Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

Vụ Giám sát Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(Tài chính) Yêu cầu tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán (TTCK) đang ngày càng trở nên bức thiết trong bối cảnh TTCK Việt Nam đã hoàn thiện những cơ sở ban đầu về hàng hóa cung cấp, cơ sở vật chất và hành lang pháp lý. Đồng thời, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009 với ảnh hưởng nặng nề đến TTCK thế giới đã cho thấy hệ thống giám sát TTCK cần phải đáng tin cậy và hoạt động hiệu quả hơn để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và trên hết là sự phát triển bền vững của thị trường.

Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
UBCKNN cần tăng cường công tác giám sát đối với các tổ chức tự quản. Nguồn: internet

Nghiên cứu các mô hình giám sát đang được áp dụng tại một số quốc gia tiên tiến trên thế giới cùng với những cải cách trong hệ thống giám sát sau khủng hoảng đang được thử nghiệm là công việc mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNNNN) đang nỗ lực thực hiện nhằm đưa ra những cải tiến thiết thực, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát thị trường.

Kinh nghiệm của các nước có thị trường tài chính phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh và một số nước khác được xem xét sau đây nhằm mục đích trên.

Dưới góc độ là cơ quan quản lý thị trường, giám sát TTCK được chia làm 2 nội dung chính là Giám sát tuân thủ của các thành viên thị trường và Giám sát giao dịch và cưỡng chế thực thi.

Giám sát tuân thủ của các thành viên thị trường

Công tác giám sát tuân thủ thường được biết đến với thuật ngữ tiếng Anh là “compliance inspection and examination” để chỉ việc kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định quản lý của các đối tượng quản lý, bao gồm công ty đại chúng, công ty chứng khoán (công ty chứng khoán), các quỹ đầu tư và công ty đầu tư, các tổ chức tự quản (SROs-Self Regulatory Organisations).

Trong đó, công tác giám sát các tổ chức tự quản (Sở Giao dịch Chứng khoán – SGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán) luôn được các nước chú trọng do các tổ chức này không chỉ là thành viên có mức độ ảnh hưởng lớn trên thị trường mà còn đóng vai trò là cấp giám sát thứ nhất phát hiện và xử lý (trong phạm vi quyền hạn của tổ chức) những giao dịch và hành vi kinh doanh, đầu tư bất thường của các thành viên và nhà đầu tư tham gia thị trường.

Kinh nghiệm giám sát tuân thủ tại TTCK Mỹ

Tại mô hình TTCK Mỹ, chức năng này do Vụ Quản lý Giao dịch và Thị trường (Division of Trading and Markets) thuộc Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) Mỹ (Securities and Exchange Commission - SEC) thực hiện. Vụ này là đơn vị đồng thời quản lý các công ty chứng khoán và các tổ chức tự quản. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù những quy định của tổ chức tự quản là do các tổ chức này tự soạn thảo, nhưng cần có sự xem xét và chấp thuận của đơn vị thực hiện chức năng quản lý tại các UBCKNN xem xét, thông qua trước khi ban hành.

Văn phòng Giám sát Tuân thủ và Kiểm tra (Office of Compliance Inspection and Examination) trực thuộc SEC thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra và giám sát các tổ chức tự quản, các công ty kinh doanh môi giới chứng khoán, các đại lý chuyển nhượng, các công ty thanh toán, các công ty đầu tư, quỹ đầu tư và các công ty tư vấn đầu tư. Văn phòng này tiến hành các đợt kiểm tra định kỳ, thường xuyên nhằm đảm bảo sự tuân thủ luật pháp, phát hiện các vi phạm, đảm bảo cho SEC luôn có đầy đủ thông tin về những diễn biến trong cộng đồng các đối tượng được quản lý.

Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của các chương trình kiểm tra do đơn vị này thực hiện là nhằm nỗ lực khắc phục những “lỗ hổng” trong vấn đề tuân thủ một cách nhanh chóng mà không cần phải xử lý một cách cứng nhắc theo quy định. Khi đơn vị này phát hiện bất cứ thiếu sót nào, họ sẽ gửi một “thư cảnh báo về thiếu sót” (deficiency letter) xác định vấn đề cần điều chỉnh và giám sát tình hình tuân thủ của đối tượng quản lý cho đến khi vấn đề đó được khắc phục. Những vi phạm trầm trọng không thể khắc phục bằng phương thức này sẽ được chuyển sang Phòng Thực thi Luật pháp để xử lý theo pháp luật. 

Các tổ chức tự quản tại Mỹ có trách nhiệm ban hành các quy định quản lý thành viên và thiết lập các biện pháp để bảo đảm tính toàn vẹn thị trường cũng như để bảo vệ nhà đầu tư. Các quy định cần được đăng tải công khai để lấy ý kiến công chúng trước khi được SEC rà soát và chấp thuận. Theo quy định của Luật Chứng khoán Mỹ, các công ty môi giới và tự doanh chứng khoán buộc phải tham gia ít nhất một tổ chức tự quản1. Thông thường, các công ty này là thành viên của nhiều tổ chức tự quản và cùng một lúc chịu sự giám sát của các tổ chức này. Chính vì thế, giữa SGDCK và tổ chức tự quản có sự phân định chức năng giám sát đối với các công ty chứng khoán để hạn chế sự chồng chéo trong hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và hợp tác giữa các tổ chức tự quản1.

UBCKNN Mỹ, SGDCK Mỹ (AMEX), Sở Giao dịch quyền chọn Chicago (CBOE), Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán (NASD), SGDCK New York (NYSE) và Hiệp hội Quản lý Chứng khoán Bắc Mỹ (NASAA) đều tham gia vào công tác giám sát các công ty môi giới và tự doanh. FINRA (Financial Industry Regulatory Authority) là tổ chức tự quản lớn nhất nước Mỹ trong lĩnh vực tài chính, tham gia vào mọi lĩnh vực của ngành chứng khoán.

Hiện tại, tổ chức này quản lý tới 5.160 công ty môi giới (brokerage firms) và hơn 663.535 nhà môi giới chứng khoán (stockbrokers) và đại diện giao dịch (registered representatives). FINRA quản lý danh sách các công ty chứng khoán, đưa ra các quy định để điều chỉnh hoạt động của các công ty, giám sát việc tuân thủ các quy định và khi cần thiết sẽ áp dụng các chế tài đối với các tổ chức vi phạm quy định.

Kinh nghiệm giám sát tuân thủ tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, hàng ngày, Ủy ban Giám sát Giao dịch Chứng khoán (SESC) có trách nhiệm theo dõi và giám sát các hoạt động giao dịch trên TTCK, giám sát hoạt động của các thành viên trên thị trường, giám sát các hoạt động vi phạm Luật Chứng khoán và giao dịch chứng khoán và theo dõi hoạt động của các tổ chức tự quản. Bên cạnh đó, SESC còn chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của các tổ chức trung gian hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán (gồm cả SGDCK) bởi họ là những trung gian đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho thị trường tài chính.

quan điểm này, SESC giám sát và kiểm tra hoạt động của SGDCK nhằm xem xét SGDCK có thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền hạn của mình hay không, có cung cấp hệ thống giao dịch đáp ứng được nhu cầu của công chúng đầu tư hay không. Nếu phát hiện vi phạm qua các cuộc kiểm tra thường xuyên hằng năm sẽ công bố công khai và xử phạt.

Từ tháng 1/2009, SESC đã đưa vào hoạt động hệ thống giám sát tuân thủ có tên là “Compliance WAN”. Đây là hệ thống kết nối các công ty chứng khoán trên toàn nước Nhật, các SGDCK, Hiệp hội Các nhà môi giới chứng khoán Nhật Bản (Japan Securities Dealers Association - JSDA), các công ty chứng khoán và cơ quan giám sát tài chính nước này. Hệ thống này lưu trữ và chuyển tải các dữ liệu thị trường phục vụ cho công tác giám sát của SESC đối với các đối tượng giám sát của mình, ngoài ra hệ thống còn có nhiều ưu điểm nhờ giảm bớt thời gian chuyển tải dữ liệu và an toàn hơn.

Kinh nghiệm giám sát tuân thủ tại Vương quốc Anh

Tại Anh, FSA - Cơ quan Giám sát Tài chính Anh quốc được thành lập năm 1985 dưới dạng Công ty SIB (Công ty Hội đồng Đầu tư và Chứng khoán) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh là thành viên duy nhất và được trao quyền để thực hiện một số quy định theo Luật Dịch vụ Tài chính năm 1986. Sau nhiều bê bối những năm 1990 và kết thúc bằng sự sụp đổ của Ngân hàng Baring (1995), người ta nhận thấy ngành dịch vụ tài chính cần chấm dứt cơ chế tự quản và thiết lập chức năng quản lý tập trung trước đó do nhiều cơ quan quản lý cùng đảm nhiệm.

SIB đổi tên thành FSA năm 1997 và bắt đầu thực hiện quyền hạn của mình trong việc quản lý lĩnh vực dịch vụ tài chính theo Luật Thị trường Dịch Vụ Tài chính năm 2000. Sau đó, FSA tiếp nhận vai trò của SFA (Cơ quan quản lý Hợp đồng kỳ hạn và Chứng khoán) vốn là một tổ chức tự quản chuyên giám sát giao dịch cổ phiếu và hợp đồng tương lai của Anh. Ngoài chức năng quản lý ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tư vấn tài chính, FSA còn điều tiết cả các hoạt động kinh doanh thế chấp tài sản từ năm 2004 và tổ chức bảo hiểm trung gian từ năm 2005.

Tuy nhiên, FSA tỏ ra khá thụ động với quá nhiều lĩnh vực quản lý và từng bị Cựu Thủ tướng Tony Blair chỉ trích là kiềm chế hiệu quả kinh doanh2. Năm 2010, FSA bị giải thể và thay thế bằng 3 cơ quan: Cơ quan Thực thi Tài chính, Cơ quan Luật lệ An toàn, Ủy ban Chính sách Tài chính.

Giám sát giao dịch và cưỡng chế thực thi

Tại Mỹ, SEC được Quốc hội cho phép thành lập theo Luật Chứng khoán năm 1934, thời điểm sau cuộc đại khủng hoảng năm 1929. Luật Chứng khoán năm 1934 xác định các hành vi bị cấm trên thị trường và cho phép SEC có chức năng cưỡng chế thực thi3.

Vụ Thực thi Luật pháp (Division of Enforcement) điều tra vụ việc nghi ngờ có vi phạm Luật Chứng khoán và đề xuất lên SEC để xử phạt hành chính hoặc đưa ra tòa án liên bang để xử phạt hình sự. Đồng thời, Vụ này có trách nhiệm thay mặt SEC để thảo luận về các biện pháp giải quyết vụ việc tại Tòa. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra và xử phạt của đơn vị này không chỉ dựa trên cơ sở các vụ việc do Văn phòng Giám sát Tuân thủ và Kiểm tra chuyển sang. Đơn vị này có thể thực hiện việc thu thập các chứng cứ về vi phạm tiềm năng từ nhiều nguồn, từ các hoạt động thanh tra giám sát của chính đơn vị, từ các đơn vị khác trong UBCKNN, từ các tổ chức tự quản, các nguồn khác trong ngành chứng khoán, kể cả báo chí và khiếu nại của nhà đầu tư.

Khác với những chương trình kiểm tra định kỳ, công khai của Văn phòng Giám sát Tuân thủ và Kiểm tra, mọi cuộc điều tra của Vụ Thực thi Luật pháp đều được tiến hành một cách bí mật. Các sự kiện và bằng chứng được thu thập và tái hiện một cách đầy đủ nhất thông qua các cuộc điều tra, phỏng vấn nhân chứng, kiểm tra hồ sơ của công ty môi giới, rà soát dữ liệu giao dịch và các phương pháp điều tra khác.

Khi SEC đã ban hành một lệnh điều tra chính thức, các nhân viên điều tra của Vụ này có quyền buộc các nhân chứng phải đưa ra lời khai và xuất trình sổ sách, chứng từ cũng như các tài liệu khác. Sau khi điều tra, Vụ Thực thi Luật pháp sẽ đệ trình lên SEC để xem xét. Tùy từng trường hợp, SEC có thể cho phép thực hiện thủ tục tố tụng tại Tòa liên bang hoặc xử phạt hành chính.

Các hành vi vi phạm có thể dẫn đến việc bị Vụ Thực thi Luật pháp tiến hành điều tra và xử phạt bao gồm: giao dịch nội gián, bỏ qua thông tin quan trọng hoặc cố ý đưa tin sai lệch, thao túng giá và thị trường, ăn cắp chứng khoán của khách hàng, vi phạm trách nhiệm đối xử công bằng với khách hàng, bán chứng khoán mà không thực hiện thủ tục đăng ký phát hành. Việc áp dụng xử phạt hành chính hay đưa ra tòa được SEC quyết định dựa trên: mức độ nghiêm trọng của vi phạm, bản chất kỹ thuật của vấn đề và những thủ đoạn được sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm.

Tại Nhật Bản, SESC thực hiện giám sát giao dịch, kiểm tra các tổ chức cung cấp các công cụ tài chính, điều tra các vi phạm trên thị trường như vi phạm về công bố thông tin và gian lận liên quan đến chứng khoán. SESC có thể xử phạt hành chính hoặc đưa vụ việc ra tòa4. Vụ Giám sát thị trường của SESC có nhiệm vụ xem xét các chứng khoán dựa trên kết quả giám sát trong ngày về xu hướng thị trường và các nguồn tin khác, cụ thể: (i) Chứng khoán có giá tăng hoặc giảm mạnh, hoặc có các biến động khó giải thích khác; (ii) Chứng khoán có thông tin nội bộ quan trọng mà khi được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhà đầu tư; (iii) Chứng khoán là tâm điểm trên báo chí và các bản tin tài chính; (iv) Chứng khoán có thông tin từ nguồn tin khác.

Trong quá trình xem xét các giao dịch với vi phạm tương ứng về thao túng, nội gián hoặc gian lận khác, SESC cũng sẽ rà soát các công ty chứng khoán liên quan có tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện các giao dịch trên hay không. Trong trường hợp phát hiện giao dịch nghi vấn, vụ việc sẽ được chuyển sang bộ phận điều tra để làm rõ. Trong năm 2011, SESC đã rà soát 913 giao dịch, trong đó có 73 giao dịch định giá cổ phiếu, 819 giao dịch nội gián và 21 trường hợp khác.

Các tổ chức tự quản như Hiệp hội các công ty chứng khoán và các Sở giao dịch công cụ tài chính cũng có nhiệm vụ thực hiện giám sát công ty chứng khoán và giám sát giao dịch. SESC và các tổ chức tự quản có cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các mảng giám sát như rà soát các giao dịch nội gián hay các giao dịch phi pháp khác cũng như vấn đề về quản lý niêm yết. Tại SGDCK Tôkyô, hoạt động giám sát giao dịch và cưỡng chế thực thi do 02 phòng thực hiện là Phòng Giám sát giao dịch và Phòng Thanh tra và Kiểm tra (Participants Examination and Inspection and Market Surveillance departments)5. 

