Kinh tế Hà Nội tăng trưởng gần 8% trong 9 tháng

Theo Hà Nội mới

Sáng 17/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, tập thể UBND TP đã xem xét báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2012.

Kinh tế Hà Nội tăng trưởng gần 8% trong 9 tháng

Kết quả kinh tế tháng 9 và 9 tháng năm 2012 tiếp tục cho thấy, kinh tế Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP trong quý III ước đạt 8,5% - cao hơn quý I và quý II (lần lượt là 7,3 và 7,9%), tính chung tăng trưởng 9 tháng đầu năm của TP đạt 7,9%. Trong đó, dịch vụ tăng 8,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 8%, nông - lâm - thủy sản giảm 0,6%. Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm của TP ước đạt 92.275 tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán HĐND TP giao.

Tuy nhiên, trong số 21 sản phẩm công nghiệp chủ lực có tới 15 sản phẩm giảm sản lượng, trong đó có những sản phẩm giảm trên 45%. Xuất khẩu quý III có xu hướng chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng sau khi giảm 2 tháng liên tiếp, sang tháng 8 đã tăng trở lại. Số DN đăng ký kinh doanh giảm đáng kể: 9 tháng đầu năm, chỉ bằng bằng 68% số DN và 54% về số vốn so với cùng kỳ năm 2011. Cũng trong 9 tháng đầu năm, toàn TP có 730 DN làm thủ tục giải thể và 1.900 DN làm thủ tục ngừng kinh doanh. Trong khi đó, mặc dù đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhưng lượng hàng tồn tại kho của các DN vẫn ở mức cao, có ngành hàng lên tới 30%.

Kết luận phiên họp, yêu cầu trong 3 tháng cuối năm 2012, các ngành, các cấp TP phải đảm bảo thực hiện cả 3 mục tiêu: duy trì tăng trưởng, giữ chỉ số giá tiêu dùng dưới 2 con số và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, đối với sản xuất công nghiệp, cần tập trung vào nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Bởi xuất khẩu đang đối mặt với khó khăn mới, đó là chính sách bảo vệ hàng hóa nội địa của các nước. Cùng với đó, phải có các biện pháp kỹ thuật, thuế quan để hỗ trợ hàng trong nước; phát huy vai trò cầu nối giữa UBND TP với ngân hàng và DN để tháo gỡ những khó khăn về vốn và lãi suất; tiếp tục có các giải pháp để giải phóng lượng hàng hóa tồn đọng của các DN.

Chủ tịch nhấn mạnh, cần khẩn trương hoàn thành giải ngân vốn đầu tư XDCB và thanh quyết toán đối với các công trình đã hoàn thành; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư đối với hạ tầng giao thông, đô thị và môi trường. Đặc biệt, cần triển khai ngay gói hỗ trợ cho đường giao thông nông thôn, phấn đấu trong quý IV/2012 phải cơ bản hoàn thành cứng hóa đường giao thông nông thôn. Chủ tịch cũng yêu cầu cần có chính sách, giải pháp kích cầu tiêu dùng. Tiếp tục hỗ trợ các DN trong hoạt động bình ổn giá và đưa hàng về các vùng khó khăn. Đồng thời cũng phải có các giải pháp hỗ trợ các DN bán buôn, nhằm mục tiêu Hà Nội là thị trường trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước.