một thành công, và điều đó cũng cho thấy dân đã bắt đầu bán vàng, chuyển sang giữ VND.

NHNN cũng biết việc giá vàng chênh là không thể tránh khỏi, vì Việt Nam không phải nước sản xuất vàng. Hơn nữa, vì mục tiêu bình ổn, nên NHNN không thể "thả cửa" cho ai thích nhập vàng thì nhập và kinh doanh vàng tài khoản. Nếu làm vậy, chắc chắn giá vàng sẽ thông với giá thế giới, nhưng liệu giá vàng trong nước liệu có "giảm êm" như đã diễn ra không?

Chắc chắn với diễn biến của giá vàng trong năm nay, nếu để "thả cửa" thì thị trường vàng, đô lại được phen "nhảy múa". Do vậy, sự độc quyền trong hoạt động xuất nhập khẩu vàng là cần thiết. Điều này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng tổ chức ngày 18/12: "Dù phải chịu nhiều sức ép, nhưng NHNN dứt khoát phải tiếp tục độc quyền xuất nhập khẩu vàng, vì đây là ngoại tệ. Không để cho thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô".

Còn về điều chỉnh tỷ giá, quan điểm của NHNN là ổn định chứ không cố định. Mức điều chỉnh đã được đánh giá, phân tích dựa trên số liệu xuất nhập khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh để hỗ trợ XK nhưng trên thực tế, DN hiện nay vẫn phải nhập nguyên liệu về để sản xuất, còn hàng XK chủ yếu là gia công, hàng thô… Rõ ràng, con số điều chỉnh 1 - 2% trong năm 2014 không phải là con số chỉ để nói, mà đã có sự tính toán phù hợp cái lợi, cái hại ở tầm vĩ mô…