Tại Úc, Vụ Giám sát thành viên và thị trường (MPS) thuộc Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc (ASIC) chịu trách nhiệm giám sát giao dịch đối với thị trường tài chính Úc, bao gồm các thị trường: thị trường vốn, giao dịch kỳ hạn, phái sinh và ETF. MPS đang sử dụng hệ thống giám sát giao dịch SMARTS do chính cơ quan này triển khai xây dựng.

Trong quý I và II/2013, số lượng cảnh báo mà hệ thống này phát hiện lên tới 20.938 cảnh báo, tuy nhiên số lượng giao dịch cần xem xét sau khi tham khảo các nguồn thông tin trên thị trường (phương tiện truyền thông, các trang web, trao đổi với công ty chứng khoán) chỉ ở 94 trường hợp trong số các cảnh báo trên. 25 vụ việc được chuyển cho Vụ Cưỡng chế Thực thi (Market Integrity Enforcement) để điều tra xử lý.

Với cơ chế cảnh báo dựa vào tiêu chí cảnh báo hiện tại, số lượng các cảnh báo phụ thuộc vào các nhân tố như: biến động thị trường chung, mức độ giao dịch của các tổ chức và điều kiện giao dịch nói chung. Do đó, ASIC đang cho xây dựng hệ thống giám sát mới, trong đó giảm thiểu các tác động nêu trên nhằm giúp cảnh báo tập trung và chính xác hơn. Hệ thống này dự định sẽ được ASIC đưa vào hoạt động trong năm 20136. MPS cũng tiếp nhận, xử lý các đơn tố cáo từ đơn vị nội bộ là Phòng Thu thập Báo cáo Vi phạm (Misconduct and Breach Reporting), bên cạnh việc xử lý các báo cáo về giao dịch do các thành viên thị trường gửi lên.

Một số cải cách được ghi nhận

Trong và sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009, cơ quan quản lý TTCK tại nhiều quốc gia đã nỗ lực đưa ra và thực thi một số cải cách để đối phó và hạn chế những tác động tiêu cực đến TTCK.

Tại Mỹ, năm 2010, SEC thành lập 3 đơn vị mới thuộc Vụ Tài chính Doanh nghiệp (Division of Corporation Finance) nhằm mục đích giúp SEC tập trung nguồn lực vào các tổ chức quan trọng và các sản phẩm tài chính trọng yếu, từ đó có thể nhận định và xử lý các vấn đề kịp thời cũng như để bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn7. Phòng Giám sát Các định chế Tài chính (Oversee Financial Institutions) sẽ rà soát các Công ty Tài chính lớn, sau đó SEC sẽ có kế hoạch tăng cường số lượng báo cáo được rà soát bằng cách huy động chuyên gia có kỹ năng và hiểu biết về tài chính, cũng như phát triển những kỹ thuật rà soát mới. Phòng Chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (Asset - Backed Securities) tập trung vào các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản và các sản phẩm tài chính được cơ cấu. Vụ Tài chính Doanh nghiệp sẽ đảm nhiệm việc rà soát và phân tích các thị trường sản phẩm này. Phòng thứ 3 tập trung vào các sản phẩm chứng khoán mới và tìm hiểu xu hướng thị trường vốn (New Financial Products and Trends) cũng như đưa ra các khuyến nghị để bảo vệ nhà đầu tư trong các đợt chào bán chứng khoán.

Việc thành lập các đơn vị mới được cho là phản hồi của SEC sau những cáo buộc từ phía Quốc hội về phản ứng chậm chạp trong khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài ra, theo Luật Dodd - Frank được Quốc hội thông qua năm 2010, SEC phải thuê một hãng tư vấn để đánh giá lại tổ chức và báo cáo cho Quốc hội định kỳ nửa năm một lần về việc thực hiện các khuyến nghị được tổ chức này đưa ra8.

FINRA - tổ chức tự quản chuyên quản lý các công ty chứng khoán và người hành nghề chứng khoán cũng tập trung nỗ lực rà soát thị trường và đưa ra các chương trình nhằm phát hiện các vi phạm và giúp nhà đầu tư có khả năng tự bảo vệ. Năm 2009, FINRA thành lập Phòng Phát giác (Office of the Whistleblower) và Phòng Tin tức thị trường và Phát hiện vi phạm (Office of Fraud Detection and Market Intelligence) từ đó tập trung những chuyên gia trong lĩnh vực phát hiện vi phạm và điều tra để có thể rà soát hiệu quả đối với các vi phạm nghiêm trọng tiềm tàng9.

Tại Nhật Bản, trong Báo cáo thường niên 2011 - 2012, SESC nhấn mạnh vấn đề cần tập trung, đó là thanh tra các nhà cung cấp công cụ tài chính mà cụ thể là:

Thứ nhất, tăng cường xem xét khẩu vị rủi ro hay mức độ chấp nhận rủi ro (risk appetite) đối với các loại công ty cung cấp dịch vụ tài chính, đối với đặc tính của từng khách hàng như nhà đầu tư cá nhân hay quỹ hưu trí…, đối với công cụ tài chính phức tạp của các công ty chứng khoán;

Thứ hai, nâng cao khả năng thu thập và phân tích thông tin kịp thời. Hơn nữa, SESC nhận thấy cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nhà quản lý thị trường ở các nước khác để cùng trao đổi các dữ liệu và giám sát các giao dịch xuyên biên giới. SESC đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tự quản, cơ quan quản lý nhà nước liên quan và các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ sự công bằng của thị trường để cùng chia sẻ quan điểm, thống nhất trước các vấn đề chung và để thực hiện việc giám sát chặt chẽ hơn nữa thông qua cơ chế trao đổi thông tin thông suốt.

Nhận thấy xu hướng giao dịch thông qua Internet sẽ thống lĩnh phương thức giao dịch do quá trình tự động hóa hệ thống giao dịch cũng như những phát triển nhanh chóng của Internet, SESC đã thực hiện một số quy định nhằm cung cấp thêm các cơ sở cho quá trình giám sát, điều tra các vi phạm về thao túng, lạm dụng thị trường. Trong đó, SESC đưa ra yêu cầu các tổ chức tự quản phải yêu cầu các thành viên của mình có trách nhiệm lưu giữ địa chỉ IP (Internet Protocol) khi khách hành thực hiện giao dịch để từ đó có cơ sở truy vết đối với các giao dịch lạm dụng thị trường. Các tổ chức tự quản tại Nhật Bản đã áp dụng quy định này vào thời điểm tháng 1/201210.

Tại Úc, việc giám sát theo thời gian thực các hoạt động giao dịch tại Sở giao dịch Úc (ASX) được chuyển giao cho Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc (ASIC) tiếp quản vào 1/8/2010 theo thỏa thuận chính thức ký kết giữa 2 đơn vị11. Người ta kỳ vọng rằng sự thay đổi trong cơ cấu phân quyền giám sát giao dịch này sẽ đưa ASIC tới gần thị trường hơn, đem lại cho Ủy ban khả năng tiếp cận lớn hơn và linh hoạt hơn để có thể nhanh chóng “bắt” được những diễn biến mới trên thị trường. Đồng thời sự chuyển giao này cũng trên cơ sở nhằm giải quyết thách thức hiện tại khi các SGDCK có xu hướng chuyển từ dạng tổ chức thành viên phi lợi nhuận sang mô hình công ty hoạt động vì lợi nhuận, từ đó không thực sự quan tâm đúng mực đến chức năng phát hiện vi phạm của mình.

Còn tại Anh, năm 2010, Bộ trưởng Tài chính tuyên bố kế hoạch xóa bỏ Cơ quan Giám sát Tài chính Anh quốc (FSA) và phân tách các nhiệm vụ vốn thuộc FSA cho ba cơ quan mới là Cơ quan Thực thi Tài chính Anh (FCA), Cơ quan Luật lệ An toàn (PRA) và Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC).

Cơ quan Thực thi Tài chính: (Financial Conduct Authority - FCA) là đơn vị độc lập với Chính phủ và hoạt động dựa vào phí do các tổ chức tài chính được cấp phép đóng và chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính Anh và Quốc hội về thị trường tài chính. FCA tồn tại dưới dạng Công ty bảo chứng (Company limited to guarantee) - một loại hình doanh nghiệp ở Anh và Ireland, do các thành viên đóng vai trò là người bảo lãnh, và công ty không cho phép chia lãi cho các thành viên mà giữ lại lợi nhuận để tiếp tục hoạt động.

Nhiệm vụ của FCA là quản lý các tổ chức tài chính và bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo sự ổn định của thị trường và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Chức năng chính của FCA là phát hiện, xử lý các hành vi lạm dụng thị trường, trong đó chủ yếu là thao túng và nội gián. FCA có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tham gia thị trường, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ giao dịch các công cụ tài chính nhất định phải báo cáo các “giao dịch khả nghi” cho FCA ngay khi phát hiện. “Giao dịch khả nghi” được định nghĩa là giao dịch có “cơ sở tin cậy” để nghi ngờ là hành vi lạm dụng thị trường, như nội gián và thao túng. Tổ chức tham gia thị trường dựa trên từng vụ việc cụ thể để xác định “cơ sở tin cậy” này.

Cơ quan Luật lệ An toàn (Prudential Regulation Authority) là bộ phận tách ra từ FSA và trực thuộc Ngân hàng Anh có nhiệm vụ đưa ra quy định đảm bảo và giám sát các tổ chức tài chính, bao gồm: ngân hàng, ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm và xã hội. Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC) thuộc cơ cấu của Ngân hàng Anh, quản lý FCA và PRA. Như vậy, thông qua quản lý 02 cơ quan chuyên biệt về TTCK này, Ngân hàng Anh được gia tăng thêm quyền kiểm soát trên thị trường tài chính.

Khuyến nghị đối với Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm tổ chức hệ thống giám sát TTCK trên thế giới, dưới đây là một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc quản lý và giám sát TTCK. 

Một là, UBCKNN cần tăng cường công tác giám sát đối với các tổ chức tự quản, trong đó có SGDCK, đặc biệt cần tập trung vào các nội dung giám sát. Hiện nay, ở tất cả các nước đều có hai 02 nội dung quan trọng nhất, đó là: (i) Xem xét, phê duyệt các quy định, quy chế do SGDCK đưa ra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên thị trường và sự tương thích, tuân thủ với các quy định của pháp luật có liên quan; (ii) Giám sát việc tuân thủ của SGDCK đối với các quy định của pháp luật và việc thực hiện các quy định do bản thân SGDCK đưa ra. Trọng tâm của công tác giám sát tuân thủ đối với các SGDCK là rà soát quy trình ra quyết định và các quy trình nghiệp vụ (cấp phép, giám sát tuân thủ, xử lý kết quả giám sát) ở từng bộ phận nghiệp vụ trong các đơn vị, phòng, ban của SGDCK để đánh giá chất lượng hoạt động của Sở một cách đầy đủ và hệ thống hơn. Yếu tố tuân thủ quy định của pháp luật và quy tắc đối xử công bằng đối với các thành viên thị trường của SGDCK cần được đặt lên hàng đầu và phải được đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời.

Hai là, các tổ chức trung gian thị trường, đặc biệt là các SGDCK cần tập trung nguồn lực hơn nữa để bảo vệ tính toàn vẹn thị trường, thực hiện hiệu quả chức năng là cấp giám sát thứ nhất nhằm phát hiện, ngăn chặn những hành vi lạm dụng thị trường, hoặc các vi phạm quy định pháp luật và quy định nội bộ của SGDCK. Tại một số quốc gia, SGDCK chuyển giao giám sát giao dịch trực tuyến cho UBCKNN là phương thức giúp UBCKNN giám sát gần với thị trường hơn cũng như giảm bớt lo ngại về SGDCK chạy theo lợi nhuận mà cắt giảm chi phí cho công tác giám sát. Tuy nhiên, ở mức độ phát triển của TTCK Việt Nam cũng như hệ thống công nghệ phục vụ công tác giám sát tại UBCKNN nói chung còn ở mức độ ban đầu, thì việc tăng cường tuyến giám sát thứ nhất là lựa chọn tối ưu cho giai đoạn này của thị trường.

Ba là, đẩy mạnh phát triển hơn nữa hệ thống giám sát tự động như nguồn cảnh báo chính để phát hiện vi phạm về giao dịch. Hầu hết các cơ quan quản lý TTCK của các nước phát triển được trang bị đầy đủ công cụ hữu hiệu này để phát hiện vi phạm trong giao dịch chứng khoán. Không những vậy họ luôn nâng cấp và thay đổi các phương thức để càng hoàn thiện hệ thống giám sát nhằm sàng lọc và xử lý cảnh báo hiệu quả hơn, giảm thời gian và nhân lực xử lý các cảnh báo do biến động khách quan hoặc biến động có thể giải thích được bằng thông tin công bố, mà tập trung nguồn lực chính vào quá trình kiểm tra sơ bộ, kiểm tra chính thức đối với các vụ việc thực sự nghi vấn.

Bốn là, trong tương lai gần, UBCKNN có thể cân nhắc quy định về nghĩa vụ của các công ty chứng khoán trong việc đảm bảo sự toàn vẹn của thị trường. Không thể phủ nhận rằng công ty chứng khoán đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giao dịch, tại đây các giao dịch được phát sinh và từ đó nếu có bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào về giao dịch thì công ty chứng khoán với đội ngũ nhà môi giới, phân tích thị trường dầy dặn kinh nghiệm sẽ là những người hiểu rõ nhất về tác động của những giao dịch bất thường lên thị trường. Vì vậy, công tác giám sát giao dịch sẽ hiệu quả và triệt để hơn nếu có sự tham gia của các công ty chứng khoán.

Năm là, trong bối cảnh TTCK phát triển không ngừng về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt với vị thế là quốc gia có TTCK phát triển sau, Việt Nam cần nhận thức được nguy cơ có khả năng trở thành sân chơi cho các nhà đầu tư nước ngoài với kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế, họ dễ dàng trục lợi và tiến hành các hành vi bất hợp pháp như rửa tiền. Vì thế, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong giám sát giao dịch và trong hoạt động ngân hàng là cần thiết và cần khởi động ngay từ bây giờ.
_________________

Chú thích

1 http://www.sec.gov/info/smallbus/mouex.txt

2 http://news.bbc.co.uk/2/hi/business/4696419.stm

3 http://www.sec.gov/about/whatwedo.shtml#org

4 http://www.fsa.go.jp/sesc/english/aboutsesc/aboutsesc.htm

5 http://www.tse.or.jp/english/sr/compliance/gaiyo.html

6 Báo cáo giám sát thị trường và thành viên 6 tháng đầu năm 2013 của ASIC.

7 http://www.sec.gov/news/press/2010/2010-124.htm

8 http://www.washingtonpost.com/blogs/political-economy/post/jumbo-mumbo-in-sec-report-to-congress/2011/09/12/gIQAHTOVNK_blog.html

9 http://www.finra.org/AboutFINRA/ChairmansMessage/

10 http://www.fsa.go.jp/sesc/actions/inter/20120927-1/01.pdf

11http://www.asxgroup.com.au/media/PDFs/20100708_asx_asic_supervisory_transfer_arrangements.pdf